Rùa 'tóc xanh' thở bằng cơ quan sinh dục sẽ biến mất?

Ðây chính là hình dáng kỳ lạ và đặc điểm có một không hai của những chú rùa sông Mary.

Rùa sông Mary, có tên khoa học là Elusor macrurus, được tìm thấy ở khu vực sông Mary, Queensland, Australia. Loài rùa độc đáo này sở hữu rất nhiều đặc điểm khác biệt so với các loài rùa khác.

Chẳng hạn như chúng chỉ dài khoảng 40cm nhưng lại có cái đuôi rất dài, lên đến 70% chiều dài của mai. Hay "mái tóc" dựng đứng màu xanh được tạo thành từ sợi tảo mọc trên cơ thể hoặc 2 chiếc râu mọc ra bên dưới cằm để giúp chúng cảm nhận môi trường nước xung quanh...

Điểm đặc biệt nhất của rùa sông Mary là cách hô hấp vô cùng kỳ quặc. Tuy có lỗ mũi to giúp hô hấp, nhưng chúng vẫn hít thở qua hậu môn. Tại phần hậu môn của loài rùa này có một cấu trúc tương tự như mang, cho phép chúng hấp thụ oxy trong nước. Phần hậu môn cũng được sử dụng để bài tiết và giao phối.

Mặc dù quá trình hô hấp của rùa Mary diễn ra trên cạn, nhưng chúng vẫn có thể sống dưới nước đến 3 ngày nhờ... thở được bằng hậu môn.

Với đặc điểm kỳ lạ, vẻ bề ngoài bắt mắt vì có nhiều màu sắc như đỏ, xanh, đen, nâu, mái tóc “rất ngầu” trên đầu, và thêm bản chất hiền lành, rùa Mary nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của những người sưu tập thú cảnh và trở thành loài thú cảnh được nhiều người ưa chuộng... Điều này khiến chúng trở thành món hàng béo bở được mua bán trên thị trường.

20 năm trở lại đây, rùa sông Mary liên tục bị đe dọa bởi các loài động vật hoang dã, ô nhiễm nước và các hoạt động chăn thả gia súc của con người bên sông. Thêm vào đó tuổi trưởng thành của loài rùa này khá dài, một con rùa Mary cái cần 25 năm và một con rùa Mary đực cần 30 năm để trưởng thành... đã đẩy chúng vào nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính, tổng số lượng rùa đã bị diệt tới 95%. Do đó nếu không có biện pháp bảo tồn, có thể trong tương lai gần, những con rùa với mái tóc xanh rong rêu cực ngầu này sẽ biến mất.

Rikki Gumbs, một nhà sinh vật học bò sát ở Zoological Society London (ZSL), cho biết do nạn buôn bán động vật kỳ lạ trong những năm 1960 và 1970, trong đó có loài rùa Mary khiến chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ông nói: "Con rùa mất nhiều thời gian để đạt được sự trưởng thành về giới tính, mất từ 25 đến 30 năm. Khi tính dễ tổn thương của chúng được phát hiện muộn, chúng tôi đã mất cả thế hệ do thương mại vật nuôi và bây giờ số lượng của loài này còn rất ít. Bò sát ít được chú ý bảo tồn hơn so với chim và động vật có vú. Tuy nhiên, danh sách bò sát nguy cấp chỉ ra những sinh vật này thực sự độc đáo, thú vị và dễ tổn thương tới mức nào”.

Hiện rùa sông Mary đứng ở vị trí 29 trong Danh sách Động vật nguy cấp cần được bảo vệ trên toàn cầu. Các danh sách xuất bản trước đó được xếp loại theo động vật lưỡng cư, chim, san hô và động vật có vú, giúp định hướng công tác bảo tồn cho 100 loài có nguy cơ cao nhất. Mỗi loài được chấm điểm dựa theo nguy cơ tuyệt chủng và sự độc đáo về mặt tiến hóa. Đứng đầu danh sách năm nay là loài rùa đầu to Madagascar đang bị săn bắt làm thức ăn và mua bán.

Nguyễn Phương Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/rua-toc-xanh-tho-bang-co-quan-sinh-duc-se-bien-mat-489495/