Rủi ro đạo đức

Nhiều rủi ro hoạt động ngân hàng hiện nay đến từ việc bất cân xứng thông tin khiến nhiều cá nhân, lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý thời gian qua.

Bất cân xứng thông tin là một vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Điều đáng lưu ý, vấn đề này là nguyên nhân của những đổ vỡ khiến nhiều người vướng vào vòng lao lý ở Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, các chính sách cũng có phần rất lớn.

Bất cân xứng thông tin và hệ quả của nó

Bất cân xứng thông tin là một bên có nhiều thông tin hay hiểu biết hơn về một vấn đề, có những hành động gây tổn thất cho bên kia, và rộng hơn là cả xã hội. Lựa chọn bất lợi và rủi ro đạo đức là hai hệ quả tai hại của vấn đề này.

Lựa chọn bất lợi hay lựa chọn ngược (adverse selection) là cơ chế lựa chọn hay sàng lọc của thị trường do bất cân xứng thông tin dẫn đến kết cục trên thị trường toàn hàng kém chất lượng. Đây là vấn đề thông tin bị che đậy, hàng xấu đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường với ví dụ kinh điển về thị trường xe cũ (lemon market) của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Akerlof.

Ví dụ, trên thị trường có hai loại xe, một của người cẩn thận, ít đi nên chất lượng còn rất tốt và một của người đi bạt mạng, cày liên tục nên xe đã gần như “nát”, cho dù nhìn bên ngoài không khác nhau. Nếu có thông tin đầy đủ, xe còn tốt có giá 100 triệu đồng và xe kia chỉ là 20 triệu đồng.

Do không phân biệt được từ vẻ ngoài nên giá bình quân trên thị trường là 60 triệu đồng. Người có xe tốt, đương nhiên, không bán và quá trình sàng lọc trên thị trường chỉ còn lại xe “nát” mà thôi. Hàng xấu đã đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường.

Rủi ro đạo đức hay tâm lý ỷ lại (moral hazard) là hiện tượng bên có nhiều thông tin hơn (biết chắc mình sẽ làm gì) thay đổi hành vi gây bất lợi cho bên kia. Đây là hành vi bị che đậy.

Ví dụ, khi vay vốn, bên vay nói rằng họ sẽ đầu tư vào dự án có rủi ro thấp đi kèm với suất sinh lợi vừa phải. Tuy nhiên, sau khi đã có tiền trong tay và bên cho vay không thể kiểm soát việc sử dụng tiền một cách chặt chẽ thì bên vay đã sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư vào những hoạt động kinh doanh rủi ro hơn rất nhiều. Khi đó, nếu thắng lợi thì bên vay được rất nhiều, trong khi nếu mất vốn thì là việc của bên cho vay chứ không phải của họ.

Người ủy quyền và người thừa hành (principal - agent problem) là hiện tượng người được giao nhiệm vụ hay được ủy quyền không làm đúng việc được giao và có những hành động trục lợi cho cá nhân gây tổn hại cho bên kia. Đây là một phiên bản của rủi ro đạo đức nhưng nó cũng có những yếu tố của lựa chọn ngược.

Ví dụ, những người quản lý ngân hàng được giao nhiệm vụ cấp tín dụng thận trọng để có thể thu hồi vốn gốc và lãi vay, đảm bảo hiệu quả và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều người lại cho vay những dự án rủi ro, có quan hệ để được chia chác. Khi mất vốn thì ngân hàng và cả nền kinh tế chịu, còn những người này đi tìm việc khác là xong. Điều này được mô tả rất kỹ trong bộ phim Inside Job của Charles Ferguson mô tả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vòng xoáy lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức

Thành ngữ phương Tây có câu: “Nếu tôi nợ anh một ít, đó là vấn đề của tôi, nhưng nếu tôi nợ nhiều, đó là vấn đề của anh”. Câu thành ngữ này phản ánh đúng bản chất hoạt động và trục trặc của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua.

Trên thực tế, rất khó để các ngân hàng có thể đánh giá và thẩm định một cách khách quan và chính xác về tính hiệu quả của các phương án kinh doanh cũng như năng lực của khách hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp không được biết đến. Do vậy, tài sản đảm bảo thường là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với những trường hợp lợi dụng tình trạng bất cân xứng thông tin để trục lợi gây tổn hại cho người khác hay cho cái chung thì cần phải mạnh tay.

