'Rồng lửa' S-300 trước nguy cơ bị Syria vùi dập không thương tiếc

Dù có trong tay một trong những hệ thống phòng thủ mạnh nhất thế giới là S-300, tuy nhiên có vẻ như quân đội Syria không thể khai thác được loại vũ khí này.

Dù có trong tay hệ thống tên lửa đánh chặn S-300PM nhưng Quân đội chính phủ Syria vẫn để cho không quân Israel liên tiếp không kích.

Cuộc không kích vào rạng sáng 12-1 của không quân Israel đã đánh phá những mục tiêu quan trọng tại thủ đô Damascus.

Nga quyết định chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria sau sự cố Israel cài bẫy khiến chiếc IL-20 của nước này bị Syria bắn nhầm. Động thái này khiến giới quan sát sôi sục và chờ đợi lần đầu tiên "rồng lửa" S-300 sẽ thị uy sức mạnh.

Chiến trường ác liệt như Syria đã chứng kiến lần đầu thực chiến của nhiều loại vũ khí hiện đại, và người ta hy vọng S-300 cũng thế.

Tuy nhiên có vẻ như S-300 vẫn chưa sẵn sàng để "khạc lửa" tiêu diệt đối phương. Mọi thông số quảng bá của S-300 vẫn chỉ nằm trên giấy và chưa được kiểm chứng thực tế.

Trước đó khi nói về sức mạnh của S-300 được Nga chuyển giao, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho rằng chỉ vũ khí này cũng đủ đối phó với Israel.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Muallem đưa ra trong cuộc trả lời trước truyền thông quốc tế: "Đây là một hệ thống mang tính phòng thủ. S-300 sẽ được sử dụng để bảo vệ không phận Syria"

"Nếu nhìn vào tầm quan trọng của việc tự vệ, sự hiện diện của các hệ thống S-300 tại Syria sẽ mang đến an ninh và ổn định chứ không phải căng thẳng và chiến tranh. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng đây là một bước đi kịp thời và Syria rất biết ơn những nỗ lực từ phía Nga", ông nhấn mạnh.

Ông Muallem cũng nhấn mạnh rằng các hệ thống S-300 mới được chuyển giao đủ khả năng để đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào từ Israel.

"Trong bất kỳ trường hợp nào, S-300 đều đủ khả năng để đối phó với Tel Aviv", ông Muallem nói và cho biết thêm rằng, S-300 còn đủ sức đánh bại cả tên lửa hành trình Tomahawk.

Trong khi đó Tel-Aviv tuyên bố rằng các tổ hợp này không thể phá vỡ được ưu thế của Không quân Isarel trên bầu trời Syria.

Theo ý kiến của các đại diện Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), những tổ hợp tên lửa S-300 không hạn chế được những khả năng tác chiến của Không quân Isarel.

Ngoài ra, Quân đội Syria phải mất vài tháng để tích hợp các tổ hợp phòng không mới này vào trong hệ thống phòng không của mình.

Và quả thực cho dù vài tháng đã trôi qua sau khi nhận S-300 và các chuyên gia huấn luyện tên lửa đến từ Nga đã về nước, nhưng quân đội Syria vẫn đang gặp khó khăn trong việc vận hành S-300.

Có ý kiến cho rằng, Syria không muốn dùng S-300 để bắn cháy chiến đấu cơ Israel để tránh leo thang xung đột.

Tuy nhiên một số ý kiến khác đã phản bác rằng, Syria đã từng cho S-200 bắn cháy tiêm kích F-16 Israel, vì thế không có lẽ gì họ lại sợ không dám bắn vào chiến đấu cơ của người Do Thái.

Việc quân đội Syria tỏ ra yếu kém trong việc vận hành các tổ hợp vũ khí hiện đại không phải là chuyện hiếm. Từng xuất hiện trường hợp lính Syria trên tổ hợp Pantsir-S1 lơ là cảnh giới khiến hệ thống này bị phá hủy.

Trong một số trường hợp khác, lính tăng Syria còn không thực hiện đúng kỹ thuật tác chiến trên xe tăng T-90, điều này đã vô tình làm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ chủ động, dẫn tới xe tăng bị bắn cháy.

Vì vậy giới quan sát nghi ngại về danh tiếng S-300 có thể bị binh sĩ Syria phá hủy.

Trong trường hợp triển khai và đánh hụt chiến đấu cơ Israel, khả năng tổ hợp S-300 bị không quân Israel phát hiện và phá hủy sẽ rất cao.

Nếu Israel phóng tên lửa phá hủy S-300 thì đây không chỉ là thảm họa đối với quân đội nước này mà còn cho cả Nga, nước đã sản xuất ra hệ thống tên lửa S-300.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-rong-lua-s300-truoc-nguy-co-bi-syria-vui-dap-khong-thuong-tiec/796295.antd