Rothschild - Gia tộc giàu có và bí ẩn nhất thế giới

Gia tộc rothschild thực chất giàu đến mức nào? Câu hỏi này đến nay vẫn là một bí mật đối với các chuyên gia, nhà quan sát, do sự bí ẩn của gia tộc này. Bởi từ lâu họ đã giấu mình hết sức kín đáo bằng cách khống chế chặt chẽ giới truyền thông. Có người đưa ra con số ước lượng từ những tài sản nhìn thấy được của dòng họ này vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Chiến thuật con sói giữa bầy cừu

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào nửa đầu thế kỷ 19, gia tộc Rothschild được dẫn dắt bởi Nathan Mayer Rothschild đã tạo nên một đế chế tài chính – ngân hàng giàu có và hùng mạnh nhất châu Âu thời kỳ đó. Khi họ lên đến đỉnh cao danh vọng, người ta cho rằng gia đình Rothschild đã sử hữu một khối tài sản lớn nhất thế giới khi đó nói riêng và trong toàn bộ lịch sử thế giới hiện đại nói chung.

Gia tộc Rothschild. (Ảnh Luxury Insider)

Gia tộc Rothschild. (Ảnh Luxury Insider)

Theo một truyền thuyết lâu đời, gia tộc tài chính Rothschild đã giàu lên nhanh chóng nhờ phỏng đoán chính xác về tác động của kết quả trận chiến Waterloo tới biến động giá của Trái phiếu do Chính phủ Anh phát hành. Nathan Mayer Rothschild là con thứ ba và cũng là người có năng lực nhất trong số 5 người con trai của Mayer Amschel Rothschild.

Năm 1778 chỉ mới 21 tuổi, từ Frankfurt ông được phái sang Anh quốc để gây dựng nền tảng và mở rộng hệ thống ngân hàng của gia tộc Rothschild. Nathan là một nhà kinh doanh ngân hàng quyết đoán,sâu sắc. Dựa vào khả năng thiên phú đáng kinh ngạc về tiền tệ cùng với những biện pháp nghiệp vụ cực kỳ cao tay, vào năm 1815, ông đã trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Luân Đôn.

Cùng thời gian đó, anh cả của Nathan là Amushiluo quản lý chi nhánh chính của ngân hàng gia tộc Rothschild tại Frankfurt (ngân hàng M.A.Rothschild and Sons), anh thứ hai Salomon Mayer Rothschild thành lập một chi nhánh ngân hàng của gia tộc tại thủ đô Vienna của Áo (ngân hàng S.M.Rothschild and Sons), người em thứ tư Calmann Mayer Rothschild cũng thành lập một chi nhánh ngân hàng khác của gia tộc tại Napoli-Italia, và người em út James Mayer Rothschild cũng có ngân hàng của riêng mình tại thủ đô Paris - Pháp (ngân hàng Messieurs Rothschild Freres).

Hệ thống ngân hàng của gia tộc Rothschild là tập đoàn ngân hàng quốc tế đầu tiên trên thế giới. Vào năm 1815, năm anh em nhà Rothschild đã lên kế hoạch để thu được lợi nhuận tối đa từ cuộc chiến tranh khốc liệt đang diễn ra. Đây là cuộc chiến tranh có liên quan mật thiết tới vận mệnh và tương lai của toàn châu Âu. Nếu Napoléon Bonaparte giành được thắng lợi cuối cùng, nước Pháp chắc chắn sẽ trở thành chủ nhân của lục địa châu Âu.

Còn nếu như Công tướcWellington đánh tan được quân đội Pháp, khi đó Anh quốc sẽ thành quốc gia thống trị châu Âu. Ở nước Anh, trong khi người anh là Nathan xuất tiền cho quận công Wellington vay để trang bị cho đội quân của mình thì ở Pháp, Napoléon lại đang điều đình vay tiền người em là James để bổ sung quân lực.

Trước khi cuộc chiến này nổ ra, với một tầm nhìn xa, gia tộc Rothschild đã thành lập hệ thống thu thập tin tức tình báo chiến lược và hệ thống truyền tin nhanh chóng của riêng mình. Một mạng lưới gián điệp tình báo chiến lược mang tên "những chàng trai" được thiết lập.

"Những chàng trai" này được phái đi cắm chốt tại khắp các thủ đô, các thành phố, các trung tâm giao dịch và thương mại châu Âu. Các thông tin tình báo về thương mại, chính trị..., liên tục chuyển qua lại như con thoi giữa Luân Đôn, Paris, Frankfurt, Vienne và Napoli.

Tính chính xác, tốc độ thông tin nhanh và hiệu suất công việc của hệ thống tình báo này vượt xa mọi hệ thống tình báo của các chính phủ. Tất cả những điều này làm cho gia tộc Rothschild luôn ở thế thượng phong trong cạnh tranh quốc tế.