Nhìn chung, với các khoản vay dạng này, các ngân hàng thường định giá các tài sản đảm bảo thấp, nên các doanh nghiệp thường vay được rất ít vốn so với nhu cầu. Trong trường hợp này, nợ nần đúng là vấn đề của người đi vay.

Đối với các khoản vay có quy mô lớn cơ chế lại rất khác. Ngay cả với những doanh nghiệp có quan hệ tốt với ngân hàng, nếu chỉ dựa trên hiệu quả và mục tiêu kinh doanh thông thường thì rất ít ngân hàng dám cho vay những khoản nợ lớn vì rất rủi ro, nhất là trong bối cảnh chỉ cần một khoản vay xảy ra rủi ro là có thể rơi vào vòng lao lý ngay.

Lúc này, cơ chế lựa chọn bất lợi và rủi ro đạo đức xảy ra. Những người muốn “làm ăn lớn” nhận ra rằng chỉ có hai cách thức để có thể có những khoản vay lớn là sở hữu ngân hàng và tạo mối quan hệ thân hữu với những người có quyền quyết định.

Trong một cơ chế như vậy, kết quả trong không gian của những khoản dàn xếp tài chính cho những cuộc chơi lớn, trên “thị trường” chỉ còn lại những ngân hàng hay nói rộng hơn là các tổ chức tài chính với sở hữu chéo chằng chịt và các mối quan hệ thân hữu.

Đây là cuộc chơi của những “tay to” với những hoạt động kinh doanh rủi ro, những phi vụ áp phe, mua bán sáp nhập, thâu tóm. Điều nghiêm trọng ở chỗ cuộc chơi càng về sau thì càng rủi ro và những người trong cuộc thường như những con bạc khát nước, càng liều và dẫn đến đổ vỡ, sai phạm. Vòng xoáy của lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức ngày một nghiêm trọng, rồi điều gì phải đến đã đến.

Con đường dẫn đến vòng lao lý

Có một vấn đề đáng quan tâm liên đến cơ chế chính sách ở Việt Nam đó là cách thức quy trách nhiệm vào từng vấn đề cụ thể trong kinh doanh ngân hàng nói riêng, kinh doanh nói chung. Nếu một khoản kinh doanh nào đó gặp rủi ro thất thoát thì người ra quyết định phải chịu chứ không phải cơ chế tổng lợi ích - tổng chi phí hay tổn thất có tính đến các yếu tố rủi ro.

Với cơ chế tổng hòa, những người ra quyết định thường ít liều hơn vì giả sử nếu có một rủi ro xảy ra trong vô số các hoạt động kinh doanh thì nó sẽ được bù trừ.

Trái lại, cơ chế quy trách nhiệm từng khoản tổn thất thường làm cho những người ra quyết định liều hơn vì khi rủi ro xảy ra họ phải tìm cách gỡ bằng được khoản rủi ro đó. Hậu quả của việc phóng lao là phải theo lao, khiến sai phạm ngày một nghiêm trọng hơn.

Khi rủi ro xảy ra, các ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ mà nó có thể lây lan làm ảnh hướng đến cả hệ thống thì những người có trách nhiệm liên quan phải xử lý. Lúc đó, cái chung, cái riêng và những vấn đề khác lẫn lộn với nhau. Với một cơ chế không minh bạch có thể bị lợi dụng, nhưng cũng có thể không biết mình sai phạm lúc nào. Đường đến tất yếu với một số trường hợp là có thể biết được.

Đối với những trường hợp lợi dụng tình trạng bất cân xứng thông tin để trục lợi gây tổn hại cho người khác hay cho cái chung thì cần phải mạnh tay. Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách, Nhà nước cần rà soát để “vá” những lỗ hổng mà nó có thể khiến một số người rớt vào vòng lao lý.

Tóm lại, bất cân xứng thông tin đã và đang gây ra những trục trặc lớn cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam và vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh như vậy, song song với việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước lớn lên và mở rộng quy mô, các cơ quan hữu quan cần có những cách thức phòng ngừa rủi ro để tránh tình trạng phóng lao phải theo lao trong tương lai.

Theo Huỳnh Thế Du/ Saigon Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/rui-ro-dao-duc-post915177.html