Run rẩy với... đường sắt trên cao

Bao giờ làm xong?, câu hỏi của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong chuyến thị sát tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào ngày 1-10 với tổng thầu Trung Quốc đã không có câu trả lời thỏa đáng. Mốc thời gian đoàn tàu này có thể chở khách cũng bỏ ngỏ, trong khi gánh nặng trả nợ ngày càng lớn.

Những số liệu chính thức về tuyến đường sắt đầy tai tiếng này khiến ai nghe cũng phải ngao ngán, bức xúc. Vốn thì cứ tăng rất lớn, đến hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vốn vay. Được khởi công từ 8 năm trước, chỉ dài 13,5 km nhưng đã 8 lần trễ hẹn. Mỗi khi đoạn tàu này chạy thử là một lần run sợ. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, hé lộ nhiều vi phạm trong quản lý xây dựng nhưng lạ kỳ là đến nay chưa có ai chịu trách nhiệm gì với khối tiền khổng lồ của người dân dùng để xây dựng nó.

"Người anh em" của tuyến đường sắt trên là tuyến đường sắt số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Chỉ khoảng 11,5 km nhưng quy hoạch từ 11 năm trước đến nay vẫn chưa được xây dựng. Tiền đầu tư phần lớn vay của nước ngoài, càng kéo dài càng đội vốn, càng giảm hiệu quả và càng làm ì ạch thêm hệ thống giao thông đô thị Hà Nội. Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng thế, thi công chậm chạp phải 2 lần lùi thời hạn hoàn thành và điều chỉnh vốn thêm 14.000 tỉ đồng. Còn tuyến đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi tăng vốn hơn 5.600 tỉ đồng.

Giải thích cho những kém cỏi này, các cơ quan liên quan cho rằng chưa có nhiều kinh nghiệm làm đường sắt trên cao, bởi nhiều lý do làm dự án kéo dài, trượt giá nên đội vốn... Nhưng viện lý do gì thì cũng không thông. Đây là dự án tầm quốc gia, mọi vấn đề trên phải được tính toán và dự trù khi thiết lập kế hoạch chứ không thể đi từng bước vấp từng bước rồi loay hoay sửa chữa. Chưa có kinh nghiệm thì thuê các tổ chức nước ngoài thực hiện, như Nhật, Hà Lan, Anh, Nga, Singapore... Kém năng lực nhưng vẫn khăng khăng ôm mà làm là vì lý do gì? Hay do quá nhiều tiền không nỡ giao cho người khác? Giờ đây trả giá cho vấn đề này đã quá nặng nề. Tiền đội vốn, sai phạm còn gấp nhiều lần thuê các tổ chức nước ngoài có uy tín thực hiện.

Ví dụ như Nhật Bản, một quốc gia nằm trong vành đai động đất, núi lửa nhưng đã phát triển đường sắt cao tốc từ năm 1964. Giờ họ đã có hơn 2.300 km với vận tốc tối đa trên 320 km/giờ. Còn xây dựng hệ thống đường sắt trên cao, đường ngầm như tuyến đường sắt ở Hà Nội thì quá thông thường và họ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác thực hiện.

Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 2, Nhổn - ga Hà Nội... là một phần của dự án hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội dài hàng trăm km, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Không tìm ra nguyên nhân, chỉ ra yếu kém, truy ra trách nhiệm của những tuyến đường dang dở hiện tại thì tương lai còn phải trả giá và chịu đau đớn. Ngay cả quản lý vận hành tuyến đường sắt cũ kỹ Bắc - Nam bao năm qua còn ì ạch thì huống gì...!

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/run-ray-voi-duong-sat-tren-cao-20191001224212904.htm