Rừng phòng hộ ở Cà Mau bị lâm tặc ngang nhiên 'xẻ thịt'

Những cánh rừng phòng hộ xung yếu thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Đáng nói, lâm tặc còn 'tận thu' bán gỗ cho hầm than, cho cả xây dựng và cho cả các vựa để xẻ ván... nhưng người quản lý rừng thì không hay biết.

Một khu rừng thuộc tiểu khu 136 - ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 bị chặt phá

Một khu rừng thuộc tiểu khu 136 - ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 bị chặt phá

Rừng phòng hộ xung yếu bị chặt trắng

Có mặt tại tiểu khu 136 thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1, PV báo ĐS&PL chứng kiến từng đám rừng phòng hộ bị chặt trắng xen lẫn trong đó có dấu chặt mới và cũ. Cùng với đó là những cây chặt hạ nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi. Cũng có nhiều cây vừa bị chặt cách đây chưa lâu, lõi còn nhựa màu vàng, nhánh, ngọn cây đước vẫn còn xanh, nằm la liệt dưới mặt đất.

Theo chân một người dân địa phương, PV đã vào khu vực rừng bị tàn phá và chứng kiến những đoạn cây được “bắt” làm cầu, để lâm tặc dễ dàng vận chuyển gỗ ra ngoài. Từ ngoài biển nhìn vào, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, có rất nhiều cây đước hơn 10 năm tuổi bị lâm tặc chặt phá nghiêm trọng, có khu bị chặt trắng. Theo tố cáo của người dân, những khu vực có rừng từ 15-20 năm tuổi thì lâm tặc chặt trắng.

Còn khu vực đước nhiều tầng tuổi thì lâm tặc chặt theo hình thức đốn tỉa. Hiện những vạt rừng bị lâm tặc chặt phá vào sâu gần trăm mét (tính từ bìa rừng vào – PV). Cứ xen lẫn kéo dài dọc bờ biển, rừng chỉ còn lại gốc, nhánh và đọt nằm ngổn ngang. Ông Đ. (người dân địa phương) bức xúc nói: “Hằng năm, chứng kiến rừng bị chặt phá thật xót lòng. Nhìn gốc cây bị chặt thì biết, nó có quá trình, gốc mới chặt, gốc chặt cũ đầy ra đó. Chúng tôi khi thấy lâm tặc chặt cây rừng cũng chỉ biết nín thinh, không dám nói. Nói thì sẽ bị lâm tặc trả thù bằng cách phá vuông tôm”.

Ông Đ. cũng cho biết, người dân cũng nhiều lần thông tin với cán bộ tiểu khu chuyện rừng bị chặt phá nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “sẽ kiểm tra”, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Từ đó, nhiều người dân nghi ngờ có chuyện cán bộ tiểu khu “bảo kê” ăn chia với lâm tặc. Họ còn đặt nghi vấn rằng: “Khi trộm đốn cây rừng thì phải chở vào đất liền bán, chứ không lẽ xuất bán nước ngoài. Từng cửa ra vào đất liền thì đã có chốt tiểu khu quản lý, không lẽ họ không phát hiện”.

Cùng quan điểm với ông Đ., ông S. ngán ngẩm nói: “Tôi từng công tác ở địa phương nên tôi biết và rất bức xúc. Có những chỗ gần tiểu khu thì chặt phá, họp HĐND tôi có nói. Nhưng sau đó, cũng vậy hoài. Họ chặt ban ngày lẫn ban đêm (đêm sáng trăng). Vuông của dân có người giữ thì không sao, mấy vuông bị thu hồi lại thì trong vòng năm hai năm là banh hết không còn gì. Rừng bị chặt phá kéo dài theo bờ biển”.

Tăng cường công tác tuần tra các khu vực ven biển

Ngay khi xuất hiện thông tin trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh nêu trên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng (nếu có); chỉ đạo kiểm tra toàn bộ tuyến rừng phòng hộ ven biển và sớm có báo cáo gửi về UBND tỉnh.

Ngoài ra, Công an tỉnh Cà Mau cũng có công văn gửi Trưởng PC05, PC08, Trưởng Công an các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh nhằm đảm bảo tốt công tác phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng chặt phá cây rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực rừng phòng hộ ven biển.

Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp với đơn vị chức năng thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành đoàn thể trong huyện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng sâu rộng trong nhân dân, nhất là người dân làm ăn, sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ.

Giám đốc Công an tỉnh còn yêu cầu Trưởng PC05 chủ trì, phối hợp Công an huyện Năm Căn khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh vụ việc nêu trên. Chủ động các biện pháp nghiệp vụ, nắm chặt địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản (cây đước) trái phép tại các khu vực rừng phòng hộ xung yếu; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Trưởng PC08 chỉ đạo lực lượng tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa; chủ động kiểm tra, phát hiện các phương tiện vận tải có dấu hiệu vận chuyển lâm sản trái phép. Trưởng Công an các huyện ven biển chủ động phối hợp bộ đội Biên phòng, hạt Kiểm lâm, ban Quản lý rừng phòng hộ thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các khu vực ven biển, nhất là vào ban đêm, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết không để các đối tượng lâm tặc tiếp tục hoạt động chặt phá, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn ven biển.

Theo ông S., rừng bị chặt phá đa phần là rừng được trồng lại sau bão số 5 (năm 2007). Khi PV nói về việc nhiều người dân nghi ngờ có sự bảo kê của cán bộ tiểu khu cho hành vi chặt trộm cây rừng, ông S. nói: “Chủ yếu lâm tặc cho tiền chút đỉnh, tiểu khu làm ngơ thôi, mình không chứng cứ không làm gì được mà chỉ… nghi ngờ. Lâm tặc tận thu để bán gỗ, bán cho hầm than, bán cho xây dựng và cây lớn bán cho xẻ ván...”.

Việt Tâm

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 49

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/rung-phong-ho-o-ca-mau-bi-lam-tac-ngang-nhien-xe-thit-a303634.html