Rủi ro đối với ngành chế biến thịt lợn toàn cầu

Các biện pháp thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc sử dụng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành chế biến thịt lợn của hai nước và các nhà xuất khẩu thịt lợn lớn khác.

Thịt lợn được bày bán tại một siêu thị ở Irvine, California. Ảnh: AFP/TTXVN

Thịt lợn được bày bán tại một siêu thị ở Irvine, California. Ảnh: AFP/TTXVN

The Maschhoffs - công ty chế biến thịt lợn thuộc sở hữu gia đình lớn nhất nước Mỹ - chứng kiến lợi nhuận giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang. Nông dân Xie Yingqiang (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho rằng việc tiếp tục nuôi lợn không còn thực sự có ý nghĩa khi ông phải giết mổ phần lớn đàn lợn 1.000 con để hạn chế mất mát bắt nguồn từ cuộc chiến trên. Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp bị tổn hại khi Mỹ, Trung Quốc bất hòa trong thương mại.
Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót vào ngày 1/3, khi thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ được tăng lên. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã gia tăng từ giữa năm 2018 khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp có động thái áp thuế và trả đũa lẫn nhau về thuế quan.
Các “loạt đạn” được Mỹ và Trung Quốc nã trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành chế biến thịt lợn của hai nước và các nhà xuất khẩu thịt lợn lớn khác, trong đó có Brazil, Canada và các nhà chế biến thịt hàng đầu châu Âu.
Đối lập với nhiều ngành công nghiệp mà cuộc chiến thương mại phân ra bên thắng cuộc và bên thua cuộc, các nông dân và nhà chế biến thịt lợn trên toàn cầu hầu như đều chứng kiến lợi nhuận và việc làm giảm do chi phí chăn nuôi lợn tăng trong khi giá lợn giảm.
Nguyên nhân chính là do cuộc chiến thương mại diễn ra không đúng thời điểm, sau khi sản lượng thịt lợn trên toàn cầu tăng lên các mức cao kỷ lục khi thị trường dự đoán nhu cầu đối với thịt tăng và giá thức ăn cho lợn thấp do thị trường toàn cầu tràn ngập ngũ cốc.
Tại Mỹ, các công ty chế biến thịt như Seaboard Triumph Foods và Prestage Farms từ những năm trước đã chi hàng trăm triệu USD vào việc thúc đẩy công suất giết mổ trong nước thêm hơn 10% lên gần 500.000 con lợn/ ngày.
Ngay trước khi các rào cản thương mại được dựng lên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong một phân tích hồi tháng 4/2018 cho rằng tăng trưởng nguồn cung thịt toàn cầu ước tính vượt nhu cầu tiêu thụ thịt trong năm 2018, làm tăng tính cạnh tranh của thị trường và hạ giá mặt hàng thịt.
Các cuộc chiến về thuế đẩy tăng các xu hướng trên thông qua việc đóng cửa các thị trường xuất khẩu, khiến giá thức ăn cho lợn tăng và làm nhiễu các động lực cung và cầu khu vực – yếu tố làm tăng lợi nhuận ngành.
Thịt lợn Mỹ phải đối mặt với các mức thuế trả đũa 62% tại Trung Quốc và lên đến 20% tại Mexico, làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt từ hai thị trường xuất khẩu thịt lợn hàng đầu của Mỹ và góp phần tạo thêm gánh nặng lên các kho lạnh chứa lượng lớn thịt chưa được bán.
Dịch cúm lợn châu Phi bùng phát khiến nông dân giết mổ lợn sớm, làm trầm trọng tình trạng dư cung sau khi các nông trại quy mô lớn hoạt động hiệu quả hơn mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng trong những năm gần đây.
Nguồn cung thịt nội địa cao hơn và nhập khẩu từ các nguồn khác (Tây Ban Nha, Brazil) tăng đã bù đắp cho đà giảm nhập khẩu thịt lợn Mỹ, song bùng phát dịch cúm lợn châu Phi năm 2018 đã “đổ thêm dầu vào lửa” các vấn đề các nhà chế biến thịt lợn Trung Quốc gặp phải.
