Rủi ro từ việc tìm người hiến tinh trùng qua mạng xã hội

Nhiều người không thể tiếp tục điều trị vô sinh, hiếm muộn tại các cơ sở y tế nhà nước, họ đôi khi tìm đến những người đàn ông sẵn sàng bán hoặc hiến tặng tinh trùng trên các nhóm mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook. Điều này sẽ đem đến những rủi ro đáng kể và đó cũng có thể được coi là bất hợp pháp

Cơ quan Thụ tinh nhân tạo và Phôi thai (HFEA) đã đưa ra cảnh báo như trên. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ nói với BBC rằng, họ thấy không còn lựa chọn nào khác.

Ranh giới hợp pháp và bất hợp pháp

Chloe và bạn đời của cô đã cố gắng mang thai trong một năm mà không thành công, một bác sĩ gia đình đã giới thiệu họ đến phòng khám sinh sản NHS ở địa phương. Các xét nghiệm cho thấy, có vấn đề về tinh trùng ở người bạn tình của Chloe và họ sẽ phải lựa chọn người hiến tặng tinh trùng mới mong có thể có con.

Phòng khám này cung cấp cho họ một danh sách những người hiến tặng tinh trùng, song Chloe nói rằng, chỉ có một người hiến tặng tinh trùng trong cùng nhóm dân tộc với họ và người này lại không được gia đình nào lựa chọn cả. Vui mừng và lo lắng, họ bắt tay vào làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lần một vào tháng 10-2017. Tuy nhiên, lần thụ tinh này không thành công.

Phòng khám đề nghị họ chuyển sang một hình thức điều trị vô sinh, hiếm muộn khác - ICSI, theo đó tinh trùng được tiêm vào trứng. Phương pháp điều trị này đắt hơn IVF và vì họ đã trải qua một đợt điều trị của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh nên họ sẽ phải tự chi trả nếu chấp nhận phương pháp này.

"Chúng tôi rất thất vọng. Vì nếu chúng tôi muốn thử lại bằng phương pháp này, chúng tôi sẽ phải chi trả hàng nghìn bảng Anh. Chúng tôi sẽ kết hôn sau 3 tháng nữa nên đã dốc hết tiền vào việc đó" - Chloe cho biết.

Sau đó, chồng tương lai của cô gợi ý họ nên tìm một người hiến tặng tinh trùng trên mạng. Vì vậy, cô tham gia một số nhóm trên Facebook, sử dụng tên giả với hy vọng tìm được người hiến tặng như ý.

Một người đàn ông đã cung cấp lịch sử y tế cùng thông tin cơ bản về gia đình mình, đồng thời khám kiểm tra sức khỏe sinh sản, Chloe thu xếp gặp anh ta trong một bãi đỗ xe cách nhà mình vài kilomet.

"Nghe có vẻ không lý tưởng lắm! Anh ta sẽ chuẩn bị sẵn mẫu tinh trùng, gặp mặt và trao tay. Sau đó, tôi vào nhà vệ sinh và làm những gì cần làm" - Chloe chia sẻ.

Chồng tương lai của Chloe đi cùng để đảm bảo an toàn cho cô và đợi trên xe. Họ đã làm điều này 6 lần. Chloe cũng từng mang thai một lần nhưng lại bị sảy. Với mỗi lần, họ trả cho người hiến tặng 50 bảng Anh (1,6 triệu đồng) và 10 bảng cho chi phí đi lại.

Nhiều phụ nữ vì quá khao khát có con đã tìm đến các nhóm hiến tặng tinh trùng trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: BBC.

Nhiều phụ nữ vì quá khao khát có con đã tìm đến các nhóm hiến tặng tinh trùng trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: BBC.

HFEA cho hay, các phòng khám thường bồi dưỡng cho người hiến tặng chi phí đi lại tối đa là 35 bảng Anh. Tuy nhiên, trả tiền cho việc hiến tinh trùng lại là bất hợp pháp. Bởi một người bán tinh trùng với giá 50 bảng Anh mỗi lần có thể được coi là kinh doanh, theo luật.

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, việc đi lại bị hạn chế nên việc gặp gỡ trở nên khó khăn hơn. Một lần nữa, Chloe cùng chồng tương lai đã tìm được một người hiến tặng khác qua Facebook. Cuộc gặp lần này diễn ra tại nhà cô, khiến cô cảm thấy thoải mái hơn. Và họ đã thành công. Hiện tại, Chloe đang mang thai.

"Chúng tôi rất vui. Chúng tôi đã có quá trình chữa trị rất lâu. Giờ chúng tôi rất biết ơn vì đã có thể có một đứa con. Chúng tôi có một gia đình - điều mà chúng tôi mong mỏi từ lâu" - Chloe vui mừng nói.

