Rực rỡ 'bức tranh' văn hóa 2019

Có thể nói 'bức tranh' văn hóa năm 2019 đặc biệt ấn tượng với những thành tích nổi bật. Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về những thành tích nổi bật này.

Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (Ảnh: K.T)

PV: Xin Bộ trưởng đánh giá một cách khái quát về “bức tranh” văn hóa năm 2019?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói "bức tranh" văn hóa năm 2019 vẫn có những mảng sáng, tối đan xen nhưng gam màu chủ đạo vẫn là những màu sáng với những ánh hào quang rực rỡ.

Nhìn lại một năm qua, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) không khỏi tự hào vì đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức để đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và củng cố an ninh quốc phòng…. Một trong những niềm tự hào ấy là chiến công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 diễn ra tại Philippines. Toàn đoàn đã giành được 98 Huy chương Vàng ở tất cả các bộ môn, xếp thứ 2 tại SEA Games 30, vượt xa mục tiêu mà chúng ta đặt ra trước khi lên đường tham dự kỳ Đại hội thể thao này. Giá trị lớn nhất không phải ở sự lấp lánh của những Huy chương Vàng mà là sự gắn kết hàng triệu trái tim yêu thể thao nước nhà, bồi đắp thêm niềm tin, khẳng định tinh thần Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Đặc biệt, sau hàng chục năm chờ đợi, đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu quả cảm, xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để mang về tấm Huy chương Vàng lịch sử. Cùng với đó, đội tuyển bóng đá nữ cũng lần thứ 6 giành Huy chương Vàng tại SEA Games. Với thành tích của môn thể thao vua, người hâm mộ đã trải qua những phút thi đấu nghẹt thở, được sống trong không khí của một lễ hội bóng đá thực sự với những cảm xúc thiêng liêng, trong niềm vui sướng, hân hoan, tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Du lịch Việt Nam trong năm qua cũng đạt được thành tích ấn tượng. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) lần thứ 26 dành cho khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, Việt Nam đã được tôn vinh tại 4 hạng mục: Điểm đến hàng đầu Châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu Châu Á (Hội An).

Ở lĩnh vực văn hóa, công tác quản lý lễ hội ngày một nền nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đang có những chuyển biến tích cực, việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, tính cố kết cộng đồng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền của các di sản văn hóa. Mới đây nhất, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh. Điều này chứng minh sự giàu có và phong phú của di sản văn hóa dân tộc, cũng như thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này.

PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể nói trong năm qua văn hóa vẫn còn có những “khoảng lặng” cần phải khắc phục, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua ngành VHTTDL vẫn còn có những trăn trở. Sự phát triển của lĩnh vực văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Một số địa phương còn chưa coi trọng vai trò và tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa nên để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý di tích; còn tình trạng di tích xuống cấp nhưng thiếu kinh phí tu bổ, chưa được địa phương quan tâm, ưu tiên đầu tư. Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp, nhất là trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; kinh phí đầu tư cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, bảo tàng còn hạn hẹp, nhiều nơi bị cắt giảm hoặc không có kinh phí khiến các đơn vị nghệ thuật, thư viện, bảo tàng gặp khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về di sản tại một số địa phương còn lỏng lẻo, để xảy ra nhiều vụ xâm phạm, tu bổ di tích gây bức xúc trong dư luận như sự việc xảy ra ở Chùa Bối Khê, Vịnh Hạ Long, Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú; việc kiểm duyệt và cấp phép điện ảnh còn một số bất cập, cần điều chỉnh trong thời gian tới… Ở lĩnh vực gia đình, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, năng lực đội ngũ làm công tác gia đình chưa đồng đều. Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; hoạt động của các mô hình về gia đình có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao…

Trong lĩnh vực du lịch, nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu về số lượng, phân bố lao động không đồng đều, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; sản phẩm du lịch chưa thật sự đặc sắc, đa dạng; công tác quản lý điểm đến vẫn còn một số tồn tại như công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch.

Năm qua, hoạt động thể dục thể thao quần chúng tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, miền; hệ thống thiết chế thể thao cơ sở, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho nhân dân còn thiếu thốn, lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc. Đáng chú ý là đất dành cho hoạt động thể dục thể thao ở các đô thị lớn còn thiếu, chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức.Công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học, cao đẳng. Nội dung môn học thể dục trong chương trình chính khóa chậm đổi mới, chưa thực sự tạo được sự hứng thú cho học sinh, sinh viên. Thành tích thể thao đã có bước phát triển, song chưa vững chắc. Kinh phí hoạt động từ ngân sách còn hạn chế, việc ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao còn nhiều hạn chế để nâng cao thành tích và nhất là mục đích chính của hoạt động thể dục thể thao là nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam vẫn chưa đạt được.

