Rùng mình chuyện trị nám bằng axit

Nám da là nỗi ám ảnh của nhiều chị em. Nhiều người nghe quảng cáo dùng các cách trị nám như dùng axit chấm lên các vết nám là sẽ chữa khỏi nám hoàn toàn hay dùng các loại kem trộn… Tuy nhiên, đã có những người gặp họa vì cách này.

Khi bị các vấn đề bất thường trên da, chị em cần đến chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác. Ảnh: P.T

Khi bị các vấn đề bất thường trên da, chị em cần đến chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác. Ảnh: P.T

Mặt loang lổ vì trị nám bằng axít

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận một phụ nữ 40 tuổi bị bỏng da sau khi dùng axit trị nám. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hai bên má loang lổ mảng thâm.

Theo bệnh nhân kể, chị bị nám nhiều ở hai gò má và dưới mắt. Dù đã bôi nhiều loại kem và xát dung dịch chanh nhưng nám vẫn mọc ngày càng nhiều. Nghe quảng cáo tại một spa trị nám bằng cách dùng một lượng nhỏ dung dịch axit chấm lên các nốt nám, tàn nhang sẽ nhanh chóng bóc tách để lại làn da trắng hồng tự nhiên. Sau 3 lần chấm axit, thấy đau rát, phồng rộp, bỏng da... chị nói với nhân viên spa nhưng được tư vấn khi da liền sẹo vết nám sẽ biến mất nên chị phần nào yên tâm. Vậy nhưng, kết thúc liệu trình điều trị các vết nám không hết mà mặt chị loang lổ, thâm đen, lan rộng khắp má tạo thành sẹo lõm.

ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, chấm nám bằng axit không tiêu diệt được tận gốc vấn đề về nám da. Cách này làm bóc tách lớp da đồng thời sẽ phá hủy đi kết cấu da, để lại sẹo lõm trên da khó phục hồi. Người bệnh còn có thể bị nám lại và nặng hơn nhanh chóng sau.

Với trường hợp bệnh nhân nữ trên khi vào viện kết cấu da đã bị can thiệp nghiêm trọng, da bị sẹo lõm, vết thâm cũng đậm màu hơn bình thường. Việc hồi phục làn da cho bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian.

“Đáng nói là chúng tôi đã gặp khá nhiều người chữa nám má bằng các loại kem trộn không rõ thành phần hoặc các công nghệ làm đẹp không rõ nguồn gốc để trị nám khiến da bị tổn thương nghiêm trọng. Không ít trường hợp bệnh nhân đã sử dụng một số thuốc không phù hợp với điều trị laser nhưng thẩm mỹ viện vẫn chỉ định trị nám bằng laser”, BS Vũ Thái Hà cho hay.

BS Đinh Doãn Thạch, Khoa điều trị tổng hợp (Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2) cũng cho biết, sử dụng các sản phẩm điều trị nám sạm không phù hợp trên da hoặc sử dụng tùy ý các sản phẩm này có thể gây nên những phản ứng của da với các thành phần trong đó, gây ra những biến chứng lâu dài như viêm da, mọc mụn, khó điều trị dứt điểm và để lại sẹo. Những sản phẩm lột, tẩy da trôi nổi trên thị trường ít nhiều đều chứa thành phần hóa học, corticoid, thủy ngân… gây hại cho da, làm bong đi lớp da ngoài cùng để lộ làn da mới trắng hồng, mềm mại ngay tức thì. Cơ chế làm đẹp này rất nguy hiểm cho da vì khi mất đi lớp bảo vệ bên ngoài, lớp da bên trong rất mỏng và yếu nên càng dễ bị thương tổn khi môi trường tác động. Nghiêm trọng hơn, có thể gây kích ứng cho da, gây nên các tình trạng như nổi mẩn, ngứa ngáy, tấy đỏ, lâu dần sẽ dẫn đến loét da, viêm da…

Như trường hợp của chị Nguyễn Như Ngọc (Phú Thọ) bị nám do ảnh hưởng của công việc hướng dẫn viên du lịch, thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng. Để cải thiện tình trạng này, chị đã sử dụng kem trị nám theo giới thiệu của bạn bè. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, da của chị có hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa, tình trạng nám ngày càng nặng hơn.

Điều cần thiết để không nám da

ThS.BS Vũ Thái Hà cho biết, nám da là tình trạng tăng sắc tố xuất hiện chủ yếu ở mặt là nơi tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Đây là bệnh lý khó điều trị và cũng dễ tái phát lại. Có người bị những đám không đều màu trên da, có khi là đốm đen như chân nhang ở hai má nhưng có người thì toàn bộ mặt trở nên đen sì. Để điều trị có thể phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như sử dụng các thuốc làm trắng sáng, lột da bằng hóa chất, laser và ánh sáng trị liệu... Bởi vậy, để mang lại hiệu quả mọi người khi bị nám cần thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ da liễu để có chỉ định điều trị thích hợp.

Theo BS Đinh Doãn Thạch, nguyên nhân gây ra nám có rất nhiều. Bệnh có thể do di truyền, rối loạn nội tiết hoặc stress, trầm cảm... Mặt khác, nám da còn có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, uống thuốc gây phản ứng phụ, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không dùng kem chống nắng hay lạm dụng mỹ phẩm...

Khi bị các vấn đề bất thường trên da, chị em không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc bôi. Cần đến chuyên khoa da liễu để chẩn đoán chính xác vấn đề thâm đen trên mặt là bệnh lý gì. Trong trường hợp chưa sắp xếp được đi khám, cách tốt nhất để vết thâm đen trên mặt đỡ nặng lên và có thể giảm một chút là chống nắng thật tốt.

Để giảm nguy cơ bị nám, các chuyên gia khuyến cáo, chị em cần hạn chế các tác động và tầm soát các bệnh lý liên quan đến hormone, nhất là hormone sinh dục và tuyến giáp, như dùng thuốc tránh thai, đặt vòng... Ngoài ra, cần tránh để ánh nắng trực tiếp chiếu vào mặt.

Khi đi ra ngoài nắng, cần có các vật dụng chống nắng như mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng. Hạn chế ra ngoài nắng trong thời gian từ 11-15 giờ vì thời gian đó cường độ ánh sáng rất cao. Cùng với chống nắng, nữ giới cần có một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học. Thực đơn cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước lọc. Bên cạnh đó, nên tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/rung-minh-chuyen-tri-nam-bang-axit-20180726083353596.htm