Rộng mở chân trời sáng tạo

'Khi Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, văn hóa giữa các vùng đất giao thoa, mở ra những chân trời sáng tạo mới cho văn nghệ sĩ', Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm khẳng định như vậy. Và thời gian gần đây, chúng ta nhận thấy rõ sự chuyển mình của văn học, nghệ thuật Thủ đô, không chỉ ở trong những tác phẩm mà còn ở mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ.

Điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” được biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Chung một mái nhà

Không ít người đặt câu hỏi: Khi Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, các vùng văn hóa lân cận có bị tổn hại, phai nhạt bản sắc? Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, khẳng định: “Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời, đó là văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài, còn thêm cả một phần văn hóa Sơn Nam Thượng. Chính những văn nghệ sĩ trí thức, nghệ nhân đã góp phần làm cho các vùng văn hóa của Thủ đô gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh, hợp tác, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình thông qua các tác phẩm mới và sự giao lưu, trao đổi nghề nghiệp”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chuốt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Tản Viên Sơn (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội) nhận định, công cuộc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đưa lại cho giới văn nghệ sĩ nhiều lợi ích. Hà Nội vốn là nơi tụ hội các tên tuổi lớn của văn học, nghệ thuật. Khi được sinh hoạt chung dưới một mái nhà, các văn nghệ sĩ được gần gũi với những “vì tinh tú” của Thủ đô, đồng thời được tiếp cận với nhiều phương pháp sáng tạo tiên tiến để học tập và vận dụng vào sáng tác. Phạm vi hoạt động của các văn nghệ sĩ lúc này được rộng mở hơn, vì vậy chất liệu sáng tác cũng phong phú hơn.

Dưới góc nhìn của người quản lý trong gần 10 năm qua, nhà thơ Bằng Việt chia sẻ, giới văn học, nghệ thuật Hà Nội đã rất vui mừng vì có thêm nhiều văn nghệ sĩ tề tựu dưới một mái nhà. Thời gian qua, có nhiều cuộc giao lưu, trao đổi giữa các văn nghệ sĩ đã được tổ chức để đẩy mạnh chất lượng sáng tác, đưa văn học, nghệ thuật Thủ đô lên tầm cao mới. Lý giải về sự hòa hợp nhanh chóng của giới văn nghệ sĩ Thủ đô, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: "Hà Nội là nơi chưng cất tinh hoa của cả nước. Cách chưng cất ấy là giúp mỗi người tụ hội về đây giữ gìn được bản sắc riêng của mình trong thế vận động và phát triển. Bản thân văn nghệ sĩ luôn ưa tìm cái mới, mà sự điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô với những chuyển động trên mọi lĩnh vực càng khiến văn nghệ sĩ hăm hở sáng tạo...".

Bước tiến của văn học, nghệ thuật

Nhìn lại thời điểm trước khi Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, có thể thấy, những sáng tác văn học, nghệ thuật của Hà Nội thường đào sâu đề tài phố phường với tác động của công cuộc đổi mới, hội nhập. Văn nghệ sĩ Xứ Đoài khi ấy miết mải với những làng quê, làng nghề truyền thống, với phong cảnh núi non mây trắng… Họ cũng có những sáng tác về mảnh đất của nhau và các vùng đất khác, nhưng không phải bằng con mắt “người nhà”. Song một thập kỷ qua, đời sống văn học, nghệ thuật Thủ đô có những bước chuyển đáng ghi nhận.

Ở lĩnh vực văn học, các “cây bút” có cơ hội tìm hiểu kỹ về lịch sử và cội nguồn, đi sâu hơn vào đời sống nông thôn trong bước đầu đô thị hóa nên thơ văn đằm thắm, tươi tắn hơn. Ví như nhà thơ Hoàng Gia Cương đã thốt lên đầy vui vẻ trong bài “Kẻ Mía”: “Xứ Đoài cổ nay hợp về Hà Nội/Đường Lâm thành danh thắng đất Thăng Long/Đá ong đỏ lên màu sắc mới/Đường làng quê hội khách tự muôn phương”. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Văn cũng đã có những vần thơ xúc động trong bài “Về lại Sơn Tây” khi thấy vùng đất này đổi thay từng ngày…

Những buổi sinh hoạt vào ngày 15 hằng tháng của Hội Âm nhạc Hà Nội liên tục giới thiệu tác phẩm mới của nhiều nhạc sĩ kỳ cựu như Ngô Quốc Tính, Nguyễn Tài Tuệ, Trương Ngọc Ninh, Lê Mây, Đinh Quang Hợp, Lê Minh Sơn… về Hà Nội và các vùng đất Đan Phượng, Sơn Tây, Thanh Oai… Nhiều tác phẩm trong đó được đưa lên sân khấu biểu diễn, dần trở nên quen thuộc với công chúng.

Ở lĩnh vực sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc kể rằng, khi những nghệ sĩ chèo, kịch của Xứ Đoài hợp chung với nghệ sĩ Hà Nội trong cùng một nhà hát, ai cũng vui vì được tạo điều kiện đưa những tác phẩm của mình lên sân khấu lớn, đến với nhiều đối tượng khán giả. Mỹ thuật Thủ đô 10 năm qua cũng có thêm những tác phẩm với đề tài đa dạng, phong phú hơn. Hoạt động của các nghệ sĩ cũng dần được mở rộng, nâng cao khi có cơ hội được giao lưu, hợp tác với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh càng hăng say với những chuyến thực tế sáng tác. Hình ảnh Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên được phản ánh sắc nét, độc đáo, đưa nhiều tác giả đến những giải thưởng quốc tế uy tín.

Văn nghệ dân gian và múa của Hà Nội cũng được chú trọng gìn giữ vốn truyền thống. Những loại hình nghệ thuật dân gian như hát dô Liệp Tuyết, hát chèo tàu Tân Hội, múa rối nước Thạch Xá và các điệu múa cổ như múa sư tử Đa Sỹ, múa rồng Mậu Lương, múa sênh tiền làng Sốm, múa chuông người Dao Ba Vì, … có cơ hội đến rộng rãi với công chúng qua các chương trình nghệ thuật lớn.

Những kết quả ấy cho thấy rõ chuyển động tích cực của văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm qua. Tuy chưa có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhưng sự đoàn kết, biết phát huy thế mạnh, biết âu lo cho những giá trị còn mất, biết vun đắp, dựng xây những giá trị mới của các văn nghệ sĩ Thủ đô hôm nay hứa hẹn những mùa bội thu.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/914355/rong-mo-chan-troi-sang-tao