Rùng mình cảnh người đàn ông Kiên Giang bắt rắn hổ cực độc

Từ một con rắn hổ đất bắt được ở trước sân nhà, người đàn ông ở Kiên Giang nhân giống ra thành cả đàn.

Ông Nguyễn Văn Hiểu (ngụ xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, Kiên Giang) kể, năm 2014, ông bất ngờ phát hiện con rắn hổ đất trước cửa nhà. Khi đó, ông dùng tấm vải lau nhà bắt gọn con rắn độc.

Thấy con rắn khỏe mạnh, ông Hiểu bắt nhái cho ăn rồi quyết định nuôi. Càng nuôi thấy càng mê nên ông Hiểu lên mạng tìm hiểu những nơi chuyên nuôi rắn hổ. Thấy ở Bình Dương có bán, ông khăn gói đi mua thêm 10 con rắn hổ đất về nuôi.

Ông Hiểu bắt con rắn hổ đất "khủng"

Ông Hiểu bắt con rắn hổ đất "khủng"

Năm sau, con rắn ông bắt được trước nhà đẻ 43 trứng. Sau khi ấp, trứng nở được 40 con. Ông bán được 8 triệu đồng. Chuồng rắn của ông Hiếu được xây xung quanh bằng xi măng, trong đó có kệ để rắn nằm, nước để rắn tắm giải nhiệt, dưới nền trải một lớp đất khô tạo môi trường tốt nhất cho rắn sinh trưởng.

“Thức ăn chính nuôi rắn là chuột, cóc, nhái, cá... Rắn nở được một tuần sẽ tự lột da và ăn mồi. Rắn hổ đất từ một năm tuổi nặng chừng 1,2kg và bắt đầu sinh sản”, ông Hiểu nói.

Ông Hiểu bắt rắn hổ đất

Qua nhiều năm nuôi rắn hổ đất, ông Hiểu đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm như cho rắn sinh sản cũng như kỹ thuật ấp trứng bằng cát ẩm với tỷ lệ thành công trên 90%. Ngoài rắn hổ đất, ông Hiểu còn nuôi rắn hổ hèo, hổ hành, hổ ngựa. Năm qua, ông bán hơn 200 con rắn hổ đất giống, thu về 40 triệu đồng.

Theo lời chia sẻ của lão nông Kiên Giang này, trong những năm nuôi rắn ông bị rắn cắn nhiều lần. 3 năm trước, một lần thăm chuồng, ông Hiểu bị rắn hổ cắn vào tay. Lúc này, ông tự mình sơ cấp cứu, buộc lại cánh tay…

Sau lần ấy, trong trại rắn của ông Ba Hiểu lúc nào cũng có một tủ thuốc với đầy đủ dụng cụ sơ cứu người khi bị rắn cắn.

“Rắn hổ cắn mà không biết cách sơ cứu thì chẳng thầy nào cứu được vì nọc độc phát tán rất nhanh. Nhưng nếu biết cách sơ cứu, trị đúng thuốc thì chữa được”, ông Hiểu cho biết.

Ông Hiểu nuôi rắn trong chuồng xi măng

Hiện ông Hiểu sở hữu đàn rắn với tổng số 250 con rắn hổ đất trọng lượng từ 1,2-5kg/con và 230 con trọng lượng dưới 1kg/con, trong đó có 60 con đang thời kỳ sinh sản.

"Tôi nuôi rắn không phải để bán lấy thịt mà là để phục vụ bào chế dược liệu từ nọc độc của rắn", ông chia sẻ. Sở dĩ ông chọn nuôi rắn hổ đất nuôi là vì “cái gì dễ thiên hạ làm hết rồi, mình nghèo chọn cái khó để ít bị cạnh tranh, với lại còn do cơ duyên nữa”.

Do rắn hổ đất ít người nuôi nên giá thị trường khá cao, hơn 1 triệu đồng/kg.

Chúc Tâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/rung-minh-canh-nguoi-dan-ong-kien-giang-bat-ran-ho-cuc-doc-523508.html