Rung chấn gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) phát hiện hai trận động đất xảy ra hôm qua gần địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 9.

Reuters dẫn nguồn USGS cho biết họ phát hiện trận động đất mạnh 2,9 và 2,4 độ vào lúc 6h13 và 6h40 ngày 9/12 (theo giờ GMT) ở khu vực gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

"Đây có thể là rung chấn do vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Vụ thử hạt nhân lớn khiến lớp vỏ Trái Đất dịch chuyển và cần một thời gian để nó ổn định trở lại", đại diện của USGS nói.

Ông Lassina Zerbo, Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân toàn diện (CTBTO) cũng khẳng định về hai trận động đất trên và nhấn mạnh đây chỉ là những hoạt động mang tính kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất.

Đồ họa mô phỏng các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Đồ họa mô phỏng các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Các cơ quan địa chất nước ngoài nhiều lần ghi nhận động đất ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri sau vụ thử bom nhiệt hạch hồi tháng 9.

Hình ảnh vệ tinh hôm 4/9 tại khu thử hạt nhân Punggye-ri cho thấy đất đá có dấu hiệu di chuyển do những trận động đất. Lở đất quy mô nhỏ cũng đã diễn ra. Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch lớn nhất từ trước đến nay và có thể gắn nó vào tên lửa đạn đạo tầm xa.

Hồi tháng 10, tình báo Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đang chuẩn bị hai khu hầm thử hạt nhân khác, gợi ý về việc nước này đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7.

Tuy nhiên, chướng ngại vật lớn nhất đối với Triều Tiên trong việc thử hạt nhân ở Punggye-ri là khu vực này nằm gần núi lửa Paektu, nơi được người dân nước này coi là núi thiêng.

Núi lửa Paektu từng hoạt động vào năm 1903 và có thể "thức giấc" bất cứ khi nào, đặc biệt trong bối cảnh địa chất ở khu vực quanh nó không ổn định. Hôm 9/12, truyền thông Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã leo lên ngọn núi này và khẳng định tầm nhìn quân sự của mình sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân trong năm 2017.

Triều Tiên từng gợi ý về việc thử hạt nhân trên Thái Bình Dương sau khi hứng chịu chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Triều không ngừng leo thang.

Cuối tháng 11, Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và khẳng định nó có thể tấn công thủ đô Washington D.C. của Mỹ.

Những vụ phóng tên lửa gây chấn động của Triều Tiên Năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất chưa từng có, gồm 3 lần thử ICBM và 2 lần bắn tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Thế Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/rung-chan-gan-bai-thu-hat-nhan-cua-trieu-tien-post802830.html