Rủi ro du lịch thời 4.0

Sự phát triển như vũ bão về công nghệ thông tin đã làm thay đổi xu hướng du lịch của khách hàng. Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể sở hữu một tour du lịch được lo trọn gói từ A-Z.

Không chỉ mất tiền mua phải dịch vụ dỏm, khách hàng chọn tour giá rẻ loại này còn cực kỳ nguy hiểm vì trong trường hợp tới các điểm tham quan khách tự mua vé, nếu xảy ra sự cố công ty sẽ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm, cũng không có bảo hiểm

Ông Nguyễn Quốc Kỳ -
Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel

Tuy nhiên, thời đại 4.0 cũng kéo theo nhiều rủi ro khi những chiêu thức lừa gạt du lịch “dỏm” ngày càng tinh vi.

Click một cái, mất toi chục triệu

Mấy ngày nay, người dân TP.HCM đang xôn xao vụ việc công ty du lịch bán tour trực tuyến (online), “cuỗm” tiền của khách rồi... biến mất. Theo thông tin từ Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, đầu tháng 8, đơn vị này nhận được nhiều đơn phản ánh của khách hàng về việc mua tour Singapore - Indonesia - Malaysia 6 ngày 5 đêm với giá 9,5 triệu đồng/khách từ Công ty Golux, nhưng liên tục bị dời lịch, khi khách hàng đến trụ sở công ty đòi lại tiền thì mới biết bị lừa. Ngày 8.8, hơn 50 khách hàng đã đến tận trụ sở công ty để đòi lại tiền nhưng công ty đóng cửa và cũng không liên lạc được với giám đốc.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sau 3 lần hẹn nhưng lãnh đạo công ty không tới, sáng 14.8, Thanh tra Sở phối hợp cùng Phòng Kinh tế, Phòng Lữ hành tiếp tục xuống trụ sở Công ty Golux để kiểm tra nhưng công ty vẫn đóng cửa. “Chúng tôi đang phối hợp với UBND Q.1, Phòng Kinh tế quận, Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng các bên liên quan thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty. Thanh tra Sở đã chuyển hồ sơ cho lực lượng công an thành phố, sẽ phối hợp làm việc để xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm này, tránh phát sinh tình trạng đình chỉ hoạt động ở quận này lại mở chi nhánh ở quận khác, lấy tên khác lừa khách hàng”, ông Lý cho hay.

Đáng chú ý, đại diện Thanh tra Sở thông tin thêm: Cách đây 1 năm, Golux từng bị cơ quan chức năng xử phạt 45 triệu đồng về hành vi kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép.

Thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên có khách hàng mua tour qua mạng, ôm mộng có được chuyến du lịch giá rẻ nhưng kết cục phải ngậm ngùi “ôm trái đắng”, chạy đôn chạy đáo đòi lại tiền trong khi chủ công ty bán tour đã ôm đống tiền cao chạy xa bay.

Cuối tháng 7 vừa qua, một gia đình du khách Tây Ban Nha, gồm 5 người, đến Cảng quốc tế Tuần Châu để lên tàu PARAGON CRUISE trải nghiệm tour 2 đêm 3 ngày trên vịnh Hạ Long mà gia đình này đã đặt qua trang du lịch trực tuyến Expedia.es. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ không tìm thấy tàu và qua xác minh thì trên vịnh Hạ Long cũng không có con tàu nào tên như vậy. Địa điểm mà trang mạng kia chỉ dẫn tàu PARAGON CRUISE đón khách là lô 20, nhưng thực tế lô này chưa có chủ tàu nào thuê.

Đa dạng các chiêu “giấu giá”

Thời đại công nghệ phát triển, các tín đồ du lịch dễ dàng có được một kho thông tin về các chương trình tour, giá cả từ nhiều địa chỉ khác nhau. Thế giới phẳng cũng là thời cơ cho các công ty làm ăn chộp giật dễ dàng quăng bẫy tìm “mồi”. Cùng một tour có thể được quảng bá rộng rãi trên nhiều trang web, phương tiện thông tin đại chúng, tạo tâm lý thân quen, tin tưởng cho khách hàng.

Lướt qua các trang quảng cáo tour “giá sốc”, tour không lãi… của một số công ty lữ hành tung ra thời gian gần đây, khách hàng sẽ rất tò mò khi giá tour cùng một hành trình có thể chênh lệch đến vài triệu đồng, thậm chí đến cả chục triệu đồng. Nhưng sự thật, đằng sau đó là thủ thuật “giấu giá” mà nếu khách hàng không đọc thật kỹ các chi tiết trong chương trình, nhất là các điều khoản bao gồm và không bao gồm, sẽ dễ bị mắc lừa.

