Rừng Sác nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt

Rừng Sác là nơi khắc ghi dấu ấn nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta, cũng là chứng nhân lịch sử đi qua nhiều thời kỳ đau thương, hiển vinh của đất nước và ngày nay đây là địa chỉ về nguồn của thế hệ trẻ.

Du khách về thăm Rừng Sác.

Du khách về thăm Rừng Sác.

Rừng Sác

Rừng sác nằm ở vị trí gần căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Miền Đông và các đơn vị chủ lực của Bộ tư lệnh Miền, Quân khu 7...Phần lớn diện tích Rừng Sác thuộc địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Hai địa phương này là những nơi có phong trào cách mạng sôi nổi, người dân kiên trung, anh dũng, một lòng gắn bó với cách mạng…

Rừng Sác không chỉ đơn giản là một khu rừng ngập mặn nguyên sinh rộng lớn với diện tích khoảng 710km2 mà còn là trận đồ bát quái của mạng nhện luồng lạch, một pháo đài tự nhiên của trùng điệp đảo triều với hàng trăm đảo triều lớn nhỏ dàn thế bao vây quân thù. Vì thế rừng Sác sớm trở thành căn cứ kháng chiến – một chiến khu ở sát sào huyệt của địch – nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Hệ thống đường bộ khu vực Rừng Sác rất ít ỏi, chủ yếu sử dụng đường thủy với các sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, với 4 con sông lớn Sài Gòn, Đồng Tranh, Thị Vải và Lòng Tàu. Trong đó, sông Lòng Tàu là con sông lớn nhất cắt Rừng Sác thành hai khu vực Đông và Tây.

Sông Lòng Tàu.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Rừng Sác là một vùng có nhiều căn cứ kho tàng, đường giao thông vận chuyển quan trọng của ta, là nhánh rẽ của “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Đồng thời, là nơi đứng chân của các lực lượng cách mạng địa phương Cần Giờ và các vùng lân cận. Ngày 15/4/1966, Đặc khu Quân sự Rừng Sác chính thức được thành lập với mật danh là T10. Quân số ban đầu gồm 614 người do đồng chí Lương Văn Nho làm Đặc khu Trưởng kiêm Chính ủy. Đảng bộ Đặc khu Quân sự Rừng Sác có 372 Đảng viên.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đặc khu là xây dựng khu căn cứ thành bàn đạp vững chắc để khống chế sông Lòng Tàu, đánh chìm tàu địch trên sông rạch nhỏ, tại cảng và tiến đến đánh kho tàng lớn của địch; xây dựng cơ sở cách mạng, đẩy mạnh chiến tranh du kích; bảo vệ hành lang vận chuyển hàng chiến lược của ta theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vào Nam. Để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, Ban chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác được điều về Miền, Đảng bộ, chính quyền huyện Duyên Hải (Cần Giờ) được thành lập. Lực lượng quân còn lại của Đặc khu thành lập Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Sở chỉ huy của Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác được đặt dọc bờ sông Đồng Tranh của xã Phước An và bờ sông Thị Vải, các chiến sĩ sống và làm việc trên các sạp gỗ làm bằng cây đước dựng trên sình lầy, sông nước của rừng Sác.

Tượng đài chiến sỹ Đặc công Rừng Sác.

Đi qua đau thương

Đặc khu Quân sự Rừng Sác đã ghi dấu ấn với nhiều chiến công oanh liệt, như: Trận đánh tàu Victory bằng thủy lôi vào ngày 23/8/1966. Đây là trận đánh đầu tiên bằng thủy lôi của Đặc khu Quân sự Rừng Sác giành thắng lợi lớn. Ta diệt được tàu Victory, trên tàu có: 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm. Giao thông của địch trên sông Lòng Tàu bị gián đoạn. Địch phải mất cả tuần lễ để trục vớt xác con tàu và khai thông khúc sông này. Sau trận đánh, Đặc khu Quân sự Rừng Sác được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất.

