Rừng Đông Nam Á 'hy sinh' cho Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020

Các tổ chức vì môi trường kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế và quan chức Tokyo chú ý tới môi trường sau khi gần 90% gỗ để xây sân vận động được lấy từ Malaysia và Indonesia.

Người Nhật có một cụm từ để nói về niềm hối tiếc liên quan đến lãng phí: mottainai. Nó được dùng trong những câu cảm thán, như “Thật là lãng phí thức ăn!”, hay trong những câu khẩu hiệu thường thấy của nhóm hoạt động vì môi trường địa phương để tuyên truyền về môi trường bền vững.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi ban tổ chức Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 và Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cam kết tính bền vững là một phần trong kế hoạch chuẩn bị Thế vận hội.

Nhưng khi quá trình xây dựng cơ sở vật chất để hỗ trợ các hoạt động tại nước chủ nhà bắt đầu, các tổ chức môi trường đang phản đối kịch liệt hậu quả của hoạt động này tới thiên nhiên, đặc biệt là những cánh rừng nhiệt đới trong khu vực.

Khai thác gỗ hiếm từ Đông Nam Á để chuẩn bị cho Thế vận hội

Hồi tuần trước, Mạng lưới Hành động vì Rừng mưa (RAN), một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, đệ đơn kiến nghị gồm hơn 110.000 chữ ký lên giới chức trách và cả Ủy ban Olympic Quốc tế, kêu gọi “không phá rừng mưa” trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất cho Thế vận hội 2020.

Theo South China Morning Post, bản kiến nghị được đưa ra sau khi quan chức xác nhận ít nhất 87% tấm ván ép sử dụng để xây Sân vận động Quốc gia mới có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia. 10% rừng mưa còn lại trên Trái Đất đều nằm ở hai nước này.

Tương tự, những cơ sở khác như Trung tâm Thể thao dưới nước và Trường đấu Ariake cũng đang sử dụng gỗ khai thác từ những cánh rừng này.

Đơn kiến nghị yêu cầu giới chức ngừng sử dụng gỗ khai thác từ rừng mưa, tôn trọng quyền của cộng đồng người bản xứ, và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác các sản vật, gây nguy cơ mất rừng và vi phạm quyền con người.

Gần 90% gỗ sử dụng để xây Sân vận động Quốc gia mới được khai thác từ Malaysia và Indonesia. Ảnh: Kyodo.

Gần 90% gỗ sử dụng để xây Sân vận động Quốc gia mới được khai thác từ Malaysia và Indonesia. Ảnh: Kyodo.

Tổ chức RAN là một trong số hơn 40 tổ chức phi chính phủ kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế đảm bảo Tokyo sẽ không sử dụng gỗ lấy từ các cánh rừng nhiệt đới đang bị đe dọa ở Malaysia và Indonesia vào năm 2016.

“Chúng tôi đặt nghi vấn về cách thức họ kiểm soát lượng gỗ được sử dụng để xây các khu thể thao, do đa số ván ép sử dụng tại Nhật đều có xuất xứ từ gỗ nhiệt đới ở Indonesia hoặc Malaysia”, bà Hana Heineken, nhà hoạt động xã hội thuộc RAN cho biết. “Hoạt động đốn gỗ ở cả hai nước này diễn ra tràn lan trong nhiều thập niên”.

Đến nay, Nhật Bản là nước tiêu thụ gỗ nhiệt đới nhiều nhất thế giới. Theo RAN, chỉ riêng trong năm 2016, nước này nhập khẩu gần 2 triệu m3 gỗ dán từ Indonesia và Malaysia.

Trong khi đó, Malaysia có tỷ lệ mất rừng cao nhất thế giới trong năm 2000-2012, theo một nghiên cứu sử dụng hình ảnh vệ tinh do Đại học Maryland công bố.

