RQ-4A Mỹ chạm 'lằn ranh đỏ' gần biên giới Nga!

Xin giới thiệu tiếp bài viết của tờ 'Bình luận quân sự' Nga về việc chiếc RQ-4A Mỹ khi bay đến gần biên giới Nga đã bị mất liên lạc hôm 24/4.

Bài đăng trên báo này và một số báo Nga khác ngày 26/4/2021. Chúng tôi có bổ sung thêm bản đồ bay của chiếc UAV này cũng trên “Bình luận quân sự” để tiện hình dung:

Không quân các nước NATO đã tăng đáng kể số lượng các chuyến bay trinh sát đến sát dọc biên giới Nga.

Sự gia tăng đột ngột tần suất và cường độ hoạt động của các máy bay và máy bay không người lái (UAV) Không quân Mỹ và Anh cũng đã được ghi nhận trên không phận Biển Đen.

Vào thứ Bảy (24/4/2021) vừa qua, một trong những máy bay không người lái của Mỹ khi bay quá gần biên giới Nga đã bất ngờ phát tín hiệu SOS và khẩn cấp rời khỏi khu vực đang bay tuần tiễu.

Không quân Mỹ tiếp tục hỗ trợ trên không cho Quân đội Ukraine bằng cách cho tiến hành các chuyến bay trinh sát tới khu vực xung đột tại Donbas.

Các UAV và máy bay cất cánh từ các căn cứ Châu Âu của Lầu Năm Góc gần như ngày nào cũng bay đến khu vực Biển Đen, và sau đó- vào không phận Ukraine. Các UAV bay trinh sát dọc theo giới tuyến (tuyến tiếp xúc) ở Donbas và thường bay tới sát gần biên giới với Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã chính thức lên tiếng về sự gia tăng cường độ hoạt động của Không quân NATO .

Theo thông tin do Bộ này công bố, chỉ trong tuần qua (từ 19 đến 25/4), đã có tới 52 chiếc máy bay trinh sát và 4 chiếc UAV Không quân NATO thực hiện các chuyến bay do thám gần biên giới Nga.

Để ngăn chặn việc vi phạm biên giới quốc gia Liên bang Nga, Không quân Nga đã lệnh cho các máy bay tiêm kích Nga đã xuất kích hai lần để “chặn” các máy bay nước ngoài.

Thứ Bảy, ngày 24/4, đã có 2 máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Không quân Hoa Kỳ bay vào khu vực Biển Đen và sau đó bay vào không phận Ukraine.

Trong thời gian bay dọc theo tuyến tiếp xúc tại Donbass, một trong số 2 chiếc UAV Mỹ nói trên – chiếc mang số hiệu FORTE-12 đã bất ngờ phát tín hiệu 7600 - "mất liên lạc".

Theo Cơ quan giám sát không phận FlightRadar, sự cố xảy ra khi chiếc máy bay không người lái này bay chỉ cách biên giới với Nga 20 km.

Ngay sau đó, chiếc UAV vòng gấp 180 độ và bay theo hướng ngược lại.

Các trang mạng xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ việc và đưa ra một số giả thuyết về những gì đã xảy ra. Những nguồn tin có uy tín nhất cho rằng chiếc máy bay không người lái trên đã bị hệ thống tác chiến điện tử (Nga) chế áp.

Và đây là quan điểm của chuyên gia quân sự Nga Alexandr Mikhailovsky về vụ việc:

— Một hệ thống tác chiến điện tử nói chung hoạt động như thế nào? Xuất hiện một máy bay không người lái chẳng hạn. Nó nhận tín hiệu trên một dải sóng vô tuyến khá hẹp qua vệ tinh.

Còn các hệ thống tác chiến điện tử khi đó- chúng phải chế áp dải sóng này. Một nhiễu tín hiệu dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến việc máy bay không người lái bay chệch hướng, hoặc thậm chí là mất kiểm soát.

Rất có thể chiếc "Diều hâu toàn cầu" (“Global Hawk”) này đã bay đến biên giới của chúng ta, bị tổ hợp tác chiến điện tử chế áp và do đó đã phải phát đi tín hiệu về việc mất liên lạc.

Nó không bị rơi là nhờ viên sỹ quan điều khiển đã ngay lập tức chuyển sang sử dụng tần số dự phòng, quyết định cho thiết bị bay vòng lại và rời khỏi vùng phủ sóng của các phương tiện tác chiến điện tử.

Và như vậy, một "làn ranh đỏ" như tổng thống Nga mới nói gần đây đã được vạch ra cho Không quân Mỹ. Nếu các vị (người Mỹ) đi quá làn ranh đó – chắc chắn sẽ có vấn đề.

Tôi không muốn bàn tới việc hệ thống tác chiến điện tử cụ thể nào đã tham gia vào việc này, nhưng muốn nhấn mạnh rằng chúng ta (Nga) có rất nhiều những hệ thống như vậy.

Trước đây đã có ai từng vô hiệu hóa được các máy bay không người lái của Mỹ bằng các phương tiện tác chiến điện tử chưa?

Không chỉ một lần, và ở đủ mọi ngóc nghách khác nhau trên thế giới. Chỉ có điều là không phải lúc nào mọi thứ cũng được công bố công khai.

Ví dụ nổi bật nhất – đó là vụ lực lượng Iran “cướp” quyền điều khiển các máy bay không người lái Mỹ. Họ có thể “tóm được” khoảng 5 chiếc theo cách này. Còn 2 chiếc UAV MQ-9 của Mỹ nữa đã bị loại khỏi vòng chiến ở Syria.

Còn có tin đồn rằng hệ thống tác chiến điện tử "Groza-S" của Belarus đã hoạt động ở đó (Syria).

Chúng làm việc theo cùng một nguyên tắc: nếu phát hiện tín hiệu điều khiển máy bay không người lái, chế áp nó. Hoặc là nếu phát hiện tín hiệu định vị từ vệ tinh - triệt tiêu nó, khi đó chiếc UAV sẽ mất định hướng trong không gian và bị rơi.

Chính vì vậy, người Mỹ nên làm quen với một thực tế là việc điều các máy bay không người lái của mình đến biên giới của chúng ta (Nga), xin lỗi, đó không phải là một chuyến đến thăm mẹ vợ để cùng thưởng thức bánh rán.

Một “chuyến thăm” như vậy có thể kết thúc bằng việc họ mất máy bay.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/rq-4a-my-cham-lan-ranh-do-gan-bien-gioi-nga-3431298/