Với những tồn tại đó, bước sang năm 2020, năm bản lề của thập niên mới, toàn ngành sẽ tập trung, dốc sức dần khắc phục những “khoảng lặng” để làm sao “bức tranh” văn hóa, ngày một tươi sáng và rực rỡ hơn.

PV: Năm 2019, đâu đó đã xuất hiện những biểu hiện của lối sống “lệch chuẩn” cả trong ứng xử lẫn các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh… để chấn chỉnh những lệch chuẩn này theo Bộ trưởng chúng ta phải làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu; thời đại 4.0, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như sự phát triển của các trang mạng xã hội đã kết nối mọi người lại gần nhau hơn… Bên cạnh những mặt tích cực đó, cũng nảy sinh những tiêu cực, tác động đến đời sống của con người. Trong đó đáng chú ý là những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử, xuống cấp về đạo đức…. Trong các lĩnh vực của văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh cũng bị ảnh hưởng như xuất hiện những bài hát, những lối biểu diễn, bộ phim không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc… tác động không tốt tới đời sống tinh thần của người dân. Trước những biểu hiện lệch chuẩn đó chúng ta cần phải định hướng và chấn chỉnh lại, mà trước tiên theo tôi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý.

Để hạn chế những lệch chuẩn trong lĩnh vực điện ảnh, cần đẩy mạnh chính sách đặt hàng nhà nước cho việc sản xuất các bộ phim có đề tài về giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên và nhi đồng khi đang ngồi trên ghế nhà trường cũng như đời sống ngoài xã hội. Đặc biệt là những đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI).

Tổ chức các hoạt động như Liên hoan Phim quốc gia và quốc tế, Tuần phim, Đợt phim nhằm giới thiệu những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao, động viên, khuyến khích về vật chất đối với những phim quảng bá hiệu quả truyền thống yêu nước, văn hóa, lịch sử của dân tộc, có tính nhân văn sâu sắc; hội nhập quốc tế hiệu quả.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền mọi tầng lớp khán giả thông qua các môi trường giáo dục, xã hội nhằm định hướng và nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật cho người xem.

Phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan để ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ các bộ phim có nội dung, tư tưởng “lệch chuẩn” đang được phát hành trên môi trường mạng.

PV: Hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều các công trình tâm linh, nhiều ý kiến cho rằng nhiều công trình xây dựng hoạt động mang tính thương mại nhằm trục lợi, ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Việc xây dựng các công trình tâm linh không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về di sản văn hóa. Các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp được bảo quản, tu bổ, phục hồi theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Theo đó, các yếu tố gốc của di tích được tu bổ, bảo tồn nguyên trạng; việc xây dựng các công trình mới trong khu vực bảo vệ di tích đều là công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích (phù hợp với tính chất của di tích).

Các công trình mà dư luận xã hội phản ánh vừa qua (như Chùa Tam Chúc, Bái Đính...) là những công trình xây dựng nằm ngoài di tích đã xếp hạng, là công trình tâm linh không phải di tích, do đó thuộc sự điều chỉnh của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật xây dựng và các văn bản pháp luật khác liên quan.

PV: Bước sang năm 2020, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra những giải pháp hay chiến lược phát triển gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Để tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, sau khi tổng kết chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo văn bản Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược mới này, dựa trên các đường lối phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng như đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được, kinh nghiệm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và bối cảnh mới của đất nước, hy vọng sẽ có những giải pháp, hành động cụ thể để phát triển văn hóa đất nước trong những năm sắp tới.

Trong Chiến lược mới, ngành văn hóa sẽ nhấn mạnh hơn nữa những vấn đề nóng hiện nay như khắc phục tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, xây dựng văn hóa số trong bối cảnh xã hội số, nền kinh tế số và công dân số, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo dựng sức mạnh mềm cho dân tộc từ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu An (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/chao-nam-moi-2020/dat-nuoc-vao-xuan/ruc-ro-buc-tranh-van-hoa-2019-546834.html