Rủi ro thách thức ngành công nghiệp nhựa: Kỳ I: Tăng trưởng cao, trình độ phát triển thấp

Dù đạt tốc độ tăng trưởng cao những năm vừa qua, song ngành công nghiệp nhựa mới chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật gia công chất dẻo, trình độ phát triển còn rất thấp, có nguy cơ bị đầu tư nước ngoài thâu tóm.

Dư địa phát triển lớn

Gần một thập kỷ (2010-2017) vừa qua, ngành nhựa đã có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt từ 15-20%/năm. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, năm 2017, tổng doanh thu ngành nhựa đạt khoảng 15 tỷ USD (tương đương 340.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành), xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD (tăng 15%). Ước tính, 10 tháng đầu năm 2018, doanh thu ngành nhựa đạt khoảng 15 tỷ USD (tăng khoảng 16,7% so với cùng kỳ), xuất khẩu đạt khoảng 2,78 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ). Nếu đem so sánh doanh thu hiện nay với Mục tiêu quy hoạch phát triển ngành nhựa đến năm 2020, tầm nhìn 2025 (theo Quyết định 2992/QĐ-BTC của Bộ Công Thương ngày 17/6/2011) đề ra đạt giá trị sản xuất (giá so sánh 1994) năm 2020 là 181.000 tỷ đồng, thì kết quả đạt được đã cao gấp gần 2 lần mục tiêu.

Sản phẩm nhựa tiêu dùng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống và sản xuất

Sản phẩm nhựa tiêu dùng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống và sản xuất

Dư địa phát triển ngành nhựa được đánh giá là còn rất lớn, bởi dung lượng thị trường rộng, bao phủ hầu hết các ngõ ngách tiêu dùng của đời sống (nhựa gia dụng, bao bì…) cho đến phục vụ các ngành sản xuất khác như ô tô, xe máy, điện tử, điện gia dụng, y tế, văn phòng… (nhựa kỹ thuật cao). Trong khi đó, mức độ sử dụng nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam mới đạt 41-45 kg/người/năm, so với thế giới còn rất thấp, chẳng hạn Thái Lan hiện là 100 kg/người/năm, Nhật Bản 200 kg/người/năm, Mỹ từ 200-300 kg/người/năm… Ngoài thị trường nội địa, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu tốc độ phát triển và tăng trưởng cao hiện nay được duy trì trong giai đoạn tới, đến năm 2030, tổng doanh thu ngành nhựa sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7-8 tỷ USD.

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam: Ngành nhựa dường như chưa được nhìn nhận hết vai trò, Nhà nước chưa có chính sách đặc thù cho ngành nhựa phát triển. Dù đông về số lượng, song đến nay tiềm lực doanh nghiệp ngành nhựa vẫn thấp một cách “đáng ngạc nhiên” trong tương quan so sánh với các ngành sản xuất khác.

Nguy cơ bị thâu tóm

Xét bề nổi thì qui mô phát triển và tăng trưởng ngành nhựa là rất đáng khích lệ. Nhưng xét về chiều sâu, để đạt được mục tiêu qui hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2025 “trở thành một ngành kinh tế mạnh, phát triển đồng bộ từ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra và tái chế phế liệu thành nguyên liệu”, thì còn rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp ngành nhựa rất đông (khoảng trên 2.200 doanh nghiệp), song 80-90% là doanh nghiệp nhỏ, xuất thân từ hộ gia đình, năng lực quản trị, tài chính, công nghệ yếu. Chính vì vậy, hầu hết sản phẩm nhựa Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở phân khúc giá trị thấp, chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong đó nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất (khoảng 25%/năm), chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 35%), tập trung đông doanh nghiệp nhất (khoảng 500 doanh nghiệp) là nhựa bao bì lại là nhóm sản phẩm có giá trị thấp nhất, trong khi trên thế giới nhiều nước đã bỏ qua không làm nhựa bao bì, tiếp đến là nhóm nhựa gia dụng chiếm tỷ trọng khoảng 22%. Trong cơ cấu sản phẩm ngành nhựa, nhựa kỹ thuật cao (có giá trị gia tăng lớn) chưa bao giờ chiếm tỷ trọng lớn, dù nhóm này do các doanh nghiệp lớn trong ngành nắm giữ, được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển. Tỷ trọng nhựa kỹ thuật cao hiện mới chiếm khoảng 19%.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông - Long An

Thứ hai, nhân tố công nghệ đang tác động rất lớn do nhựa đã trở thành nguyên liệu sản xuất thay thế các sản phẩm truyền thống như gỗ, kim loại… trong nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, trong số khoảng 6.000 máy ép đúc tạo các bộ phận (phụ tùng) nhựa cho các thiết bị điện tử, thiết bị điện, xe máy, ô tô…. nhiều doanh nghiệp nhựa đang sở hữu, số liệu khảo sát của chuyên gia cho thấy, khoảng 75% vẫn là thiết bị máy móc cũ. Ông Hồ Đức Lam thừa nhận, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhựa cũng như sản phẩm nhựa Việt Nam còn rất thấp.

Thứ ba, xét trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế, hiện nay, những đối thủ nhựa từ Thái Lan, Malaysia… đang không ngừng cải tiến công nghệ, đón đầu xu hướng tiêu dùng của thế giới để đưa ra các sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Nếu các doanh nghiệp nhựa Việt Nam không sớm đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, có thể sẽ bị các đối thủ trong khu vực chiếm lĩnh mất cả thị trường nhựa nội địa. Bằng chứng là Srithai Superware PLC - một công ty nhựa hàng đầu Thái Lan đã đầu tư 3 nhà máy nhựa ở khu vực phía Nam Việt Nam và đang đầu tư xây dựng thêm một nhà máy mới ở miền Bắc với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.

Nhận thấy tiềm năng thị trường nhựa Việt Nam còn lớn, cùng với những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực nhựa Việt Nam để tận dụng lợi thế. Do trình độ phát triển còn non kém, ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) đang diễn ra rất mạnh. Đến nay, Tập đoàn SCG của Thái Lan đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần các thương hiệu nhựa hàng đầu tại Việt Nam (BMP, NTP, Việt - Thái Plastchem, TPC VINA, Chemtech…). Tập đoàn SCG và một số công ty của Thái Lan khác vẫn đang có xu hướng tiếp tục mua gom cổ phần Chính phủ thoái vốn tại các công ty nhựa. Thậm chí, nhờ có tiềm lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư Thái Lan còn có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau để đầu tư khép kín chuỗi sản xuất từ nguyên phụ liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra tại Việt Nam, gây sức ép rất lớn tới các công ty sản xuất nhựa nội địa.

Mục tiêu trở thành ngành kinh tế mạnh theo qui hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 đối với ngành công nghiệp nhựa đang gặp rất nhiều thách thức, rủi ro, cần nhận diện và có các giải pháp kịp thời để tháo gỡ.

Kỳ II: Rủi ro biến động giá nguyên liệu và tác động môi trường

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rui-ro-thach-thuc-nganh-cong-nghiep-nhua-ky-i-tang-truong-cao-trinh-do-phat-trien-thap-110596.html