Họ không tiết lộ với gia đình hay bạn bè về việc đã sử dụng tinh trùng hiến tặng. Một phần vì họ không muốn mọi người biết vị hôn phu bị vô sinh, một phần vì "sẽ có nhiều người cho rằng điều đó thực sự sai lầm".

Người hiến tặng cho Chloe trước đây từng hiến tinh trùng qua một phòng khám hợp pháp, song quy định lại giới hạn chỉ được hiến tối đa 10 lần. Và anh ta đã không còn được phép hiến tặng. Nhưng Chloe biết rằng, anh ta đã có thêm 3 đứa con với những người phụ nữ cũng liên lạc qua mạng xã hội.

Theo luật được ban hành vào năm 2005, trẻ em được thụ thai từ tinh trùng được hiến tặng có quyền liên hệ với người hiến tặng khi đủ 18 tuổi. Song Chloe và chồng quyến định không nói với con họ biết mình đã được sinh ra như thế nào, trừ khi có lý do y tế.

Cuối cùng, Chloe đã có một kết quả tốt đẹp. Song cô cũng biết không phải là không có rủi ro. Thông qua các nhóm Facebook mà cô tham gia, Chloe nghe nói rằng nhiều người hiến tặng tinh trùng đột nhiên muốn giữ liên lạc hoặc trở thành một phần trong cuộc sống của đứa trẻ sau khi biết rằng người phụ nữ mà họ cho tinh trùng đã mang thai.

Nhiều phụ nữ còn được yêu cầu quan hệ tình dục thay cho chỉ trao tay mẫu tinh trùng hiến tặng. Nhiều nhóm đã tố những người hiến tặng "tinh quái". Nhưng họ có nhiều tài khoản, nên cũng khó mà tránh được rủi ro.

Chloe gặp người hiến tặng tinh trùng trong một bãi đậu xe và sử dụng nhà vệ sinh công cộng để thụ tinh. Ảnh minh họa: BBC.

Nhiều rủi ro

Lorraine - một người dùng khác của một trong các nhóm Facebook kiểu này - đã có một số trải nghiệm tồi tệ với những người hiến tặng. Khi Lorraine 38 tuổi, cô cùng người bạn đời quyết định bắt đầu có con.

Nhưng các cặp đồng tính nữ không được hưởng điều trị ở NHS trừ khi họ đã trải qua ít nhất 6 lần thụ tinh nhân tạo mà không có thai. Có những quy tắc khác nhau ở các nhóm. Phòng khám tư nhân không phải là lựa chọn của Lorraine và bạn đời của cô.

"Tôi sẽ mất quá nhiều tiền và phải nhiều năm tiết kiệm chi tiêu" - Lorraine cho biết. Sử dụng tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng thì có giá từ 600-1.300 bảng Anh cho mỗi mẫu, tùy thuộc vào quốc tịch. Vì vậy, Lorraine chuyển sang tìm kiếm trên Facebook. Cô cũng nói rõ trên Facebook cá nhân rằng, cô chỉ muốn thụ tinh nhân tạo.

Cô bắt đầu trò chuyện với khoảng 20 người hiến tặng tiềm năng. "Một số người trong số họ rất đáng yêu. Một số người thì không. Một số người thực sự muốn giúp đỡ bạn. Còn một số người thì thực sự nhếch nhác" - Lorraine cho hay.

Trong một lần sau khi người hiến tặng hứa giúp đỡ, anh ta nói: "Tôi nghĩ em đẹp", nên đã yêu cầu quan hệ tình dục để thụ tinh tự nhiên. Sau đó, anh ta gửi một bức ảnh "nóng".

Những người hiến tặng khác thì chỉ buộc cô ấy phải theo đuổi. Cô sẽ phải dành hàng giờ để làm quen, trò chuyện trên Facetime và thu thập thông tin y tế cần thiết. Song chu kỳ rụng trứng của cô đang đến và cần sự giúp đỡ ngay, thì họ lại ngừng nhắn tin.

"Đột nhiên, họ biến mất như bóng ma, ngay khi bạn cần. Bạn cảm thấy hoảng sợ đến mức cứ hàng giờ đều đặn nhắn tin cho họ “Xin chào, bạn có ở đó không?'" - Lorraine nói. Và sau đó, họ đột ngột chặn bạn.

Điều này đã xảy ra vài lần với Lorraine. "Tôi rất đau lòng. Tôi thực sự muốn từ bỏ vì không thể đương đầu với chuyện như vậy" - cô tâm sự.

Rồi vào một đêm, một ngày trước khi đến thời điểm rụng trứng lần nữa, Lorraine đang lướt Facebook thì thấy một người đăng lời giải thích dài dòng về lý do anh ta muốn hiến tặng tinh trùng. Anh trai của anh ta là người đồng tính và không thể có con, điều đó thôi thúc anh giúp đỡ những người khác cùng cảnh.