Một số công ty “giấu giá” bằng cách đưa ra mức giá cơ bản, chỉ bao gồm vé máy bay, khách sạn, xe vận chuyển, điểm tham quan căn bản trong tour mà không cộng thêm phí visa, phí dịch thuật hồ sơ visa, tiền bồi dưỡng dành cho hướng dẫn viên địa phương, bảo hiểm… Khách hàng hào hứng đặt tour, tưởng được món hời nhưng đến khi thanh toán mới “ngã ngửa” vì cộng thêm vào, giá tour còn cao hơn giá mua các công ty du lịch uy tín.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, có rất nhiều cách để các doanh nghiệp có thể đưa ra mức giá tour rẻ “ngoài sức tưởng tượng” như cắt giảm điểm đến hoặc có đưa khách đi nhưng bắt tự mua vé; giảm chất lượng bữa ăn; đẩy khách đến các khách sạn vùng rìa nhưng thực chất là các nhà trọ trá hình; thuê xe cũ, thuê theo giờ hay bán thêm nhiều chương trình ban đêm để bằng mọi cách thu lại tiền từ khách… Vì lợi nhuận trước mắt, hiện rất nhiều đơn vị du lịch đang chạy theo xu hướng này khiến các tour du lịch không còn là một tour trọn gói mà trở thành một dạng bán dịch vụ. Họ chỉ đưa khách tới còn ở được hay không, đi được đâu hay không là chuyện của khách.

“Không chỉ mất tiền mua phải dịch vụ dỏm, khách hàng chọn tour giá rẻ loại này còn cực kỳ nguy hiểm vì trong trường hợp tới các điểm tham quan khách tự mua vé, nếu xảy ra sự cố công ty sẽ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm, cũng không có bảo hiểm”, ông cảnh báo.

Thời công nghệ, phải quản lý bằng công nghệ

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel đánh giá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang bao trùm toàn bộ các lĩnh vực quanh đời sống hiện nay, ngành du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Cũng giống như một số nước trên thế giới, tại VN hiện nay hình thức kinh doanh “tour 0 đồng” khá phổ biến và ngày càng phát triển theo hướng tinh vi hơn khi có sự “góp sức” của công nghệ. Các ứng dụng mua bán, thanh toán trực tiếp, chuyển tiền về nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của ngành du lịch trong nước. Thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Vướng phải các công ty “ma” thì tiền mất, công ty làm ăn chộp giật thì còn mang thêm “tật”, chịu hành hạ khổ sở suốt cả chuyến đi.

Việc xử lý những hình thức kinh doanh du lịch này cũng như các hình thức tương tự lợi dụng phát triển công nghệ gây ảnh hưởng đến du lịch nước nhà là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước do vẫn chưa có quy định, chế tài cụ thể. Bằng chứng là loại hình Grab, Uber đã thí điểm được hơn 2 năm nhưng cơ quan quản lý vẫn rất lúng túng, chưa đưa ra được quy định để quản.

Từ sự việc của Golux, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng TP.HCM cần lấy đó làm lời cảnh báo, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh mạng, cần thiết lập những cơ chế phòng thủ đủ mạnh để đảm bảo thông tin cho các dịch vụ thông tin có tính mở, công khai. Cần bố trí lực lượng đi tuần trên mạng để kiểm tra, tìm kiếm, phát hiện các trường hợp vi phạm, xử phạt nghiêm và công bố công khai trên các trang thông tin để tất cả khách hàng cùng biết. Liên kết với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh, kiểm tra, liên tục công bố và cập nhật danh sách các công ty lữ hành có giấy phép và không có giấy phép trên trang web chính thức của Sở Du lịch.

“Muốn có bộ lọc để tìm ra các công ty vi phạm không khó. Có những công ty chuyên trách nắm trong tay toàn bộ thông tin: có bao nhiêu trang mạng, bao nhiêu tên miền, công ty đã đăng ký website… Chỉ cần cung cấp danh sách các công ty lữ hành đã được cấp phép cho họ, sẽ ngay lập tức có được danh sách các doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh, đang ở đâu, buôn bán mặt hàng gì…” - ông Kỳ gợi ý và nhấn mạnh: Thời công nghệ số phải quản lý bằng chính công nghệ số. Chỉ dựa vào báo cáo, làm theo cách truyền thống thì không thể quản nổi.

Lựa chọn nhà cung cấp uy tín

Ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, khuyến cáo khách hàng mua tour nên cảnh giác với những tour giá rẻ bất ngờ, đột ngột. Nên chọn sản phẩm từ những công ty lớn, có uy tín, tham khảo danh sách doanh nghiệp tại website chính thức của Sở Du lịch TP.HCM. Đồng thời, trước khi quyết định mua bất cứ tour nào, người mua cần hỏi kỹ tất cả chi tiết từ nhỏ nhất như giá vé bao gồm những gì, ăn ở như thế nào, phương tiện di chuyển ra sao… và phải có cam kết phía công ty đảm bảo sẽ thực hiện đúng, đủ tất cả chương trình có trong tour đã bán.

Hà Mai

Hà Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/rui-ro-du-lich-thoi-40-994092.html