Rủi ro từ việc các nước thắt chặt chính sách tiền tệ

Việc kinh tế thế giới trong năm 2017 phát đi những tín hiệu tích cực nhất trong 7 năm qua lại là dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế toàn cầu sẽ từng bước thắt chặt hoặc dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn vốn được áp dụng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại xu hướng này sẽ gây ra những rủi ro tiềm ẩn với kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ thắt chặt chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2018.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh) dự báo sau khi Mỹ và Trung Quốc tăng lãi suất trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (QE) - biện pháp bơm thêm tiền vào thị trường thông qua hình thức mua trái phiếu. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc đưa lãi suất trở về mức bình thường tại khu vực đồng euro. Theo EIU, mặc dù tác động của quyết định này sẽ mất nhiều thời gian, song chi phí vay ngân hàng tăng cao tại 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ buộc các ngân hàng trung ương khác hành động tương tự, kéo theo những tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, các chương trình QE đã giữ cho lãi suất dài hạn ở mức thấp, giúp các chính phủ khuyến khích giới đầu tư tập trung mở rộng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, khi nguồn tiền đổ vào thị trường quá lớn, giá chứng khoán, trái phiếu và bất động sản đã bị đẩy lên cao. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lặp lại khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, xuất phát từ quy trình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sau đó là giá bất động sản và chứng khoán.

Trong khi đó, chính phủ các nước và giới nghiên cứu kinh tế chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về tác động của việc cắt hoặc giảm bớt những gói kích thích tài chính đối với thị trường. Việc các nước trên thế giới triển khai các gói QE trên quy mô lớn như vừa qua là lần đầu tiên, do đó, các nước cũng chưa có kinh nghiệm trong việc đánh giá tác động của việc rút lại các gói này. Hiện Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu biến động bằng cách xác định chính xác sẽ cắt giảm bao nhiêu tiền bơm vào thị trường trong khoảng thời gian nhất định

Bên cạnh đó, việc cắt giảm lượng tiền bơm vào thị trường có thể khiến giá các loại tài sản sụt giảm do nhà đầu tư nhận thấy việc gửi tiền vào ngân hàng sẽ sinh lời cao hơn. Ngoài ra, các thị trường chứng khoán cũng có thể biến động nếu lợi tức trái phiếu bỗng tăng vọt.

Đó là chưa kể kinh tế toàn cầu trong thời gian tới vẫn có thể phải đối mặt với những rủi ro chính trị lớn nhất trong nhiều năm qua, trong đó nguy cơ lớn nhất là chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, chính sách đối ngoại của Washington tiếp tục được dự báo là sẽ vẫn theo xu hướng “khó đoán định” như vừa qua, tác động sâu sắc đến tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng “biệt lập” như chủ trương của Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền trong đó có việc chủ động từ bỏ vai trò lãnh đạo địa chính trị toàn cầu, như rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thái độ nước đôi đối với châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi đó, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi nguy cơ nghiêm trọng. Trong trường hợp Mỹ rút tiếp khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang thành các hành động tẩy chay và cấm vận, hoặc Mỹ và Triều Tiên sa lầy vào một cuộc xung đột sau khi khẩu chiến đã lên đỉnh điểm, hậu quả đối với kinh tế toàn cầu cũng sẽ rất sâu rộng.

Với những nguy cơ tiềm ẩn trên, rõ ràng tăng trưởng kinh tế năm 2018 và các năm sau đó sẽ khó có thể đạt mức như năm 2017. Do đó, các nước cần nghiên cứu, xem xét và áp dụng từng bước nhằm thăm dò phản ứng thị trường.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rui-ro-tu-viec-cac-nuoc-that-chat-chinh-sach-tien-te.aspx