Lorraine đã liên lạc và lần này, người đàn ông hỏi về mọi điều làm cô thấy thoải mái. Anh ta có những quy định nghiêm ngặt như: Anh ta sẽ chỉ hiến cho những cặp vợ chồng đã thành niên, những người không hút thuốc, không sử dụng ma túy... Sau khi trò chuyện trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, Lorraine thú nhận cô sẽ rụng trứng trong vòng 24 giờ tới.

Hôm sau, anh ta đáp tàu từ London đến. Anh ta không muốn được trả tiền và cặp đôi Lorraine chỉ phải trả 36 bảng Anh tiền vé tàu cho anh.

Với 3 lần nỗ lực, Lorraine phát hiện mình có thai. Hiện tại, cô và người bạn đời đã có một cô con gái 8 tháng tuổi. Cô đã gửi cho anh ta một bức ảnh và đồng ý cho người hiến tặng đăng tải thông tin về chuyện cô đã sinh lên trang Facebook cá nhân của anh.

Anh ta thường thông báo như vậy mỗi khi có kết quả thành công. Cũng chính vì thế, Lorraine biết anh ta đã có 14 đứa con khác vào thời điểm cô sinh con. Kể từ khi cô nói về chuyện này thì anh ta có thêm 3 đứa con nữa.

Cặp đôi Lorraine dự định nói với con gái của họ rằng "một quý ông đặc biệt đã giúp đỡ gia đình mình như nhiều gia đình khác". Họ cũng đã ký một thỏa thuận bằng văn bản dài 16 trang với người hiến tặng, theo đó, anh ta không muốn bất cứ điều gì liên quan dến đứa trẻ. Họ cũng sẽ không đeo bám anh ta để đòi bất cứ chi phí gì.

Tuy nhiên, văn bản này không có tính hợp pháp vì "nó không thông qua bất cứ luật sư nào", Lorraine cho hay.

Alan Phan - người có thể là người hiến tặng tinh trùng nhiều nhất Australia, theo SBS. Ảnh: Facebook/SBS.

Trang SBS của Australia hôm 3-12-2020 cũng đưa tin rằng, Alan Phan (ở Brisbane) có lẽ là người hiến tinh trùng nhiều nhất Australia, hiện bị điều tra vì tạo ra 23 đứa trẻ từ tinh trùng của mình chỉ trong một năm.

Anh ta 40 tuổi, có vợ và 2 con gái, song vẫn hiến tặng tinh trùng thông qua các phòng khám có đăng ký ở Queensland, Victoria và cả qua kênh không chính thức. Theo luật của tiểu bang Victoria, một người hiến tinh trùng chỉ có thể giúp 10 phụ nữ thụ tinh, trong đó bao gồm cả người bạn đời của mình.

"Luật trong lĩnh vực này không rõ ràng. Nếu những người đàn ông không cẩn thận, họ có thể phải chu cấp tiền nuôi con hoặc những đứa trẻ có thể được thừa kế tài sản của họ" - ông Stephen Page, chuyên gia luật gia đình, cho biết.

Sally Cheshire - lãnh đạo HFEA - cũng cảnh báo rằng, hiện tại không có bất cứ luật nào bảo vệ bất kỳ ai tham gia một thỏa thuận như vậy. "Nếu thỏa thuận không được thực hiện đúng pháp luật và đúng thời điểm, thì tư cách làm cha mẹ có thể không được xác nhận và người hiến tặng vẫn sẽ là cha đứa trẻ về mặt luật pháp, với tất cả trách nhiệm của người cha mẹ và nghĩa vụ tài chính" - bà Sally cho hay.

Bà Sally cũng cho biết thêm rằng, việc sử dụng tinh trùng của người hiến tặng chưa trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe toàn diện sẽ mang lại những rủi ro đáng kể. "Các phòng khám theo quy định của Vương quốc Anh được yêu cầu kiểm tra tinh trùng để tìm ra một loạt bệnh và bệnh di truyền mà ngay cả một người hiến tặng cũng không biết khiến người mẹ và đứa trẻ gặp rủi ro" - bà Sally nói.

BBC đã hỏi HFEA rằng trong khoảng 5 năm, họ có báo cáo với cảnh sát về những mối lo ngại đó không thì cơ quan này nói rằng, họ không có thông tin gì vì không có đề nghị, yêu cầu nào. Hơn 90% các lực lượng cảnh sát được hỏi cũng nói với BBC rằng, họ cũng không nhận được báo cáo nào.

Còn người phát ngôn của Facebook tuyên bố rằng: "Chúng tôi cho phép mọi người thảo luận về việc hiến tặng tinh trùng trên Facebook, nhưng chúng tôi hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật để xóa nội dung vi phạm luật pháp địa phương".

Huyền Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cdv-mu-thi-nhau-che-anh-sau-chien-thang-cua-quy-do-633130/