Rừng Kông Chro lại 'nóng'

Tưởng chừng như tình trạng phá rừng đã lắng xuống thì những ngày qua nhiều cánh rừng trên địa bàn H. Kông Chro (Gia Lai) lại 'nóng' hơn bao giờ hết. Không chỉ 'lâm tặc' mở đường phá rừng với quy mô lớn mà cả việc cơ quan CA phát hiện 2 xe gỗ lậu 'lọt' trạm kiểm soát lâm sản đầy bất thường.

Tưởng chừng như tình trạng phá rừng đã lắng xuống thì những ngày qua nhiều cánh rừng trên địa bàn H. Kông Chro (Gia Lai) lại “nóng” hơn bao giờ hết. Không chỉ “lâm tặc” mở đường phá rừng với quy mô lớn mà cả việc cơ quan CA phát hiện 2 xe gỗ lậu “lọt” trạm kiểm soát lâm sản đầy bất thường.

Một thân cây lớn vừa bị lâm tặc cưa xẻ tại khu vực rừng Đăk Pling.

Một thân cây lớn vừa bị lâm tặc cưa xẻ tại khu vực rừng Đăk Pling.

Tan hoang rừng Đăk Pling

Những cánh rừng nằm gần trụ sở UBND xã Đăk Pling (H. Kông Chro) nhìn từ xa tưởng êm ả. Thế nhưng, theo thông tin người dân cung cấp, chỉ cần đi sâu vào hơn 15km là sẽ thấy khu vực rừng bị tàn phá với quy mô lớn, tồn tại từ lâu trên địa bàn. Từ những thông tin trên, sau nhiều lần thuyết phục, một người dân Ba Na đã đồng ý dẫn chúng tôi thâm nhập vào điểm phá rừng khiến bà con bức xúc bấy lâu nay. 6 giờ sáng, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, võng bạt để băng rừng. Theo lời người dân, khu vực rừng bị phá đường đi khá hiểm trở, đi lên nhiều dốc núi trơn trượt. Riêng đối với lâm tặc thì khác, chúng bất chấp con đường có khó khăn, trở ngại thế nào cũng sẽ thực hiện mục tiêu phá rừng đến cùng bởi rừng vẫn là “miếng mồi ngon” khó từ bỏ.

Từ UBND xã Đăk Pling, theo đường mòn rồi băng qua những cánh rừng lưa thưa ở bên ngoài, chúng tôi đi bộ ngang qua rừng cây gỗ trắc bạt ngàn. Đó là những cây trắc mới sinh trưởng chưa có lõi bên trong, còn những cây trắc lớn đã bị chặt hạ, thậm chí gốc cũng bị đào xới mang đi. Bám theo người dẫn đường nhiều lúc hụt hơi bởi đường vào rừng càng lúc càng nhiều dốc cao dựng đứng và khó đi. Dù người dẫn đường cho chúng tôi đã động viên: “Đây là con đường tắt đến vị trí khai thác gỗ của họ (lâm tặc – PV) đấy, chứ đi đường khác mấy anh chịu không nổi đâu” nhưng mồ hôi chúng tôi vẫn túa ra như tắm dù đi dưới những tán rừng xanh um. Theo lời người dẫn đường thì các đối tượng lâm tặc sẽ ăn ở trong rừng nhiều ngày, sau khi cưa đủ số gỗ, lâm tặc sẽ dùng xe máy độ chế, trâu để kéo gỗ ra khu vực tập kết. Từ đó, gỗ sẽ được xe ô-tô độ chế chở hàng chục mét khối ra khu vực xã Ia Tul (H. Ia Pa) và H. Krông Pa (Gia Lai).

Dù chỉ có hơn 15km nhưng phải qua nhiều dốc núi thẳng đứng, những cánh rừng đầy bụi gai và trơn trượt, sau 5 giờ đồng hồ “cuốc bộ”, chúng tôi đến khu vực được xem là điểm phá rừng với quy mô lớn. Nơi đây, những cây rừng cổ thụ đường kính lớn vẫn còn khá nhiều. Đứng dựa bên gốc cây cổ thụ thẳng đứng, người dẫn đường cho chúng tôi lo lắng: “Bà con nơi đây quý rừng lắm! Nếu không ngăn chặn nhóm lâm tặc này chỉ một năm nữa thôi, những cây cổ thụ này thành giường, tủ hết thôi”.

Thân cây với đường kính khoảng 80cm bị lâm tặc xẻ thành hộp.

