Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng bị xâm hại nghiêm trọng

Không chỉ giao khoán đất lâm nghiệp sai đối tượng, do công tác quản lý lỏng lẻo của chủ rừng, sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương mà hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) Krông Năng (tỉnh Đắc Lắc) đã bị lấn chiếm và mua bán công khai.

Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng thành lập năm 1997, có nhiệm vụ quản lý gần 7.800ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 5.000ha RPHĐN thuộc địa bàn các xã: Ea Dăh, Ea Puk, Ea Tam và Cư Klông, huyện Krông Năng (Đắc Lắc). Trong một thời gian dài, do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, đơn vị này đã giao rừng sai đối tượng và để rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn. Tại Kết luận số 1.600/KL-TTCP, ngày 22-6-2012 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: Công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng của chính quyền cấp cơ sở và Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng thể hiện sự bất cập, buông lỏng, yếu kém trong thời gian dài, dẫn đến 2.661ha rừng bị lấn chiếm (chiếm 33,5% tổng diện tích rừng đơn vị quản lý). Trong tổng số 89 hộ, nhóm hộ Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng giao khoán (thời hạn 50 năm) diện tích 1.550ha rừng, có 40 hộ nhận khoán không đúng đối tượng được ưu tiên nhận khoán theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 8-11-2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất rừng sản xuất cho các hộ gia đình.

Người môi giới (bên phải) giới thiệu cho khách hàng xem đất tại Tiểu khu 314, được ông Võ Văn Nam chào bán (ảnh chụp ngày 10-6-2018).

Theo quy định đối tượng được nhận khoán là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đời sống khó khăn đang cư trú trên địa bàn có nhu cầu nhận giao khoán đất, hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhưng ở đây, Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng giao khoán cho cả cán bộ, người nhà cán bộ xã, huyện. Cụ thể, giao sai 6 nhóm hộ với diện tích 874,9ha, gồm nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến (vợ của ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, nay là Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc); nhóm hộ ông Trương Công Đản (nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng); nhóm hộ ông Nguyễn Minh Trình và nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng); nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông, nay là cán bộ văn phòng UBND xã Cư Klông) và nhóm hộ là xã viên Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và Ea Puk). Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắc Lắc chỉ đạo thu hồi 874,9ha đất rừng giao khoán không đúng đối tượng; thu hồi 2.661ha đất thuộc lâm phần của Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng bị lấn chiếm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Tiến, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng, đến giữa tháng 7-2018, đơn vị mới thu hồi được 130ha/874,9ha rừng giao sai đối tượng. Còn tổng diện tích đất rừng đơn vị quản lý bị lấn chiếm, tính đến tháng 6-2018 (sau khi trừ diện tích đã bàn giao về cho địa phương quản lý) là 945ha, trong đó có 301ha rừng phòng hộ và 644ha rừng sản xuất.

Qua điều tra cho thấy, một số hộ nhận khoán đất lâm nghiệp đã tự ý chuyển nhượng trái phép hàng trăm héc-ta, thu lợi tiền tỷ. Trong vai những người mua đất để phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tiếp cận ông Nguyễn Kim Liên (nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông) có nhận khoán đất lâm nghiệp với Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng 80,6ha. Ông Liên cho biết, hiện gia đình ông có nhu cầu chuyển nhượng 35ha, thuộc Tiểu khu 310. Ông Liên chào bán 35ha với giá 3 tỷ đồng. Tương tự, chúng tôi tìm gặp ông Võ Văn Nam (trú tại thôn Tam Thịnh, xã Tam Giang, huyện Krông Năng). Ông Nam khẳng định: “Hiện trong tay tôi có 11 hồ sơ giao khoán đất lâm nghiệp của Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng, với tổng diện tích 300ha và đã bán được hơn 30ha”. Ông Nam công khai ra giá bán đất rừng tại Tiểu khu 314 là 80 triệu đồng/ha...

Đất rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng bị lấn chiếm, mua bán trái phép để sản xuất nông nghiệp.

Sau khi nắm bắt thông tin do phóng viên cung cấp về tình trạng mua bán đất RPHĐN Krông Năng, ông Trần Trung Hiển, Bí thư Huyện ủy Krông Năng nêu quan điểm: “Huyện ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp cán bộ, đảng viên nhận khoán quản lý rừng phòng hộ, nhưng sang nhượng trái phép nhằm trục lợi, hoặc để bị lấn chiếm, càng phải xử lý nghiêm để nêu gương”.

Rất mong các cơ quan chức năng của huyện Krông Năng và tỉnh Đắc Lắc khẩn trương vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm túc Kết luận số 1.600/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm, thanh lý, thu hồi diện tích rừng giao sai đối tượng và đất rừng bị mua bán trái phép.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/rung-phong-ho-dau-nguon-krong-nang-bi-xam-hai-nghiem-trong-544404