Rờn rợn qua quỷ môn quan

Quỷ môn Quan (thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng sơn) là địa danh gắn liền với nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây có một núi đá hình thù kỳ lạ, rất giống mặt một con quỷ khổng lồ.

Điều lạ lùng, dù hình thù ngọn núi giống mặt quỷ nhưng người dân lại coi đây là một vị thần che chở, bảo vệ dân làng khỏi địch hoạn, thiên tai; giúp dân làng ổn định làm ăn, cuộc sống no đủ. Xung quanh núi đá hình mặt quỷ còn nhiều câu chuyện thú vị khác.

Núi đá hình mặt quỷ.

Tượng đá kỳ lạ

Núi đá hình mặt quỷ nằm cách quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Quán Thanh chưa đầy 100m. Nếu để ý, người qua đường có thể quan sát hình thù kỳ lạ này từ đường quốc lộ. Ai mới nhìn lần đầu cũng thấy núi đá ấn tượng bởi hình thù rất giống mặt một con vật khổng lồ. Chính vì vậy, nơi đây còn có tên gọi là Quỷ Môn Quan, tức cửa mặt quỷ.

Quan sát từ xa, hình thù này có đầy đủ các bộ phận của một khuôn mặt như đầu, trán, mắt, mũi. Ông Hoàng Minh Tiến (SN 1957), Phó thôn Quán Thanh cho biết, hình thù này đã có từ hàng nghìn năm nay. Một điều lạ là xung quanh “mặt quỷ”, cỏ cây vẫn mọc lên, chỉ trừ khuôn mặt là không cây cỏ nào bám vào, che đi khuôn mặt.

“Cả ngàn đời nay núi đá này đã vậy. Không ai giải thích được tại sao cây cỏ không bám vào đó sinh sôi nẩy nở”, ông Tiến nói. Ông Tiến cho biết thêm, hình “mặt” quỷ được tạo bởi đá vôi. Ở vùng đất Chi Lăng, núi đá vôi san sát, nhưng không có núi đá nào có màu sắc, hình thù kỳ lạ như vậy.

“Tạo hóa đã ban tặng cho chúng tôi một ngọn núi rất lạ. Với dân làng chúng tôi, đây là một tuyệt tác mà tự nhiên ban tặng”, ông phó thôn tự hào. Theo trí nhớ của ông Tiến, cách đây hơn hai chục năm, một cây gỗ nghiến to, cao vút mọc lên ở đúng đỉnh trán “mặt quỷ”.

“Nhìn từ xa, cây nghiến trông giống như cái mào của con quỷ. Ai mới thấy cũng lạ mắt, trầm trồ khen ngợi”, ông Tiến nói. Ông cho biết thêm, sau đó cây gỗ bị một người dân chặt về làm nhà cửa. Từ đó “mào” của con “quái vật” bị mất đi như ngày nay.

“Không biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay bị của trách, người chặt cây gỗ kia gặp nhiều xui xẻo, con cái ốm đau. Đi xem bói, “thầy” bảo do phạm vào mặt quỷ nên gia đình bị trừng phạt. Chủ nhà sợ hãi, đem cây gỗ đi chỗ khác, đồng thời thịt một con lợn, mời “thầy” về làm lễ ngay dưới chân núi mặt quỷ tạ lỗi thì gia đình mới yên bình trở lại”, ông Tiến kể.

Vị thần bảo vệ dân làng

Người người dân cho biết, hiện nay không ai dám trèo lên mặt quỷ vì sợ bị “của trách”. Theo đó, trước đây từng có vài trường hợp vì tò mò, thích khám phá mà trèo lên mặt quỷ quan sát, khám phá. Thế nhưng, người thì bị ngã gẫy chân, người sau đó bệnh tật, ốm yếu.

“Giờ có cho tấn tiền cũng chả ai dại gì dám trèo lên đó”, một người dân quả quyết. Dù người dân địa phương gọi hình thù này của núi đá là mặt quỷ nhưng theo quan niệm của dân làng, chính mặt quỷ đã bảo vệ, che chở cho mọi người được yên ấm.

Ông Tiến cho biết, nhắc đến Quỷ Môn Quan là nhắc đến những chiến công lừng lẫy chiến thắng quân xâm lược phương Bắc của cha ông ta: Năm 981, Lê Hoàn đánh tan quân Tống; năm 1077, Lý Thường Kiệt chặn đánh quân Nguyên; năm 1285, Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên Mông; năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tiêu diệt quân xâm lược nhà Minh, chém chủ tướng Liễu Thăng cụt đầu.

Theo ông Tiến, sau rất nhiều thất bại, quân lính phương Bắc kinh hãi Quỷ Môn Quan, ví đây là cửa tử “một đi không trở về”. Nhân dân địa phương vẫn nhớ câu nói như sự kinh hãi khi đi qua nơi này: “Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”.