Đến điểm tập kết, chúng tôi dựng trại cách điểm khai thác của nhóm lâm tặc trên khoảng 1km. Bởi từ thời điểm này trở đi là lúc lâm tặc hoạt động mạnh từ việc xẻ gỗ, vận chuyển gỗ ra điểm tập kết. Người dẫn đường lo lắng cho chúng tôi cũng như việc sợ bị trả thù. Thời điểm thích hợp cho chúng tôi là sáng sớm ngày hôm sau, khi nhóm lâm tặc này nghỉ ngơi sau một đêm dài hạ cây rừng, vận chuyển gỗ... Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp cận khu vực rừng mà theo phản ánh của người dân là “đại công trường” của lâm tặc. Những cây gỗ quý đã bị cưa hạ trước rồi đến những cây gỗ thông thường phục vụ mục đích xây dựng. Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ từ trước khá lâu nhưng thân cây vừa mới được lâm tặc cưa xẻ thành từng hộp vuông vức để dễ bề vận chuyển. Càng đi sâu vào cánh rừng này, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những cây cổ thụ bị xẻ vẫn còn ứa nhựa nằm rải rác trên một vùng núi rộng lớn.

Sau 3 giờ len lỏi theo các đường mòn dưới tán rừng, chúng tôi ghi nhận có khoảng 100 cây gỗ có đường kính từ 80cm trở lên bị cắt hạ. Những thân gỗ được xẻ thành hộp, số đục sẵn lỗ để buộc dây tời cho trâu kéo, số thì lâm tặc dùng xe máy độ chế để vận chuyển đến điểm tập kết. Theo tìm hiểu của PV, điểm tập kết gỗ nằm cách khu vực gọi là “trại bà Lan” khoảng 700m. Đồng thời, khu vực lán trại này cũng là nơi lâm tặc nghỉ chân, có thời điểm có hàng chục đối tượng có mặt tại đây.

Trạm Kiểm lâm rừng Đăk Pơ Kơ được UBND tỉnh Gia Lai ký Quyết định thành lập nhưng gỗ vẫn “lọt” trạm đầy bất thường.

Gỗ lậu “lọt” trạm bất thường

Một sự việc vừa mới bị cơ quan CAH Kông Chro phát hiện đã dấy lên nhiều vấn đề bất thường trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi 2 xe ô-tô chở gỗ lậu “lọt” trạm kiểm soát lâm sản. Cụ thể, qua trích xuất camera an ninh được đặt ở Trạm Kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ thuộc Hạt kiểm lâm H. Kông Chro (xã Ya Ma, H. Kông Chro) đã phát hiện sai phạm của tổ công tác trực tại Trạm.

Cụ thể, trong số 10 xe ô-tô lưu thông qua trạm, có đến 8 xe không được kiểm tra, kiểm soát lâm sản, còn 2 xe thì dừng lại chỉ trong vài giây nhưng chỉ mở cửa phụ rồi tiếp tục được lưu thông (?!). Theo biên bản kiểm tra camera, lúc 10 giờ 30 phút ngày 28-6, ô-tô BKS 77H – 6125 lưu thông qua chốt trên về hướng trung tâm H. Kông Chro nhưng không bị dừng lại kiểm tra. Đến 10 giờ 45 phút cùng ngày, tổ công tác của CAH Kông Chro đã phát hiện chiếc xe tải này trên đường liên xã Ya Ma. Qua dừng phương tiện kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên xe chở 45 lóng gỗ Chiêu liêu (nhóm VI) trái phép với tổng khối lượng hơn 2,8m3. Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày, tại khu vực thôn 2 (xã Kông Yang, H. Kông Chro) CAH Kông Chro phát hiện xe ô-tô tải BKS 77C – 151.44 do lái xe Nguyễn Lạc (42 tuổi, trú tại Bình Định) điều khiển vận chuyển lâm sản trái phép. Qua kiểm tra, trên xe chở 6 hộp gỗ Căm xe và 99 hộp gỗ Bằng lăng với tổng khối lượng hơn 1,7m3. Điều đáng nói, qua trích xuất camera chiếc xe tải trên dừng 3 giây ở Trạm Kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ vào lúc 15 giờ 2 phút cùng ngày rồi tiếp tục ung dung lưu thông.

Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã tạm đình chỉ công tác 2 cán bộ kiểm lâm trực tại Trạm là Phạm Trọng Hòa và Vũ Huy Ánh. Đồng thời, chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an để có hình thức xử lý. Được biết, Trạm Kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai từ tháng 4-2017 nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn. Thế nhưng, với những điều bất thường trên cũng như tình trạng lâm tặc tàn phá rừng trên địa bàn H. Kông Chro vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều lo ngại hơn, sự lỏng lẻo trong quản lý, thờ ơ về trách nhiệm đang đặt ra nhiều câu hỏi cần các cơ quan chức năng trả lời.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_209373_rung-kong-chro-lai-nong-.aspx