Rồng- Phượng trên bảo vật triều Nguyễn

VH- Là chủ đề của triển lãm được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai mạc vào hôm nay (7.9).

Rồng – Phượng trên bảo vật triều Nguyễn

Lần đầu tiên, người dân và du khách đến tham quan di sản Huế sẽ được chiêm ngưỡng những báu vật vô giá không chỉ chứa đựng những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của một thời đại mà còn phản ánh tài năng và sự sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam trong việc chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dưới thời quân chủ.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, ở thời Nguyễn, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng nay vẫn bảo tồn được vô số, trên nhiều chất liệu khác nhau, như trên chất vàng bạc, đồ đồng, đá, đồ gỗ, hay sơn mài, sơn thếp vàng bạc, ngọc, ngà, xương, đồ pháp lam, đồ gốm sứ, đồ dệt, thêu... Trong đó, nổi bật và quý hiếm chính là trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo trên những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng: uốn khúc tư thế chầu, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa… Trên đồ đồng là hình ảnh rồng khắc trên Cao đỉnh trước tòa Thế Miếu trong Hoàng thành Huế, có hình tượng “phi long tại thiên” (rồng bay giữa trời) với khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây lành, thân rồng lẫn vào mây, chỉ lộ rõ đầu, đuôi và bàn chân với 5 móng vuốt; hay trước nhà hát cổ Duyệt Thị Đường cũng có đôi rồng điêu khắc bằng đồng rất đẹp…

Triển lãm “Rồng- Phượng trên bảo vật triều Nguyễn” sẽ trưng bày và giới thiệu đến công chúng hơn 80 hiện vật, là những vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, lễnghi cung đình triều Nguyễn, được làm từ các chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi… Trong đó, các bảo vật này được chia thành 4 nhóm, gồm: hiện vật biểu trưng quyền lực với các kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách, thẻ bài, mũ miện, hốt ngọc…; đồ thờ tự và nghi lễ như: đài thờ, đỉnh trầm, quả bồng, lục bình, chân đèn…; văn phòng tứ bảo, gồm: nghiên mực, quản bút, thủy trì, hộp son, gác bút, chặn giấy…; và đồ sinh hoạt là bát, đĩa, muôi, thìa, đồ ăn trầu, đồ uống trà, đồ uống rượu, quả hộp, quán tẩy, lồng ấp…

Triển lãm sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, kéo dài đến hết ngày 5.12. Cũng trong dịp này, ấn phẩm Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn cũng được ra mắt độc giả. Đây là cuốn sách ảnh có chất lượng cao, cung cấp những hình ảnh và thông tin về các hiện vật được giới thiệu tại triển lãm. Sách in 5 màu, khổ 26,5 cm x 29 cm, 154 trang.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/rong-phuong-tren-bao-vat-trieu-nguyen-1