Lời nói cần đi đôi với việc làm

Chính quyền Tokyo đã hứa sẽ có những giải pháp thân thiện với môi trường trong kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội của họ mang tên “Kế hoạch Bền vững và Quy tắc Khai thác”, cam kết gìn giữ di sản môi trường và coi Thế vận hội là “cơ hội lý tưởng để chia sẻ giá trị bền vững của người Nhật với thế giới”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường đánh giá kế hoạch này chỉ là "nói suông".

“Quy tắc Khai thác Bền vững cho Thế vận hội Tokyo 2020 “bền vững” trong cái tên, chứ không phải trong hoạt động khai thác”, Junichi Mishiba, thuộc Tổ chức Người bạn của Trái đất tại Nhật (Friends of Earth) cho biết.

“Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ mất uy tín cho đến khi ban tổ chức cải thiện sự minh bạch và trách nhiệm, thiết lập hệ thống kiểm soát rõ ràng, và chủ động sử dụng gỗ một cách bền vững tại Nhật”.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike gặp rắc rối khi không giữ đúng cam kết thân thiện với môi trường. Ảnh: AFP.

Hiện nay, giới chức đã đưa ra một số lựa chọn “xanh”. Khu vực Vườn trong của Đền Meiji Jingu sẽ được bảo tồn dù nó ở gần với khu vực xây dựng Sân vận động Quốc gia mới. Tokyo sẽ sử dụng gỗ nội địa cho mái của sân vận động và gỗ được khai thác bền vững để xây dựng Làng của vận động viên.

Các quan chức giải thích với This Week in Asia rằng họ làm theo đúng những chỉ dẫn khai thác gỗ một cách bền vững.

Bà Heineken và nhiều nhà môi trường học gần đây đã họp với Ủy ban Olympic Quốc tế và ban tổ chức để đề nghị xem xét lại chính sách, nhấn mạnh việc sử dụng gỗ nội địa.

“Ủy ban chân thành lắng nghe và chúng tôi đã có cuộc trao đổi mang tính xây dựng”, bà Heineken nói.

Rừng mưa tại Malaysia đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác không kiểm soát của nền công nghiệp sản xuất dầu cọ. Ảnh: AFP.

Trong khi Ủy ban Olympic Quốc tế thông báo quan chức thành phố và Hội đồng Thể thao Nhật Bản, cơ quan quản lý việc xây dựng sân vận động mới, đang xem xét vụ việc “một cách nghiêm túc” và “cam kết minh bạch hơn trong tương lai”, đã có nhiều lý do được ra về việc sử dụng gỗ ngoại, bao gồm giá thành, thẩm mỹ và động đất.

“Họ cho rằng sử dụng gỗ nội đắt hơn gỗ ngoại nhập; đây là cái cớ họ đưa cho chúng tôi từ đầu”, bà Heineken cho biết thêm gỗ ngoại có giá thành thấp là bởi vì nó bị “cướp” từ cộng đồng dân bản xứ.

“Họ bị 'ám ảnh' với gỗ ép nhiệt đới vì độ mịn của nó. Họ cũng có tiêu chuẩn động đất nghiêm ngặt mà cần dùng tới gỗ không có lớp phủ bên ngoài. Nhưng, rõ ràng, tất cả những điều này chỉ là cái cớ", bà Heineken nhận định.

Theo bà Heineken, "Nhật Bản có ảnh hưởng lớn tới rừng mưa ở Đông Nam Á, chính phủ cần nhận ra điều này và thay đổi cách làm việc".

Thủy quân lục chiến Nhật ồ ạt tái chiếm đảo trong ngày ra mắt 1.500 binh sĩ thủy quân lục chiến Nhật Bản, đơn vị đầu tiên thành lập sau Thế chiến II, diễn tập tái chiếm đảo với nhiều khí tài quân sự tối tân trong ngày lực lượ̣ng ra mắt.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/rung-dong-nam-a-hy-sinh-cho-the-van-hoi-mua-he-tokyo-2020-post832733.html