Rưng rưng xúc động về một thời đã qua

Chương trình Quán thanh xuân số 3 với chủ đề Nhà chật do Ban Thanh Thiếu niên, Đài THVN sản xuất được truyền hình trực tiếp trên VTV1 ngày 3/3 đã gây xúc động với các vị khách mời và đông đảo khán giả.

Trên mạng xã hội, rất nhiều nhà báo, nhà thơ, nghệ sỹ đã chia sẻ rất nhiều cảm xúc gợi những ký ức về căn nhà chật chột, cũ kỹ một thời của mình.

MC Diễm Quỳnh- Anh Tuấn và các vị khách mời (Ảnh: VTV)

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Sống lại một thời bao cấp với những chuyện cười ra nước mắt

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng chương trình đã làm anh sống lại một thời bao cấp, đó là những ngôi nhà được xây dựng từ những năm tháng đầu tiên sau khi miền Bắc hòa bình và đến bây giờ nó vẫn còn tồn tại. Trong các khu nhà tập thể ấy có nhiều hộ sinh sống và cuộc sống chật chội trong sự gắn kết. Nó để lại những vui buồn mà bây giờ đi qua vẫn có nhiều cảm xúc. Nơi đây đã từng có chuyện vui, buồn, thậm chí có nhiều chuyện bây giờ nghĩ lại thấy cười ra nước mắt.

A

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Ảnh: VTV)

Cụ thể đó là chuyện những căn hộ ở tầng 2,3,4 lắp ghép theo mô hình của Cộng hòa dân chủ Đức khi có người nhà mất thì quan tài không thể đưa xuống được đành phải làm ma chay dưới sân, chỗ vui chơi giữa hai dãy nhà. Những thập niên 70, 80 ở dưới tầng 1 không có chỗ gửi xe, muốn đưa lên tầng là phải nổ máy thật nhanh. Rõ ràng ta có một chỗ ở mà ta không được sống với đúng nghĩa là sống.

Lý giải về sự ra đời của những căn nhà chật, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết nhà chật không phải thời bao cấp mới có mà ngay từ thời vua Tự Đức đã có. Bởi khi ấy ở 36 phố phường người ta không đánh thuế diện tích nhà ở mà chỉ đánh thuế diện tích cửa hàng vì thế nhiều gia đình đã ngăn mặt tiền ra thành nhiều khu để cho thuê. Sau này kéo dài đến thời kỳ bao cấp, thì do điều kiện sau hòa bình cuộc sống còn khó khăn, chính quyền mới còn nhiều thiếu thốn nên đã xây dựng nhà tập thể đầu tiên là cấp 4 rồi tập thể cao tầng 1,2 tầng. Diện tích mỗi phòng chỉ hơn 20 m2 chia cho mỗi hộ gia đình mà không cần biết có nhiêu người. Khi con cái lớn lên đông quá người ta sinh ra gác xép. Vì thế những năm 70 của thế kỉ trước gọi là thế hệ gác xép. Và chuyện đó chỉ có ở Hà Nội.

Phủ định quan điểm “Nhà chật thì các thành viên xích lại gần nhau hơn” nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, sống chật khổ lắm, ví dụ tuổi thơ đi học bố mẹ có khách thì con cái không có chỗ học bài rồi khi ốm, khi đau, thậm chí bất tiện khi ăn. Có những nhà có giỗ mà phải ăn nhiều lần, ăn từ trưa mà đến chiều tối mới xong, cứ mâm ăn xong thì mâm khác vào. Vì thế khi sống trong không gian rộng rãi, có một cái khoảng không gian riêng tư chính là điều kiện để mỗi người sẽ thân nhau hơn, gần gũi nhau hơn.

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: Ở nhà chật thì chẳng thể giận nhau được lâu

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt là người con sinh ra và lớn lên trong một căn nhà tập thể vỏn vẹn có 12 mét vuông ở khu tập thể Nam Đồng, nên hơn ai hết anh hiểu sự chật chội trong cuộc sống gia đình. Sau này, nhà anh lại có đến 7 thành viên sinh sống, rõ ràng nhà chật nhưng anhcho rằng đó lại là điều kiện để các thành viên trong gia đình chẳng thể giận nhau được lâu, ngược lại luôn có sự tương trợ, liên kết dễ dàng hơn. Bởi, dù sao quanh đi quẩn lại vẫn phải gặp nhau, ăn chung cùng nhau, ngủ cùng nhau.

