Rốt ráo giải phóng mặt bằng làm cao tốc Bắc - Nam

Hàng loạt địa phương đang khẩn trương triển khai công tác đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam để bàn giao cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ xem trích lục diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam

Người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ xem trích lục diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam

Trong đó, phần đất nông nghiệp chiếm đến 90% diện tích công trình trọng điểm này sẽ phải thu hồi xong trong năm 2019 để đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam vào năm 2021.

Các tỉnh miền Trung gấp rút đền bù, thu hồi đất

Chiều 2/12, PV Báo Giao thông có mặt tại xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến cuộc họp bàn giữa chính quyền xã với khoảng 20 hộ dân thôn Vĩnh Phúc có đất nông nghiệp nhỏ lẻ nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ông Hoàng Xuân Quang, Trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết, toàn thôn có 75 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Quang, kể từ khi có thông tin cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua địa phương, người dân đều đồng tình và chấp hành nghiêm các kế hoạch, phương án đền bù và thu hồi đất nông nghiệp của hội đồng bồi thường GPMB huyện.

Cách đó không xa, tại thôn Vĩnh Đại, xã Đức Vĩnh, công tác đền bù GPMB đất nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành. Ông Trần Văn Thi, Trưởng thôn Vĩnh Đại cho biết, toàn thôn có 22 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ dự án cao tốc. “Hiện cả 22 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi đều đồng tình bàn giao. Hầu hết các hộ đã nhận tiền đền bù, duy chỉ còn một vài hộ do chưa xác định được chủ sở hữu nên xã phải làm việc lại. Các hộ cũng đã thống nhất và đang chờ nhận đền bù đợt hai”, ông Thi nói.

Ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện cho biết, toàn huyện có 486 hộ dân với diện tích khoảng 27,5ha đất nông nghiệp nằm trong diện ảnh hưởng phải đền bù, GPMB cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay, công tác đo đạc kiểm đếm đất nông nghiệp, việc niêm yết thông tin đền bù cho người dân đã hoàn thành.

“Tính đến ngày 2/12, chúng tôi đã chi trả tiền đền bù cho 241 hộ, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Hội đồng đền bù GPMB của huyện đang phối hợp với chính quyền các xã khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để sớm chi trả tiền đền bù cho những hộ còn lại, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2019”, ông Trung khẳng định.

Tại Nghệ An, công tác triển khai đền bù GPMB hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt cũng diễn ra khẩn trương. Ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT Nghệ An, Thường trực Ban chỉ đạo GPMB tỉnh Nghệ An cho biết: “Tổng kinh phí GPMB 2 dự án cao tốc qua Nghệ An dự kiến là 2.700 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT đã chuyển cho địa phương 660 tỷ đồng để thực hiện bồi thường GPMB phần diện tích đất nông nghiệp”.

Tính đến ngày 1/12, 6 huyện thị có dự án đi qua đã thực hiện phê duyệt phương án, chi trả bồi thường 195/660 tỷ đồng và thực hiện niêm yết công khai phương án bồi thường 305 tỷ đồng, số còn lại các địa phương đang tập trung lập phương án bồi thường. “Dự kiến, đến ngày 31/12, các địa phương sẽ hoàn thành việc chi trả tiền và bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp nằm trên phạm vi hai dự án cao tốc”, ông An nói.

Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh này cho biết, hiện công tác lập, thẩm định, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp đối với 4.656/6.466 hộ đạt 72%. Bên cạnh đó, đã ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 2.569/6.466 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, đạt 39,7%.

“Đối với diện tích đất nông nghiệp nằm trong dự án, cơ bản không vướng, các hộ đều chấp hành nhận tiền đền bù. Thanh Hóa vẫn đảm bảo tiến độ GPMB và sẽ hoàn thành trong tháng 4/2020”, ông Trung cho biết thêm.

Tính đến nay, Thanh Hóa đã chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư phần đất nông nghiệp, lâm nghiệp là 147,47/ 819 tỷ đồng vốn đã bố trí đạt 18%.

Các tỉnh phía Nam sắp hoàn thành

Khu vực phía Nam, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trải dài qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng đang được chính quyền địa phương rốt ráo triển khai công tác đền bù, thu hồi đất. Ông Phạm Trọng Hùng, PGĐ Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết trong tháng 10, tỉnh đã phê duyệt phương án giá đất cụ thể để bồi thường của 5 huyện có tuyến cao tốc đi qua.

