Rủ nhau xuống núi học chữ

Sáng sớm tiết trời se lạnh, khi các bạn cùng trang lứa vẫn còn say giấc ngủ, trên núi Chứa Chan (thuộc xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), các em học sinh của Trường tiểu học Xuân Trường đã cặp sách chỉnh tề, gọi hò nhau xuống núi để đi tìm 'con chữ'.

Các em nhỏ soi đèn xuống núi đi học. Ảnh: Hải Đình

Các em nhỏ soi đèn xuống núi đi học. Ảnh: Hải Đình

Gia đình các em sinh sống ở những căn nhà sàn đơn sơ cheo leo bên vách núi Chứa Chan. Vào những ngày đi học, cứ 4 giờ 30, khi trời còn tối mịt, sương sớm phủ dày đặc, nhưng những đôi chân nhỏ vẫn xuống các con dốc để đến trường. Việc dậy sớm, đi lại trên núi cao chẳng dễ dàng chút nào, thế nhưng suốt chặng đường đi, tiếng cười nói của các em vẫn líu lo, xen kẽ tiếng gà rừng gáy vang phá tan sự yên ắng giữa đại ngàn.

* Đi học trong màn sương

Bé Hoàng Ngọc (7 tuổi, học lớp 2/2 Trường tiểu học Xuân Trường) đã quen với việc dậy từ rất sớm. Vào những ngày đi học, cứ 4 giờ là em thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi chuẩn bị cặp sách đến trường. “Việc thức dậy sớm đi học đối với con là bình thường. Buổi sáng sớm con xuống núi đi học với các bạn rất đông vui, con không thấy mệt” - Ngọc nói.

Những bậc đá lên núi có thể là thử thách đối với mỗi du khách khi hành hương lên đỉnh núi Chứa Chan, thế nhưng đối với các cô cậu học trò nhỏ nơi đây, từng bậc đá, từng con dốc đã thật trở nên quá quen thuộc. Vì đó là con đường, mỗi ngày 2 lần các em đến trường và trở về nhà. Em Trần Hữu Nghĩa, học sinh lớp 3/6 Trường tiểu học Xuân Trường cho biết: “Tụi con thường rủ nhau đi thành từng nhóm, có mang theo đèn pin. Trên đường đi, tụi con thường kể chuyện hay hát hò cùng nhau nên nhiều khi xuống tới chân núi lúc nào không hay”.

Chị Trịnh Nguyễn Đài Cát Phượng, người dân sinh sống trên núi Chứa Chan cho biết, gia đình chị có 2 con đang học lớp 1 và lớp 3 tại Trường tiểu học Xuân Trường. Do nhà ở xa trường nên những ngày đi học, chị cũng phải tranh thủ dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho các con.

“Đường đến trường của các con xa và lạnh, nếu không ăn sáng no sẽ không đủ sức 1 ngày 2 lần đi và về, nhất là vào chiều tối khi các con đã thấm mệt nhưng vẫn phải leo dốc để về nhà. Đặc biệt vào những tháng mưa gió thì lại càng vất vả hơn, thường các con về đến nhà thì trời cũng nhá nhem tối, quần áo ướt sũng” - chị Phượng chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Tịnh, người dân sinh sống trên núi Chứa Chan cho hay, trong những năm gần đây, đường lên núi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư bậc tam cấp nên người dân và các em học sinh lên xuống không bị trơn trượt. Một số đoạn vắng cũng được đầu tư lắp đèn chiếu sáng để đảm bảo an ninh trật tự cũng như tạo điều kiện đi lại được thuận tiện cho người dân và khách hành hương. Riêng đối với học sinh, để đảm bảo an toàn cho các em đến trường thì phụ huynh thống nhất chia nhau đi cùng các em. Do phải học 2 buổi nên các gia đình sinh sống trên núi Chứa Chan gửi các em ăn uống tại căn tin nhà trường. Đồng thời được Ban giám hiệu nhà trường bố trí chỗ ngủ, nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ca học chiều.

* Đồng hành cùng các em vượt khó

Trường tiểu học Xuân Trường có gần 20 học sinh sinh sống với gia đình trên núi Chứa Chan. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, con đường đến trường của các em cũng đầy hiểm trở, vất vả so với các bạn học đồng trang lứa nhưng không vì thế mà kết quả học tập của các em bị ảnh hưởng.

Chị Trịnh Nguyễn Đài Cát Phượng đang chuẩn bị sách vở cho 2 con xuống núi đi học từ sáng sớm. Ảnh: Hải Đình

Cô Đặng Thị Phương Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2 Trường tiểu học Xuân Trường cho biết, đoạn đường xuống núi vừa xa, vừa khó khăn, vượt qua nhiều con dốc lúc lên, lúc xuống. Đối với người lớn đi còn mệt, huống gì các em học sinh tiểu học thì quả thật quá vất vả. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng các em rất ham học, luôn nỗ lực trong học tập, tiếp thu kiến thức rất nhanh.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Trường cho biết, mặc dù hoàn cảnh đến trường của các em khó khăn nhưng tinh thần học tập rất tốt. Ngay cả khi vào mùa mưa, các em cũng rất ít khi vắng học. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em chỗ nghỉ trưa vào những ngày phải học 2 buổi. Đồng thời, nhà trường luôn có những phần quà để động viên hay tuyên dương dưới cờ để khích lệ tinh thần học tập của các em. Kết quả những năm học qua, nhiều em học sinh sống trên núi Chứa Chan đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.

Để hỗ trợ các học sinh sống trên núi Chứa Chan đến trường, Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan đã miễn phí đi cáp treo cho học sinh có nhà ở gần ga trên của cáp treo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng giảm 50% giá vé cho cha mẹ các học sinh này khi lên xuống núi. Ngoài ra vào những dịp lễ, Tết, đơn vị đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho các em học sinh nơi đây để động viên tinh thần vượt khó đến trường.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình sống lưng chừng núi (không gần ga cáp treo) nên con em của các gia đình này, mỗi ngày vẫn lội bộ 2 lần lên và xuống núi để đến trường.

Ông Cao Thái Phương, có nhiều năm làm nhân viên Ban Quản lý Khu di tích núi Chứa Chan - chùa Gia Lào cho biết, các học sinh sinh sống trên này rất thiệt thòi. Ngoài giờ đến trường, các em không được tham gia các hoạt động ngoại khóa như các em nhỏ dưới đồng bằng mà chỉ quây quần chơi với nhau xung quanh núi. Khó khăn là vậy nhưng các em rất hiếu học, nỗ lực vượt khó để đến trường...

Ông Cao Thái Phương, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích núi Chứa Chan - chùa Gia Lào cho biết, thời gian qua, đã có nhiều thế hệ học sinh trên núi Chứa Chan khôn lớn trưởng thành, trong đó có nhiều em đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Đó cũng là những tấm gương sáng cho các thế hệ đàn em tiếp bước đi lên.

Hải Đình

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/202101/ru-nhau-xuong-nui-hoc-chu-3039358/