Ngày 18/6/1815, trận chiến Waterloo bùng nổ tại vùng ngoại ô Brussels nước Bỉ. Tại thị trường cổ phiếu Luân Đôn bầu không khí căng thẳng đã lên đến cực điểm, những người có mặt đều đang nôn nóng chờ đợi kết cục cuối cùng của trận chiến Waterloo. Nếu Anh quốc thất bại, giá công trái Anh quốc sẽ rớt xuống vực thẳm, ngược lại, nếu Anh quốc thắng lợi, giá công trái Anh quốc sẽ lên tận mây xanh.

Trong khi hai đội quân đang quyết chiến sinh tử thì các gián điệp của ngân hàng Rothschild cũng hết sức khẩn trương thu thập những tin tức tình báo chính xác nhất về diễn tiến của cuộc chiến từ ngay tại thực địa.

Đến chiều tối 18/6, trên chiến trường cục diện thất bại đã nghiêng hẳn về phía Napoléon Bonaparte, Rothworth điệp viên phụ trách thu thập tin tức của ngân hàng Rothschild sau khi tận mắt chứng kiến, đã lập tức lên ngựa phi nước đại về Brussels, rồi di chuyển tiếp về cảng Ardrian van Ostade. Khi Rothworth đến được bến cảng với giấy phép thông hành đặc biệt của ngân hàng Rothschild thì đã là nửa đêm. Lúc này eo biển Anh quốc đang có bão lớn, mọi tàu bè đều không dám nhổ neo.

Đem về món lợi kếch xù

Với món tiền 2.000 franc lộ phí, cuối cùng Rothworth cũng thuyết phục được một con tầu ra khơi giúp anh ta vượt biển trở về Anh ngay trong đêm. Sáng sớm ngày 19/6, khi Rothworth đặt chân lên bến cảng Foxton nước Anh thì Nathan Mayer Rothschild đã đích thân đợi ông ở đó.

Sau khi xem lướt thông tin tình báo về tình hình chiến trận, Nathan cưỡi ngựa phi thẳng về Sở giao dịch cổ phiếu Luân Đôn. Ngay khi Nathan Mayer Rothschild bước chân vào Sở giao dịch cổ phiếu, đám đông đang nôn nóng và kích động ở đó lập tức im lặng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào gương mặt lạnh lùng không một chút biểu cảm của ông.

Lúc này, Nathan từ tốn đi tới vị trí dành riêng cho ngân hàng Rothschild, ngồi lạnh lùng như một bức tượng đá. Phòng giao dịch hoàn toàn mất đi không khí sôi động thường ngày, mỗi người đều dõi theo ánh mắt của Nathan Mayer Rothschild. Có ai đó cất tiếng thì thầm: "Ngân hàng Rothschild đã biết từ trước! Quận công đã thất bại!". Tất cả những người có mặt giật nảy người như bị điện giật và lập tức xô đến quầy giao dịch, bắt đầu bán tháo công trái Anh quốc.

Cả phòng giao dịch lập tức hỗn loạn. Một lượng công trái Anh quốc tương ứng với tổng tài sản trị giá hàng trăm ngàn USD bị bán tháo ra thị trường vơísố lượng lớn, giá công trái liên tục bị phá giá và xuống mức thấp kỷ lục…

Sau vài giờ cổ phiếu Anh quốc đã trở thành một đống rác, giá trị cổ phiếu chỉ còn lại 5% so với mức ban đầu. Đến lúc đó theo một hiệu lệnh bí mật của Nathan, các nhân viên của ngân hàng Rothschild lập tức lao về các quầy giao dịch của mình, bắt đầu chiến dịch thâu tóm toàn bộ thị trường trái phiếu chính phủ Anh.

11h đêm 21/6, thông điệp của Công tước xứ Wellington cuối cùng cũng đã về tới được Luân Đôn, tin chính thức đó là: đại quân của Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại hoàn toàn, nước Pháp thảm bại sau 8 giờ đồng hồ giao tranh quyết liệt với một tổn thất hếtsức nặng nề, mất một phần ba quân số.

Thông tin này đến chậm hơn thông tin của Nathan Mayer Rothschild đúng một ngày! Trong khoảng thời gian một ngày này, Nathan đã tăng số tài sản lên 20 lần, vượt qua cả tổng số tài sản mà cả nước Pháp và nước Anh kiếm được trong hơn 10 năm chiến tranh.

Trận chiến Waterloo đã làm cho Nathan Mayer Rothschild một bước trở thành người chủ nợ lớn nhất của chính phủ Anh quốc. Khi người của gia tộc Rothschild đã nắm được trong tay số lượng áp đảo công trái Anh quốc, thì trên thực tế họ đang khống chế giá cả của công trái và khống chế được lượng cung cấp tiền tệ của Anh quốc, toàn quyền thao túng ngân hàng Anh quốc, có thể nói động mạch chính của nền kinh tế Anh quốc đã rơi vào trong tay gia tộc Rothschild.

Thành Long

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/rothschild--gia-toc-giau-co-va-bi-an-nhat-the-gioi-d102207.html