Rưng rưng hình ảnh lễ khai giảng muộn của thầy trò vùng biên sau lũ dữ

Hình ảnh kễ khai giảng giản dị, đơn sơ diễn ra tại một ngôi trường vùng biên xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nơi vẫn đang bị cô lập bởi mưa lũ, khiến không ít người xúc động.

Sáng nay (8/9), tại xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), các em học sinh bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS) của xã đã tập trung tại trường THCS xã Mường Chanh để tham dự buổi lễ khai giảng, đánh dấu năm học mới 2018 – 2019 bắt đầu.

Cách thị trấn huyện Mường Lát khoảng 30km, xã Mường Chanh là nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ hoành hành. Đến nay, đã 10 ngày trôi qua nhưng giao thông vẫn đang bị chia cắt, xã bị cô lập.

Những ánh mắt thơ ngây

Các em nhỏ vẫn mặc quần áo lấm lem trong ngày khai giảng

Trước đó, ngày 5/9, các trường trên địa bàn huyện và cả nước đã tưng bừng tổ chức lễ khai giảng, thế nhưng do điều kiện khó khăn, gia đình nhiều em học sinh và cả các thầy cô giáo của nhà trường vừa bị lũ quét, tàn phá nhà cửa, ngay cả trường học cũng bị đánh sập.

Vì vậy, lãnh đạo ngành giáo dục huyện chỉ đạo xã Mường Chanh tổ chức lễ khai trường muộn hơn. Để có buổi tựu trường trọn vẹn, đối với thầy và trò các cấp học từ mầm non đến THCS ở địa phương không phải là điều đơn giản. Các thầy, cô đã phải lặn lội, băng rừng, vượt suối đến từng bản làng vẫn đang bị cô lập để vận động học sinh tới lớp.

Lễ khai giảng muộn đơn sơ

Sau lũ, người dân vốn đã nghèo nay lại càng nghèo hơn, nhà cửa, tài sản, hoa màu bị cuốn trôi khiến nhiều người mất tinh thần, chính vì vậy, phụ huynh nơi đây cũng không còn mặn mà với việc đưa con cái đi học.

Còn các trường học cũng bị lũ cuốn, hàng trăm m3 đất đá tràn vào các lớp học, phá hỏng phòng học, bàn ghế và sách vở học sinh.

Xã Mường Chanh vẫn là nơi bị cô lập bởi hậu quả của mưa lũ

Thầy Trần Văn Liêm, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh cho biết, do nhà trường chịu ảnh hưởng nhẹ hơn của thiên tai nên lễ khai giảng được tổ chức chung cho cả các em mầm non, tiểu học và THCS tại nơi đây.

"Học sinh trong xã chủ yếu là con em đồng bào người Khơ Mú và người Thái. Đến nay có khoảng 90% các em học sinh đã đến lớp. Trước mắt còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng thầy cô và học trò sẽ cố gắng sớm ổn định tinh thần để bước vào năm học mới", thầy Liêm chia sẻ.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/rung-rung-hinh-anh-le-khai-giang-muon-cua-thay-tro-vung-bien-sau-lu-du-253877.htm