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt (Ảnh: VTV)

Sống trong thời kỳ ấy, anh cũng không nghĩ nhiều về ngôi nhà chật vì cả xã hội như vậy. Lý giải xuất xứ của những ngôi nhà chật, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, khi đất nước giải phóng được một nửa thì số lượng người ở thành phố tăng lên khủng khiếp. Đó là những chiến sĩ quân đội trở về công tác tại thành phố, những cán bộ chiến sĩ tập kết từ miền Nam ra, những nhà máy mọc lên, những Bộ, ban ngành được hình thành. Chính vì thế khu tập thể xây lên nườm nượp là lẽ tự nhiên. Thế rồi do nhu cầu lớn hơn việc đáp ứng rất nhiều do những người ấy còn sinh con đẻ cái, đón bố mẹ già ở nông thôn nên ngôi nhà đã nhỏ mà quân số tăng lên thì rõ ràng phải chật.

Trả lời câu hỏi: “Bây giờ anh muốn quay về sống trong căn nhà chật không?”, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, con người ta thường làm quen và thích ứng với điều kiện tiện nghi nhiều hơn nhà chật. Nếu bây giờ nói mình muốn quay về ngôi nhà chật là không đúng, không trung thực vì mỗi thời đại thì xã hội lại tiến lên. Chính vì vậy chúng ta không thể nào quay lại cảm giác xưa. Tuy nhiên khi mà cả nước sống trong hoàn ảnh ấy mình nghĩ là may mắn rồi khi có nhà để ở, ở bên cha mẹ, được xã hội chu cấp, được học hành, kết bạn, đi chơi, học hỏi... Trong hoàn cảnh chiến tranh như thế, những lần trở về nhà sau lần đi sơ tán, nó còn cao hơn ngôi nhà, mà đó còn là hòa bình, là sự an toàn.

Anh nhớ hồi anh mới 9,10 tuổi thì có nhiều trò nghịch, khu tập thể có 8 dãy nhà, không gian rộng rãi, sạch sẽ, lứa bọn anh đã chơi đủ các trò như: đá bóng, đánh đáo, nhảy dây, đánh khăng, đánh cầu…, sau này có thêm xã đơn, xã kép, bóng bàn. Nhưng có một kỉ niệm mà đến bây giờ, anh vẫn nhớ mồn một, đó là sau năm 1975 khi các vỏ quả tên lửa Sao Mai được tận dụng để chứa nước. Những đêm mùa hè trời nóng, mất điện anh hay trèo lên nằm để hơi nước bốc lên mát rượi và có hôm ngủ thiếp đi. Đến 12h đêm không thấy về, bố mẹ cuống cuồng đi tìm và thấy anh nằm trên bể nước đã phát cho cái nhớ đời….

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Cho một vé về tuổi thơ

Nhạc sĩ Trương Quý Hải lại cho rằng chương trình đã gợi lại cho anh những nỗi niềm bồi hồi, xao xuyến bởi anh cũng là một người sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Trung Tự. Chương trình đã cho anh một tìm vé về tuổi thơ.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải (Ảnh: VTV)

Nhạc sĩ Trương Quý Hải còn tác giả của bài hát “Khu nhà cũ” nổi tiếng. Bài hát ra đời khi anh hoài niệm về khu tập thể, khi những cảm xúc ùa về sau những năm tháng xa nó.

Theo anh ở nhà chật là một nét rất độc đáo. Diện tích căn nhà của mỗi gia đình rất nhỏ trong khi không gian chung thì quá rộng lớn. Đặc biệt điều đó là thuận lợi để dễ tập hợp được trẻ con. Khi ở thời kì mà trẻ nhỏ không có đồ chơi sẽ kích thích chúng phải sáng tạo ra trò chơi.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng chính là cố vấn của chương Quán thanh xuân. Chia sẽ lý do nhận trọng trách này, anh cho biết đây là chương trình rất hay, ai đã từng đi qua một thời thanh xuân đều có những ký ức mà ký ức ấy đều là những điều đẹp đẽ. Hơn nữa, Quán thanh xuân còn là nơi giúp các bạn trẻ khám phá ra những giá trị trong khoảng trời khí ức rộng lớn của các thế hệ trước, từ đó xây dựng lên ký ức của chính giới trẻ./.

N.K

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/rung-rung-xuc-dong-ve-mot-thoi-da-qua-post57856.html