Rưng rưng chuyện đời của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Vào buổi chiều mùa đông hôm ấy, khi chúng tôi vào thăm thì Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thi, SN 1926, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội đang ngồi trước bậc thềm sưởi ấm. Nắng vàng như mật ong trải lên mái tóc trắng như cước của mẹ. Khẽ đưa đôi bàn tay đầy những nếp nhăn lên vuốt lên mái tóc, mẹ Thi cười tươi khoe hàm răng đen, chiếc còn, chiếc mất. Đôi mắt mẹ vẫn tinh anh lắm và tai thì chưa bị nặng; nhìn mẹ chẳng khác nào bà tiên giữa cuộc đời này…

“Bố cháu sớm hy sinh, tôi thương các cháu lắm”

Nghe có người đến chơi, mẹ Thi vui lắm. Nhà đông con nhiều cháu nhưng đã đi làm hết cả, chỉ có mình mẹ và người con trai năm nay ngót 70 tuổi ở nhà. Trong gian thờ cổ kính, trên tường treo nhiều Huân chương chiến công- chứng tích của chồng và con hy sinh ngoài mặt trận, chúng tôi được mẹ Nguyễn Thị Thi- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn sống tại quận Hà Đông, Hà Nội kể về gia đình giàu truyền thống cách mạng của mình.

Theo lời kể của mẹ Thi thì mẹ lấy chồng từ năm 19 tuổi. Chồng của mẹ là cụ Dương Văn Trừ, năm ngoài 20 tuổi đã xung phong làm Xã đội rồi trở thành Xã đội trưởng của làng lúc bấy giờ. Ban ngày, cụ Trừ đi trốn; ban đêm lại hoạt động cách mạng… Cụ Trừ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1951- khi ấy hai đứa con sinh đôi của mẹ Thi là Dương Văn Đăng và Dương Văn Đối vừa tròn 4 tuổi.

Ngày tang chồng, vành khăn trắng được thắt lên đầu 3 mẹ con. Người phụ nữ góa bụa khi mới 27 tuổi ấy nhìn hai con mà lòng thắt lại. Cuộc đời tiếp sau sẽ chỉ còn 3 mẹ con dựa vào nhau mà sống. Sau khi chồng mất, mẹ Thi ở vậy nuôi con.

Mẹ nhớ lại: “Ông nhà tôi mất không lâu, có mấy người đến hỏi cưới tôi nhưng tôi trả lời họ rằng: “Chồng không may mất sớm, để lại hai đứa con. Tôi thương con tôi lắm, không nghĩ đến việc đi bước nữa đâu…”.

Cuộc sống ngày đó khó khăn, là con gái đất lụa Hà Đông, mẹ Thi quanh năm ngồi khung cửi dệt lụa rồi ngày chợ phiên lại mang ra chợ Hà Đông bán lấy tiền mua gạo nuôi con. Căn nhà cha ông để lại tuềnh toàng chẳng có gì, cửa không, giường không; đêm đến, 3 mẹ con ôm nhau ngủ. Ở ngoài kia biết bao gian khó nhưng nghĩ đến người chồng dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, mẹ Thi đã vượt qua tất cả để sống và nuôi dạy con.

 Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thi bên người con trai cả Dương Văn Đăng. Ảnh: L.Anh

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thi bên người con trai cả Dương Văn Đăng. Ảnh: L.Anh

Không đánh gục được lòng tin

Hai con của mẹ Thi lớn lên, ngoan ngoãn, hiếu thuận với mẹ. Ngoài giờ học, hai con trai lại đi chăn trâu, cắt cỏ, làm cho HTX. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh con cả Dương Văn Đăng lên đường nhập ngũ còn cậu con thứ hai đi học lái xe. Qua nhiều chiến trường ác liệt, con trai lớn Dương Văn Đăng vẫn vững lòng chiến đấu và đều đặn viết thư gửi mẹ.

Đầu năm 1966, đơn vị của người con thứ Dương Văn Đối được bổ sung ra chiến trường. Chồng hy sinh, giờ hai con đều nhập quân ngũ nên mẹ Thi ở nhà thăm thẳm trông ngóng tin con. Những lá thư gửi về thông báo tình hình của con được mẹ Thi cất cẩn trọng như báu vật. Đến gần cuối năm 1966, sau nhiều tháng không nhận được tin từ con thứ hai; một ngày, đang ngồi dệt cửi bên khung thì mẹ Thi sững sờ khi nhận được tin báo: Liệt sỹ Dương Văn Đối đã hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ trong trận rải thảm của quân Mỹ… Cầm giấy báo tử trên tay, một lần nữa, trái tim người mẹ ấy như thắt lại…

Ngồi bên cạnh mẹ, bác Dương Văn Đăng, con trai cả của mẹ Thi nói: “Năm 1966, tôi có đưa quân vào miền Nam và may mắn đã gặp được em trai. Lý do bởi hai anh em sinh đôi, có đồng đội bảo: “Tôi vừa nhìn thấy anh trong tỉnh Bình Phước cơ mà!”. Biết người anh bạn nói là em mình, tôi đã băng rừng tìm em. Gặp được em, hai anh em mỗi người nằm một cánh võng giữa rừng, cả đêm không ngủ hàn huyên đủ chuyện. Em tôi hỏi thăm mẹ và nói thương mẹ lắm. Đó là lần cuối cùng tôi gặp em…”.

