Rủi ro đầu tư đa ngành

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) có quy mô lớn nhất ngành cao su Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh thu chính của PHR lại không đến từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Trong số các doanh nghiệp cùng ngành, PHR là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, với hơn 16.000 ha vườn cây cao su và nhà máy có công suất 29.000 tấn/năm.

Doanh thu thuần, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của PHR. Đvt: Tỉ VNĐ

Doanh thu thuần, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của PHR. Đvt: Tỉ VNĐ

Lợi nhuận không từ mảng cốt lõi

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, tổng doanh thu thuần của PHR đạt hơn 1.557 tỷ đồng, giảm 5,8%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 643 tỷ đồng, tăng gần 95% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng mạnh không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà chủ yếu từ tái canh và thanh lý cây cao su, khu công nghiệp (KCN) Tân Bình và nhà máy gỗ công suất khoảng hơn 40.000 m3/năm.

Trong năm 2018, PHR bán thanh lý được khoảng 1.300 ha cây cao su và ghi nhận lợi nhuận 250 triệu đồng/ha. Ngoài ra, KCN Nam Tân Uyên, đơn vị mà PHR sở hữu 32,85% vốn, chia cổ tức 100% mang về cho PHR 84 tỷ đồng…

Theo dự báo của BSC, giá thanh lý gỗ cao su sẽ ổn ở mức 300 triệu đồng/ha trong năm 2019. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp PHR ghi nhận doanh thu khoảng 390 tỷ đồng trong năm 2019 (thanh lý hơn 1.000 ha), lợi nhuận dự kiến 351 tỷ đồng.

BSC cũng lưu ý, PHR hiện vẫn còn khoảng hơn 4.000 ha gỗ cao su già và sẽ tiếp tục thanh lý trung bình mỗi năm 1.000 ha cho đến năm 2022 giúp đảm bảo khoản thu nhập này trong ít nhất 2-3 năm tới.
Như vậy, trồng và xuất khẩu mủ cao su giữ vị trí khiêm tốn trong báo cáo tài chính của PHR.

Dùng quỹ đất để hợp tác đầu tư KCN

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của PHR, trong năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 2.192 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng, tăng lần lượt 40% và 55% so với năm 2018 và tỷ lệ cổ tức tối thiểu 40%.

Một phần cơ sở cho kế hoạch kinh doanh đầy tự tin của PHR là doanh nghiệp này đang sở hữu vùng đất trồng cao su rất lớn ở gần trung tâm công nghiệp tỉnh Bình Dương. Năm 2018, hoạt động cho thuê đất và sử dụng hạ tầng KCN đóng góp 21% lợi nhuận gộp của PHR.

2.424
tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của CPCP Cao su Phước Hòa tính đến cuối quý 1/2019, tăng tới hơn 27% so với đầu năm 2019.

PHR dự kiến sẽ tiến hành bàn giao cho KCN Nam Tân Uyên 325 ha đất và KCN VISIP 691ha đất. Đối với KCN Tân Bình, Bình Dương…, PHR đang triển khai ở các giai đoạn mở rộng.

Các chuyên gia tài chính của KPMG cho rằng, đòn bẩy của PHR chính là dùng quỹ đất trồng cây cao su để hợp tác đầu tư xây dựng các dự án KCN, dịch vụ, khu dân cư. Chính điều này đã làm giá cổ phiếu của PHR tăng nóng tính từ 17.000đ/cp lên 60.000đ/cp trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến nay.

Thách thức chuyển chiến lược

Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất tính đến 31/3/2019, tổng nợ phải trả của PHR 2.424 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với đầu năm 2019. Nợ phải trả của PHR có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng do việc mở rộng đầu tư đa ngành. Trong khi vốn chủ sở hữu của PHR hơn 2.789 tỷ đồng. Theo đó, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức gần 87%, trong khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý 1 của PHR chỉ hơn 23 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực trả nợ với PHR khá lớn.

Đặc biệt, đầu tư tài chính dài hạn của PHR ở mức khá lớn, hơn 924 tỷ đồng chủ yếu đầu tư vào liên doanh liên kết. Theo các chuyên gia, PHR đặt cược vào kinh doanh đa ngành, thay vì chú trọng ngành nghề kinh doanh cốt lõi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Mỗi doanh nghiệp nên tập trung vào thế mạnh, thay vì quá chú trọng lợi nhuận trước mắt bỏ đi ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình. Do vậy, PHR nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành cao su nói chung cần thận trọng khi quyết định đầu tư đa ngành, bởi nếu không cân đối được tài chính, quản trị rủi ro thì tính bền vững của doanh nghiệp mất đi và gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ”, ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định.

Sức ép cạnh tranh với ngành cao su Việt

Khó khăn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam là cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, tiêu thụ nội địa chưa phát triển. Do đó, phần lớn sản phẩm cao su của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô.
Lộ trình cắt giảm thuế theo CPTPP sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho cao su tự nhiên của Việt Nam ngay trên “sân nhà” với cao su nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP. Trong khi việc xuất khẩu cao su Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cao su phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc có giá bán thấp và nhu cầu không ổn định.

Giớ chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành cao su của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đang tham gia khâu sản xuất và chế biến thô hiện nay, cần thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, chú trọng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu, nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sử dụng vốn, lao động và công nghệ.

Phương Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/rui-ro-dau-tu-da-nganh-150831.html