Để phục vụ dự án, tỉnh có 2 huyện có nhu cầu xây dựng 2 khu tái định cư ở huyện Ninh Sơn và Thuận Nam với khoảng 52 hộ. Đến nay, các huyện đã ban hành quyết định chi trả bồi thường theo khung chính sách bồi thường và đẩy nhanh công tác giải ngân dự án. “Dự kiến, đến ngày 10/12, các huyện sẽ chi trả xong tiền bồi thường cho người dân, đảm bảo hoàn thành tiến độ thu hồi đất nông nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Hùng nói.

Tại tỉnh Bình Thuận, địa phương có 3 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam đi qua gồm: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với khối lượng đền bù rất lớn. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến cuối tháng 11/2019, công tác bàn giao mặt bằng đã cơ bản hoàn thành và đang chờ vốn bổ sung để chi trả cho các hộ dân, tổ chức… bị ảnh hưởng bởi dự án.

“Đến cuối tháng 11, toàn tỉnh đã chi trả tiền bồi thường được 1.550/2.676 hồ sơ (đạt 57,9%), diện tích đất các huyện đã nhận bàn giao 705/1.216ha (đạt 58%) diện tích GPMB dự án, đã khởi công xây dựng 4/5 khu tái định cư. Đến nay, công tác bồi thường, GPMB và tái định cư đạt kết quả tốt, Bình Thuận là tỉnh được Bộ GTVT đánh giá cao, là tỉnh hoàn thành khối lượng lớn nhất và tiến hành nhanh nhất trong các tỉnh có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua”, ông Trung chia sẻ.

Phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019

Liên quan đến tiến độ GPMB tổng thể của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, hiện nay, 11/11 dự án đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm để lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB. Trong đó, các dự án: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm; khảo sát, thiết kế các khu tái định cư.

“Riêng dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 11/15,2km đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Dự án Cam Lộ - La Sơn, địa phương cũng đã bàn giao mặt bằng được 46,9/98,3km”, ông Thành nói và cho biết, năm 2019, Bộ GTVT đã cấp 4.118 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện công tác đền bù GPMB. Hiện nay, các địa phương đã giải ngân được 1.430 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói: “Tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân công tác GPMB tại các địa phương về cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Riêng tỉnh Bình Thuận công tác triển khai các thủ tục xây dựng khu tái định cư nhanh so với các địa phương khác và có khả năng thực hiện giải ngân cho GPMB lớn hơn phần vốn đã bố trí”.Theo Thứ trưởng, để các dự án cao tốc Bắc - Nam cơ bản hoàn thành vào năm 2021, công tác GPMB đất nông nghiệp (chiếm 90% tổng diện tích GPMB) phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019. Khối lượng 10% phần diện tích mặt bằng còn lại, các địa phương cũng phải tích cực triển khai di dời và hoàn thành trong năm 2020.

Thừa Thiên - Huế:
Bàn giao hơn 52km mặt bằng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Đối với dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế (dài 98,35km), hiện nay, các địa phương liên quan của 2 tỉnh đang tập trung thực hiện công tác GPMB, tháo gỡ vướng mắc các đoạn còn lại.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đối với diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã cơ bản thực thu hồi xong, hiện chỉ còn một số vướng mắc liên quan đến đất ở kèm theo tài sản trên đất. Ngày 3/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương tiếp tục có buổi làm việc với Sở GTVT và các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc này.

Tính đến nay, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh 21,9km. Dự kiến, đến ngày 15/12, sẽ bàn giao thêm 16km đối với các đoạn bố trí TĐC xen ghép. Đến 30/12/2019, sẽ bàn giao thêm 13,6km (5,5km tại Phong Điền, 8,1km tại Hương Thủy).

“Tổng số mặt bằng bàn giao đến cuối tháng 12/2019 là 52,5/62,5km (đạt 84%), còn lại 10km chủ yếu các đoạn có dân cư và liên quan đến công tác TĐC, sẽ bàn giao mặt bằng đoạn còn lại này trong tháng 1 và tháng 2/2020”, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay.

Đối với tiến độ giải ngân công tác GPMB, kế hoạch giải ngân tổng cộng là 343,5 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 153,678 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân tháng 12/2019 là 96,04 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/12/2019 là 249,7 tỷ đồng.

D.Lợi

Nhóm P.V

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/rot-rao-giai-phong-mat-bang-lam-cao-toc-bac-nam-d444202.html