Roscosmos khai tử Soyuz-FG sau thất bại phóng lên Trạm ISS

Sau vụ thất bại đưa tàu vũ trụ Soyuz MS-10 lên Trạm Vũ trụ ISS, tên lửa đẩy Soyuz-FG sẽ bị khai tử.

Ngày 12/11, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho biết, cơ quan này sẽ ngừng sử dụng tên lửa đẩy Soyuz-FG sau sự cố xảy ra hồi tháng trước với tàu vũ trụ Soyuz MS-10.

Nga sẽ khai tử tên lửa đẩy Soyuz-FG vào năm 2019.

Cụ thể, tới cuối năm 2019, Roscosmos sẽ kết thúc việc sử dụng tên lửa đẩy Soyuz-FG.

"Kể từ tháng 1/2020, Soyuz MS sẽ bay vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Soyuz-2.1.aRN" - ông Dmitry Rogozin viết trên Twitter.

Tên lửa đẩy Soyuz-FG được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2001. Tờ Pravda đặt nghi vấn, tên lửa đẩy này bị khai tử do sự cố xảy ra hôm 11/10 khi đưa tàu vũ trụ Soyuz MS-10 lên Trạm ISS không thành công.

Kết quả điều tra cho thấy, bộ tăng cường của tên lửa đẩy này có vấn đề. Nếu tiếp tục sử dụng tên lửa Soyuz-FG, nhà sản xuất các bộ tăng cường sẽ phải nhập khẩu linh kiện từ Ukraine.

Các thiết bị không gian của Roscosmos lâu nay được các Cơ quan Không gian Mỹ và châu Âu ca ngợi là "đáng tin cậy nhất thế giới". Ngay cả sự cố hôm 11/10 khiến tàu Soyuz MS-10 không thể bay lên Trạm ISS, những người đứng đầu NASA hay Eurospace vẫn ca ngợi những công trình khoa học của Nga.

Sự cố của Soyuz-FG đã ảnh hưởng đến uy tín của Nga trong ngành vũ trụ có người lái.

Tên lửa đẩy Soyuz-FG được chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov ví von với câu thành ngữ: "Ngựa già không phá hỏng luống cày" để nói đến sự tín nhiệm của nó.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tên lửa này đã được phóng thành công 64 lần. Đến lần thứ 65 thì gặp nạn.

Chúng được thiết kế chế tạo từ mẫu của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7 bởi chi nhánh của Phòng thiết kế OKB-1 mang tên X.P. Korolev (nay là Phòng thiết kế trung ương “Progress”).

Những phiên bản tên lửa đẩy sử dụng cho các chuyến bay có người lái là Soyuz, Soyuz-U (hiện cả hai đã “nghỉ hưu”) và tên lửa đang khai thác là Soyuz-FG.

Lần phóng tên lửa đẩy Soyuz đầu tiên được thực hiện năm 1966. 3 phiên bản tên lửa Soyuz trên đã được phóng để mang các tàu hàng, tàu vũ trụ có người lái, hàng thương mại tổng cộng 940 lần. Chỉ có 24 lần phóng không thành công, và bây giờ- 25. Nhưng duy nhất chỉ có 2 lần xảy ra với các tàu vũ trụ có người lái.

Soyuz-FG đã hoàn thành 64 nhiệm vụ, đến lần 65 thì thất bại.

Sự cố đầu tiên xảy ra ngày 5/4/1975, khi đó tên lửa đẩy “Soyuz” mang tàu vũ trụ “Soyuz-18A” chở các phi hành gia Vasili Lazarev và Oleg Makarov.

Hệ thống thiết bị trên tầng ba ngừng hoạt động và hệ thống tự động kích hoạt thiết bị cứu nạn khẩn cấp.

Sau khi thiết bị cứu nạn tách khỏi tên lửa, các phi hành gia phải chịu lực quá tải đến 20G và tiếp đất không xa làng Gorno-Altaisk. Độ quá tải quá lớn nên hai phi hành gia nói trên đã phải điều trị tại bệnh viện trong một thời gian rất dài.

Sự cố lần thứ 2 là ngày 11/10/2018 vừa qua, khi tên lửa đẩy Soyuz-FG mang tàu vũ trụ Soyuz MS-10 chở phi hành gia Nga Aleksey Ovchinhin và Phi hành gia Mỹ Nick Hague lên Trạm ISS.

Nguyên nhân tai nạn do một cảm biến gắn trên 4 tên lửa đẩy bị hỏng khiến sự tách rời các tầng bị biến dạng (uốn cong 6 độ) trong quá trình lắp ráp tên lửa tại sân bay vũ trụ Baikonur.

Cảm biến nhằm kích hoạt van LOX để rút tên lửa trên đỉnh của bộ tăng cường - cho phép chúng thoát ra khỏi khối trung tâm. Nhưng cảm biến này bị lỗi khiến tên lửa không đủ tiêu chuẩn, va vào bình nhiên liệu ở tầng hai trong khối trung tâm của tên lửa và phát nổ.

May mắn là hai nhà du hành vũ trụ người Nga và người Mỹ đã thoát ra an toàn bởi hệ thống khẩn cấp trên tàu Soyuz MS-10.

Clip camera trên tàu Soyuz MS-10 cho thấy lỗi từ tên lửa đẩy Soyuz-FG:

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/roscosmos-khai-tu-soyuz-fg-sau-that-bai-phong-len-tram-iss-3369078/