Rủi ro cho tim khi chạy marathon

Chạy marathon rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, những tin tức gần đây về những vụ tai biến xảy ra trên đường chạy nhắc nhở chúng ta rằng chạy hơn 42km có thể không lành mạnh như chúng ta nghĩ.

Chạy marathon gây áp lực rất lớn đối với hệ thống hô hấp, tim mạch và cơ xương khớp. Trong những trường hợp hiếm gặp, nó có thể thúc đẩy huyết khối động mạch vành hoặc cơn đau tim.

Một báo cáo trên tờ Sports Medicine ước tính đau tim xảy ra với 1/80.000 người hoàn thành cuộc thi London Marathon. Điều đáng lo ngại hơn, trong số tám người tử vong trong thời gian nghiên cứu, chỉ có một người biết rằng họ có vấn đề về tim.

Những ai có nguy cơ?

Chạy bộ thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe của tim và luyện tập cho một cuộc chạy marathon sẽ giảm nguy cơ ngừng tim trong suốt cuộc đời. Nhưng, trong chính cuộc chạy, nguy cơ bị một tai biến như vậy lại tăng lên.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã xét nghiệm máu của các vận động viên tham gia giải Boston Marathon, trước và sau cuộc đua. Họ phát hiện ra một số chỉ báo sinh học tăng vọt, liên quan đến tổn thương cơ, khi người chạy đạt tới ngưỡng và cơ bắp hết glycogen. Thật không may, cơ thể không phân biệt được giữa chấn thương cơ do chạy marathon và với bất kỳ chấn thương nào khác. Kết quả, máu trở nên dễ đông hơn. Ở những người mắc bệnh tim mạch vành, tình trạng đông máu này có thể dẫn đến đau tim.

Vậy những ai có nguy cơ? Theo bác sĩ Arthur J Siegel, giám đốc nội khoa tại Bệnh viện McLean và là giảng viên Trường Y Harvard, Massachusetts, phần lớn các trường hợp này là ở nam giới trên 40 tuổi.

Uống aspirin liều thấp trước khi chạy để giảm nguy cơ đau tim?

BS. Siegel, một chuyên gia nghiên cứu về marathon và là vận động viên kỳ cựu của 20 cuộc đua marathon, chỉ ra rằng tuy nguy cơ là thấp, nhưng hậu quả có thể chết người. Ông muốn thúc đẩy sử dụng rộng rãi thuốc aspirin liều thấp trước cuộc chạy ở những người không bị dị ứng: “Nam giới lớn tuổi chạy marathon gặp nguy cơ lớn, aspirin có thể bù đắp nguy cơ đó”.

Uống aspirin trước khi chạy, dành cho nam giới trên 40 tuổi, đã được khuyến nghị đối với những người tham gia cuộc đua marathon Rio 2014 và được Hội các Giám đốc Y tế Marathon Quốc tế chấp thuận. Tuy nhiên, cách làm này không được quảng bá rộng rãi tại các sự kiện lớn khác.

Chưa có thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn về aspirin ở người chạy marathon. Tuy nhiên, có bằng chứng tốt về việc sử dụng aspirin liều thấp để phòng ngừa cơn đau tim trong một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên. BS. Siegel mong muốn phương thức này được áp dụng rộng rãi hơn.

Ngay cả những người chạy marathon thường xuyên cũng có thể gặp rủi ro. Một khảo sát nhỏ với 50 người chạy marathon trong thời gian dài cho thấy thể tích mảng bám động mạch vành tăng ở người chạy so với nhóm người ít vận động.

“Tôi muốn khuyên nam giới trung niên muốn chạy marathon là nên chụp CT mạch vành và xem tình trạng của mình thế nào. Nếu có vôi hóa, nên uống aspirin, nếu có điểm số vôi hóa cao thì có lẽ nên tập luyện nhưng hãy từ bỏ ý định tham gia cuộc chạy, bởi vì đó có thể là một rủi ro không đáng để thử”, BS. Siegel nói.

Có những rủi ro sức khỏe khác ít rõ rệt hơn

Các nhà nghiên cứu Áo từng có báo cáo về một nhóm gồm 210 vận động viên marathon có nhiều nốt ruồi không điển hình và các tổn thương da khác, gợi ý nguy cơ ung thư da hơn so với nhóm đối chứng.

Các nhà nghiên cứu đề nghị, cho đến khi có thêm các công trình nghiên cứu để tìm hiểu về mối liên quan tiềm tàng giữa ức chế hệ miễn dịch do tập luyện và khối u ác tính, người chạy nên nhận thức được những nguy cơ và thực hiện các bước để giảm tiếp xúc với tia cực tím.

Marathon đẩy cơ thể lên đến giới hạn của nó. Hầu hết mọi người chạy trong các cuộc đua marathon vì họ thích thử thách. Nhưng nếu bạn tham gia vào một cuộc chạy với hy vọng sẽ sống lâu hơn, thì tốt hơn nên luyện tập chăm chỉ và đứng cổ vũ cho cuộc đua.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/rui-ro-cho-tim-khi-chay-marathon-154732.html