Rộng cửa cho 'đầu tàu kinh tế'

Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh thoái vốn nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực nhà nước không cần độc quyền, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất điện thuộc EVN và TKV.

Mặt bằng dự án Quỳnh Lập I hiện chưa được giải phóng - Ảnh: Hà Minh

Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân, được coi là đầu tàu kinh tế, dường như lại rất vất vả để xin triển khai các dự án sản xuất điện.

Ngành điện khát vốn

Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3) và Tổng công ty điện lực Dầu khí đều đang dồn nguồn lực cho việc tìm kiếm cổ đông chiến lược với số cổ phần muốn bán chiếm 36% vốn điều lệ. Trong khi, ở đợt IPO, PVPower khá chật vật mới bán hết gần 20% cổ phần, còn Genco3 ế gần như toàn bộ.

Theo bà Supee Teravaninthorn, Tổng giám đốc Ban hoạt động đầu tư 1 của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), các dự án hạ tầng như ngành điện có thời gian đầu tư rất lâu, khó thu hồi vốn trong ngắn hạn, nên không dễ thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài.

Ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn EVN, cho biết theo chiến lược phát triển ngành điện, đến năm 2020, phải nâng công suất lên 43.000 MW, đến năm 2030 là 60.000 MW. Với công suất như vậy, cần phải huy động được 40 tỉ USD vào năm 2020 và lên tới 148 tỉ USD vào năm 2030. Đây là những con số khổng lồ.

Trong bối cảnh đó, đề xuất tham gia một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc dự án điện độc lập (IPP) của liên doanh Geleximco - HUI (Hong Kong), một công ty con của Tập đoàn năng lượng mới Kaidi Dương Quang - Trung Quốc đã gợi mở hướng đi cho việc giải quyết những nút thắt của ngành điện.

Cụ thể, liên danh Geleximco - HUI đã 2 lần gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất được sớm triển khai đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I và Quảng Trạch II.

Liên danh cam kết, nếu được giao làm chủ đầu tư trong vòng 1 tháng sẽ thành lập Công ty dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I. Kể từ khi thành lập công ty, trong vòng 3 tháng sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với chính quyền địa phương; Trong vòng 2 tháng, ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật (chủ trương lựa chọn tư vấn Fitcher - Đức), 3 tháng sau sẽ ký hợp đồng EPC do Kaidi và đội ngũ quản lý dự án quốc tế châu Âu hoặc Bắc Mỹ cùng nhau thực hiện theo thông lệ quốc tế. Tổng thầu sẽ ứng trước toàn bộ chi phí công trình trước khi hoàn tất các thủ tục thu xếp vốn.

Công nghệ sử dụng trong nhà máy dự kiến là công nghệ siêu tới hạn, các hệ thống vận hành chính của nhà máy sẽ được mời thầu quốc tế, sử dụng sản phẩm của các nước G7 hoặc sản phẩm ủy quyền thiết kế chế tạo của các nước đó.

Tập đoàn năng lượng Kaidi Dương Quang là đối tác đã thực hiện nhiều dự án năng lượng lớn trên thế giới, trong đó có cả các dự án đầu tư ở châu Âu. Năm 2009, Kaidi đã được lựa chọn tổng thầu và khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Mạo Khê - Quảng Ninh do Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam - TKV làm chủ đầu tư có công suất 440 MW. Đây là dự án nhiệt điện quy mô lớn nhất tại Việt Nam và là dự án nhiệt điện duy nhất hoàn thành trước tiến độ ở Việt Nam, đã đi vào vận hành từ tháng 4.2013. Trong 4 năm qua, nhà máy đã vận hành rất tốt.

Geleximco cũng đã hợp tác với Kaidi để xây dựng dự án Nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh có công suất 2x300 MW, Kaidi đã tiến hành xây dựng bảo đảm chất lượng và an toàn, dự kiến dự án sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào quý 2/2018 và tổ máy số 2 vào quý 3/2018, vượt tiến độ từ 2-3 tháng (Hợp đồng tổng thầu Kaidi cam kết bồi thường đến 30% trị giá hợp đồng nếu bị chậm tiến độ), tiết kiệm cho chủ đầu tư hàng nghìn tỉ đồng.

Cần trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân

Tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính ASEAN diễn ra cuối tuần qua ở Singapore, các quan chức đều nhận định, hiện phần lớn trách nhiệm về chi phí cơ sở hạ tầng vẫn đang đè nặng lên vai của các chính phủ. Vì vậy, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tăng trưởng, ADB khuyến cáo, Chính phủ các nước cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đã có những DN tư nhân Việt Nam có thể làm ra hoặc kết hợp với DN nước ngoài một sản phẩm, công trình với chất lượng quốc tế, thời gian để hoàn thành công trình với tiêu chuẩn quốc tế cũng nhanh kỷ lục.

Trở lại với dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I, TKV đã có thư mời Geleximco và Kaidi tham gia triển khai, nhưng các bên không thống nhất được tỷ lệ góp vốn. TKV hiện là chủ đầu tư dự án muốn nắm tỷ lệ cao nhưng lại đang khó khăn về tài chính. Theo số liệu của Bộ Tài chính, mỗi năm tập đoàn phải giải ngân khoảng 19.000 - 20.000 tỉ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhu cầu vốn đối ứng để đầu tư mới và trả nợ khoảng 13.000 - 14.500 tỉ đồng. Trong khi đó nguồn trả nợ và nguồn đối ứng các năm từ 2015 - 2017 là khoảng 9.000 - 10.000 tỉ đồng mỗi năm, tức là TKV sẽ thiếu mỗi năm trên 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án đầu tư.

Trong câu chuyện này, giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc lợi ích cao nhất là hiệu quả của nền kinh tế để quyết định có giao dự án cho tư nhân hay không, tương tự với việc thoái vốn ở DNNN. Việc này vừa giải phóng gánh nặng cho chính DNNN, đồng thời thu hút vốn tư nhân, vốn nước ngoài để phát triển kinh tế.

Hà Minh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/rong-cua-cho-dau-tau-kinh-te-952125.html