Dịch nghĩa nôn na tức là, đi qua cửa ải Quỷ Môn, mười người đi thì chỉ có một người quay lại. “Người dân chúng tôi luôn cho rằng nhờ có mặt quỷ phù hộ mà dân mình có nhiều chiến thắng oanh liệt như vậy”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, trong thời bình hiện nay, hình mặt quỷ trở thành biểu tượng ban phước lành, may mắn đến người dân địa phương. Vào mỗi mùa thi cử, đặc biệt là kỳ thi đại học, cao đẳng, học sinh trong vùng thường tụ tập đến đền Quỷ Môn Quan (ngay gần chân núi hình mặt quỷ) để cầu nguyện thi thố đỗ đạt, may mắn.

Thủ nhang đền Quỷ Môn Quan, ông Vi Ngọc Lưu cho biết, vào đầu mỗi vụ mùa trong năm, nhân dân cũng thường tụ tập đến đền cầu cúng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

“Chúng tôi chỉ đồng ý cho nhân dân thờ cúng tín ngưỡng ước nguyện điều lành, còn những hoạt động mê tín dị đoan đều được chúng tôi dẹp bỏ”, ông Lưu nói.

Ông Tiến kể lại câu chuyện.

Những câu chuyện thú vị

Đối diện núi mặt quỷ không xa là một tượng đá, nhìn từ xa như hình người cụt đầu, nhân dân địa phương gọi đây là “Liễu Thăng Thạch”. Xung quanh hòn đó này, nhân dân có câu chuyện khá thú vị. Theo đó, chủ tướng quân Minh là Liễu Thăng bị tướng quân Lam Sơn chặn đánh bị thương ở nũi Mã Yên. Dù bị thương nặng, Liễu Thăng vẫn cố chạy ngược về hướng Bắc.

Khi chạy đến trước tượng đá hình mặt quỷ, ngựa Liễu Thăng hí lên một tiếng vang trời rồi chùn chân không chạy nổi. Liễu Thăng bị quân ta truy kích, chém mất đầu. Thể hiện tinh thần nhân đạo, xác tướng giặc được quân lính ta mai táng ở làng Cóc, mộ được đắp điếm tử tế.

Đêm hôm ấy trời bỗng nổi cơn dông tố. Đúng nửa đêm, một tiếng sét vang trời, ánh sáng chói lóa quét qua làng Cóc. Không lâu sau, trời thôi cơn mưa gió thịnh nộ. Sáng sớm hôm sau dậy, người ta không còn thấy ngôi mộ tướng giặc mới chôn cất hôm trước đâu.

Nhìn lên ngọn núi trước mặt, thấy xuất hiện một hình khối mới giống hình người đang tư thế quỳ, cụt đầu. Thì ra, tối qua sét không chỉ đánh xuống mộ tướng giặc mà còn đánh vào núi đá, tạo nên hình thù mới.

“Nhân dân cho rằng, trời đất đã biến tướng giặc bại trận thành hòn đá cụt đầu trong tư thế quỳ. Từ đó gọi hòn đá này là Liễu Thăng thạch, minh chứng cho thất bại của giặc phương Bắc”, ông Lưu kể.

“Đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết nhưng răn dạy tình yêu nước, căm thù giặc đối với người dân”, vẫn lời ông Lưu. Cách núi mặt quỷ chỉ vài chục mét có một chiếc giếng nhỏ, quanh năm nước trong veo, ngươi dân gọi đây là Giếng nước mắt.

Xung quanh giếng, người dân thường kể cho nhau nghe câu chuyện liên quan đến việc Nguyễn Trãi chia tay cha là tù binh bị quân phương Bắc bắt giữ. Theo đó, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị quân xâm lược nhà Minh bắt giữ, đưa về nước hành hình.

Thương cha, Nguyễn Trãi giả làm dân phu đi khiêng cũi tù, để có cơ hội chăm sóc cha trên đường, sau khi bị hành hình sẽ đem thi hài cha về quê mai táng. Đến Quỷ Môn Quan, người cha khuyên con nên ở lại, tính kế lâu dài trả thù cho cha, đền nợ nước.

Lúc này người con rơi vào tình cảnh khó xử, nên nghe lời cha ở lại hay tiếp tục theo cha qua nước giặc muôn ngàn hiểm nguy? Cuối cùng, người con vì nghĩ cho vận mệnh lớn, đành từ biệt cha ở Quỷ Môn Quan: “Cha yêu quý cứ yên lòng cha nhé/ Vâng mệnh cha: đền nước, con thề/ Quỳ lạy cha, ôi đau lòng là thế/ Từ Chi Lăng, theo gió con bay về”.

Tương truyền, khi người con đứng chia tay, làm văn tế sống cha đã khóc rất nhiều. Nước mắt rơi xuống đất, hòa quyện với mạch nước ngầm. Người dân tưởng nhớ tấm lòng hiếu thảo người con đã đào ở đây một chiếc giếng. Không ngờ giếng nước ở đây nước đầy ăm ắp, trong xanh quanh năm.

Hữu Sơn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ron-ron-qua-quy-mon-quan-d78601.html