“Những năm tháng ấy, vì thương nhớ con, tôi đau ốm liên miên và phải nằm viện hơn một tháng trời. Với ý nghĩ: Đất nước có chiến tranh; các con đi đánh đuổi quân giặc xâm lăng, bảo vệ bình an cho tổ quốc và hy sinh dũng cảm; tôi dặn lòng mình không được gục ngã, làm chỗ dựa cho con; từ đó tôi đã gắng vượt lên. Cậu con trai duy nhất còn sống của tôi là Dương Văn Đăng đi tập kết trong miền Nam xa lắc, tôi vẫn ở nhà một mình, đăm đắm ngóng con về”.- mẹ Thi kể.

Vẫn còn đó những niềm may mắn

Cả cuộc đời sống trong cô quạnh nhưng ngọn lửa của niềm tin luôn làm mẹ Thi ấm lòng. Năm 1968, con trai cả Dương Văn Đăng về nghỉ phép, tranh thủ cưới vợ vào ngày mùng 4 Tết. Cưới được vài ngày, người con này lại ra chiến trường. Mẹ Thi vui hơn vì từ đó không phải sống trong cô đơn nữa mà đã có con dâu ở cạnh. Mẹ chồng nàng dâu sống hòa hiếu, an bình, không bao giờ xảy ra lời qua tiếng lại hay cãi vã. 4 đứa cháu nội lần lượt chào đời đều được bàn tay chăm sóc chu đáo của bà, của mẹ nên khỏe mạnh, chóng lớn, là niềm động viên lớn cho bố yên tâm công tác trong quân ngũ…

Ngồi sưởi ấm bên bậc cửa trước nhà, mẹ Thi nhìn lên bầu trời xanh cao rồi nhoẻn miệng khoe: “Đến nay tôi có 4 cháu nội cả trai lẫn gái và 9 chắt; trong đó có 2 chắt nội, 7 chắt ngoại. Các con cháu đi công tác, cuối tuần lại tập trung đông đủ ở bên bà, bên cụ”.

Ở tuổi 93, mẹ Thi vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Nhà rộng, mẹ thường đi từ nhà xuống bếp, quét cái sân, cắm nồi cơm cho khuây khỏa. Mẹ Thi nói: “Nhìn anh Đăng tôi vẫn thấy như có anh Đối ở bên. Hai anh em giống nhau nên nhìn anh lớn tôi lại vợi bớt nỗi thương nhớ anh bé. Đó cũng là may mắn của tôi…”.

Điều may mắn nữa là nhà mẹ Thi có 3 chị em gái thì cả 3 vẫn sống khỏe và đều ở trong làng. Chị gái của mẹ Thi năm nay đã 97 tuổi và cô em út cũng bước vào tuổi 90. Lộc trời cho, các chị em “chấy rận” tuy ít qua thăm nhau được nhưng nghe tin nhau còn sống và sum vầy bên cháu con cũng là động lực tinh thần để mẹ Thi sống vui, sống khỏe.

Ngồi bên mẹ, bác Dương Văn Đăng nói: “Chồng hy sinh, có hai con trai thì một con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nên năm 2014, theo quy định mới, Nhà nước đã phong tặng mẹ tôi danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ tôi hiền, đức độ; mẹ dạy tôi không bao giờ được tham lam, biến của công thành của riêng mà chỉ hưởng đúng những gì là của mình. Thấm lời mẹ dạy, qua những năm tháng chiến đấu, trở về địa phương công tác ở nhiều vị trí khác nhau những tôi luôn được yêu mến vì chưa bao giờ ham danh lợi…”.

Bên bậc thềm của mùa đông năm nay, chúng tôi thấy cuộc đời này thật đẹp đẽ khi được tiếp xúc với mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thi. Sự đôn hậu, hiền từ của mẹ Thi đã lan tỏa cho xã hội thêm thật nhiều điều tốt đẹp. Chúng tôi chúc mẹ Thi nhiều sức khỏe, sống trường thọ để hưởng ân tình của Đảng, Nhà nước được lâu dài hơn nữa…

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/rung-rung-chuyen-doi-cua-mot-ba-me-viet-nam-anh-hung-111209.html