Hay như trận đánh vào cảng Nhà Bè, các chiến sĩ của ta đã vượt qua hàng chục cây số sình lầy sông nước, rải giáp các chốt phòng thủ của địch và đã bí mật đưa quả thủy lôi 100 kg vào trận địa. Mục tiêu tấn công của tổ đặc công là chiếc tàu lớn chở hàng chiến lược của địch nằm sâu trong cảng. Đúng 11 giờ 45 phút, một tiếng nổ vang dội làm chiếc tàu bốc cháy.Trận đánh làm chấn động giới quân sự Mỹ - Ngụy tại Sài gòn. Đội 5 trở thành đơn vị đầu tiên của Đặc khu Quân sự Rừng Sác mở đầu truyền thống đột nhập đánh phá kho tàng bến cảng địch. Đồng chí Bảng trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của đơn vị.

Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác cũng đã có những trận đánh tiêu biểu, vang dội như: Trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ. Ở trận đánh này, ta đã thiêu hủy 80 dãy nhà kho chứa gần 100.000 tấn bom các loại, cả kho bom bốc cháy dữ dội suốt 3 ngày đêm và 05 chiến sỹ của ta trở về căn cứ an toàn. Cùng với đó, trận đánh kho xăng Nhà Bè thì đã đạt được hiệu quả cực lớn: Thiêu hủy 250 triệu lít xăng, 12 bồn Butagar, cơ sở trộn nhớt, khu nhà lính cháy trụi và chiếc tàu Hà lan trọng tải 12 ngàn tấn bị cháy hỏng. Thiệt hại tương đương 20 triệu đô la Mỹ.

Kho xăng Nhà Bè bùng cháy suốt 12 ngày đêm. Về phía ta, hai ngày sau trận đánh thì 6 dũng sĩ đã cắt rừng, lội sông về đến Sở chỉ huy an toàn. Tuy nhiên, ở trận đánh này, ta đã có 2 đồng chí hy sinh. Đó là anh hùng Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm…Họ là hai người tiêu biểu trong số hàng 100 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, nhất định không chịu khuất phục trước kẻ thù. Gương chiến đấu hy sinh của những chiến sỹ đặc công rừng Sác là những bông hoa tuyệt đẹp, mãi mãi tỏa ngát hương thơm ở sông nước vùng rừng Sác oai hùng.

Di tích Sở Chỉ huy đặc khu rừng Sác trước đây là căn cứ quân sự quan trọng đối với chiến trường miền Nam, đặc biệt đối với Biên Hòa (Đồng Nai) và thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, những gian lao, thử thách, những mất mát hy sinh của quân và dân các địa phương vùng ven Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị tiêu biểu đó, năm 2014, Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là việc làm hết sức thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính nhân văn sâu sắc nhằm ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông.

Giờ đây, sau những năm tháng chứng kiến những chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng, gian khổ của các chiến sỹ đặc công Đoàn 10…Rừng Sác lại trở lại yên bình với cảnh quan sông nước có hệ sinh thái, động thực vật phong phú…

Cựu chiến binh, Đại úy Cao Hùng Ngọt, nguyên Đội trưởng Đội 5 (cấp Đại đội, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) vẫn nhớ như in về trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm xưa, bởi đây là trận đánh vang danh của Đội 5, tập thể hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng trang Nhân dân chỉ trong 3 năm (1972 và 1975).

Sau Mậu Thân 1968, địch đem quân càn quét khắp nơi, Đội 5 do ông Cao Hùng Ngọt cũng như nhiều đơn vị khác của Đoàn 10 bị thiệt hại nặng nề. Đại úy Cao Hùng Ngọt cho biết, để tăng cường lực lượng cho Đoàn 10, cấp trên đã chi viện “đặc công khô” từ miền Bắc về Rừng Sác. Chính nhờ vậy, trận đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973 được ghi nhận là chiến tích đặc biệt với lối đánh “đồng hóa đặc công khô và đặc công nước”.

Ông Nguyễn Phúc Thiện – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nhơn Trạch cho biết: Hiện nay, Rừng Sác thuộc Đảo Khỉ, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia. Ngoài ra di tích Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác nằm trong hệ thống rừng phòng hộ tỉnh Đồng Nai. Di tích được Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Long Thành quản lý, chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ tốt.

Hải Sơn - Văn Bảo

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/rung-sac-noi-ghi-dau-nhung-chien-cong-oanh-liet-d127330.html