Tính đến nay, 13 tỉnh của Trung Quốc đã báo cáo hơn 40 trường hợp lợn nhiễm cúm, và hạn chế trong vận chuyển lợn nhằm kiểm soát dịch bệnh đã đẩy một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc vào cảnh dư cung thịt lợn trong khi miền Nam nước này khan hàng.
Ngành thịt lợn Brazil phải chịu đựng chi phí thức ăn cho lợn ăn cao hơn một phần do các nông dân giờ phải chạy đua với các bên mua đậu tương lớn đến từ Trung Quốc – những người đổi hướng sang Brazil nhằm tránh các mức thuế áp đặt lên đậu tương Mỹ.
Tại Canada – nước xuất khẩu thịt lớn thứ ba thế giới, lợi nhuận của các nhà chế biến thịt suy giảm bởi giá thịt ở đây liên quan đến diễn biến thị trường Mỹ rộng lớn hơn. Giá thịt lợn tại Canada trong tháng 8/2018 giảm 31% so với tháng trước đó, theo dữ liệu được Hams Marketing Services tổng hợp. Nông dân George Matheson tại Manitoba dự đoán bán khoảng 250 con lợn ở mức giá 115 CAD (khoảng 88 USD)/ con, so với mức chi phí 150 CAD/ con để nuôi chúng.
Nhiều nông dân tại Trung Quốc đang tìm kiếm các thành phần thức ăn cho lợn giàu protein rẻ tiền hơn để thay thế đậu tương. Yu Shiqian – chủ sở hữu đàn lợn quy mô 1.800 con tại phía Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh - cho biết: “Mọi thứ tôi sử dụng ngày càng đắt đỏ. Chỉ giá lợn là giảm”.
Các nhà chế biến lớn cũng đang bị tác động mạnh. Tập đoàn WH tại Hong Kong (Trung Quốc) – nhà chế biến thịt lợn hàng đầu thế giới đồng thời sở hữu “ông lớn” Smithfield (Mỹ) – đầu năm 2018 cảnh báo thách thức lớn nhất của tập đoàn này là tình trạng dư cung thịt tại Mỹ và bất ổn bắt nguồn từ các căng thẳng thương mại.
Các nhà chế biến thịt hàng đầu của Trung Quốc gồm Muyuan Foods Co Ltd, Guangdong Wens Foodstuff Group Co Ltd và Beijing Dabeinong Technology báo cáo kết quả lợi nhuận trong quý II/2018 tệ nhất trong nhiều năm do giá lợn thấp. Dabeinong cho rằng giá nguyên liệu thô cao đã làm giảm lợi nhuận của hãng.
Tại Iowa, bang chế biến thịt lợn hàng đầu của Mỹ, các tranh cãi thương mại được cho là sẽ khiến các nông dân nuôi lợn thiệt hại 18 USD/con, tương đương 800 triệu USD tổng doanh thu trong giai đoạn tháng 8/2018 đến tháng 7/2019, theo dự đoán các nhà kinh tế thuộc Đại học Bang Iowa đưa ra hồi tháng 9/2018.
Đối với The Maschhoffs, mất mát được ước tính tương đương 100 triệu USD. Công ty này hiện đã đình lại các dự án ở Mỹ có giá trị đến 30 triệu USD và có thể chuyển một số hoạt động ra nước ngoài. Barry Kerkaert – Phó Chủ tịch Pipestone System tại Minnesota (Mỹ) – cho biết các nhà chế biến thịt lợn đã rút lại các kế hoạch mở rộng hoạt động bởi cuộc chiến thương mại.
Tại châu Âu, các nước xuất khẩu thịt lợn lớn như Tây Ban Nha và Đức đã đẩy mạnh phần nào hoạt động bán hàng sang Trung Quốc và Mexico kể từ khi các cuộc chiến thương mại leo thang trong năm 2018. Mặc dù vậy, doanh số bán hàng bổ sung vẫn chưa đủ để hỗ trợ giá tại Liên minh châu Âu (EU) bởi nguồn cung trong nước gia tăng và bởi Trung Quốc đầu năm 2018 nhập ít thịt lợn hơn so với những năm trước đây.
Nông dân nuôi lợn tại Brazil, nước xuất khẩu và chế biến lợn lớn thứ tư thế giới, cũng đang trong vị thế tốt để tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua việc gia tăng lượng hàng bán sang Trung Quốc. Song điều này cũng khó lòng bù đắp thiệt hại bắt nguồn từ việc giá thức ăn cho lợn tăng và một loạt vấn đề trong nước tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đẩy tăng nguồn cung nội địa và hạ giá sản phẩm.
Các nông dân nuôi lợn của Brazil thông thường có thể mua đậu tương trong nước với giá rẻ bởi nước này là nước sản xuất đậu tương lớn thứ hai của thế giới, song giờ đây họ phải trả các mức giá cao kỷ lục một phần do khách hàng đến từ Trung Quốc./.

Kim Dung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/rui-ro-doi-voi-nganh-che-bien-thit-lon-toan-cau/113242.html