Rộn ràng Túm Loóng

Nếu ta có dịp đi qua hoặc nghỉ lại ở các bản nơi đồng bào Thái sinh sống, buổi tối ta thường nghe thấy những âm thanh cắc cum thậm thình... vọng lại như xa mà gần, như gần mà xa. Những âm thanh có phách có nhịp làm cho ta có cảm giác chộn rộn như mời gọi, như muốn kéo bước chân ta đi đến nơi có âm thanh ấy.

Đó chính là âm thanh túm loóng. Túm Loóng tiếng Thái nghĩa là khắc luống. Khắc Luống được coi là nhạc cụ sinh hoạt văn hóa thô sơ và cổ xưa nhất của đồng bào Thái còn giữ được nguyên vẹn, đầy đủ từ dụng cụ, cách thức sử dụng, nhịp điệu... cho đến ngày nay.

Luống là một chiếc máng lớn được tạo thành từ nguyên một thân cây gỗ. Người ta đục cây gỗ tạo thành lòng máng tựa như cái thuyền và ở một đầu của máng đục một cối tròn để giã gạo. Phần lòng máng ngày thường dùng để giã tách lúa từ bông ra, sau đó cho vào cối tròn để giã ra gạo. (Đồng bào Thái thu hoạch lúa rẫy bằng cách cắt bông lúa rồi buộc thành từng bó nhỏ, khi dùng thì cho vào giã để bỏ rơm lấy lúa sau đó mới giã lúa lấy gạo). Đi kèm với máng là một bộ chày giã gạo, thường là khoảng 6 đến 8 cái, chiều dài của mỗi chày vào khoảng 1,5m đến 1,8m.

Điều tuyệt vời của máng không chỉ là để giã gạo mà còn là nhạc cụ dành cho những lễ hội và những cuộc vui.

Ngày thường, mỗi khi có chuyện vui hoặc phụ nữ gặp nhau, các chị em thường kéo đến nhà ai đó có máng, rồi cùng chơi khắc luống cho vui và cũng là gọi nhau tụ tập. Cũng có khi ta nghe thấy tiếng khắc luống chưa được thuần thục nhuần nhuyễn. Đấy chính là tiếng khắc luống của các bé gái chừng 10 - 15 tuổi rủ nhau cùng tập khắc luống.

Khắc Luống được coi là văn hóa tín ngưỡng phồn thực của đồng bào Thái. Vì thế, trong các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Thái không thể thiếu văn hóa khắc luống.

Một màn khắc luống hoàn chỉnh thường được thực hiện bởi ba cách, như là ba cung quãng của một bản nhạc. Túm loóng hội: Là tốp người chia ra đứng hai bên máng, đâm chày chéo sang hai bên lòng máng, tạo ra âm thanh thập thình vang vọng; Túm loóng phặt phưm: (Khắc luống kiểu dệt vải) là động tác giật chày go về phía mình để cho hàng sợi vải sít vào nhau. Muốn cho vải sít thì phải giật mạnh phát ra tiếng phựt phựt. Khắc luống cũng vậy, phải đâm chày chéo sang lòng máng bên kia và giật mạnh về phía thành máng bên mình tạo ra âm thanh dồn dập cao trào; Túm loóng tỏ cày: (Khắc luống kiểu chọi gà) đây là cách khắc luống giữa hai dãy người hai bên cùng phối hợp để tao ra âm thanh nhịp nhàng và đều cung bậc.

Không chỉ có động tác vung chày, đâm chày đơn điệu khô khan. Trong màn khắc luống, đôi bên còn thực hiện những động tác giao chày với nhau, nghĩa là người bên này và bên kia gõ đầu chày với nhau tạo nên những âm thanh vừa sống động vừa tạo những động tác vui mắt. Thực hiện được động tác này phải là những người khắc luống đã vô cùng thuần thục, đạt đến trình độ như một nghệ nhân chơi nhạc luống.

Khắc luống là thể hiện sự vui vẻ, ăn mừng... Tuy nhiên, tùy từng nội dung hay hình thức, lễ nghi của lễ hội mà người ta thực hiện màn khắc luống cho phù hợp với tinh thần và không khí của lễ hội.

Trong các nội dung của lễ hội của đồng bào Thái, thường có nội dung thi khắc luống rất thú vị và hấp dẫn. Kết thúc cuộc thi dù kết quả thế nào cũng vui, thắng cũng vui mà thua cũng vui. Đó cũng chính là tinh thần nhân văn của văn hóa khắc luống.

Chính vì khắc luống mang ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng phồn thực. Vì thế người ta quan niệm, cái máng tượng trưng cho người phụ nữ Thái nền nã nhu mì, cần cù và chịu khó. Còn cái chày tượng trưng cho người đàn ông, những người con của đại ngàn dũng cảm và mạnh mẽ.

Tuy vậy, khắc luống lại chỉ được thực hiện bởi phụ nữ. Bởi họ khéo léo, tinh tế và vì đó là công việc giã gạo, nấu ăn hàng ngày, những công việc tề gia nội trợ. Đàn ông không giã gạo nên ít khi cầm chày dù có biết khắc luống nhưng không hay.

Có thể nói trong rất nhiều các hình thức sinh hoạt và lễ nghi, tín ngưỡng của đồng nào dân tộc Thái. Khắc luống là một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc nhất và cổ xưa nhất. Văn hóa tín ngưỡng khắc luống đã ăn sâu vào tiềm thức, là một hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái.

Không phải ngẫu nhiên mà khắc luống lại được gìn giữ và lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay. Hãy thử lắng nghe những âm thanh của khắc luống trong khung cảnh mênh mang của núi rừng, trong các lễ hội hay trong đêm thanh vắng. Ta sẽ thấy lòng chộn rộn, sẽ thấy những âm thanh rộn rã và vang vọng như có tiếng thác reo, tiếng vọng của núi rừng...

Âm thanh của khắc luống như đánh thức từ trong sâu thẳm cuộc sống sinh tồn và tiếng vọng tự cội nguồn từ đó mà sinh sôi mà lan tỏa và định vị trong ta một nền tảng văn hóa tinh thần trường tồn và phát triển.

Tuy nhiên, văn hóa tín ngưỡng khắc luống cần được coi trọng và đánh giá đúng với giá trị của nó. Phải coi khắc luống như một môn, một hình thức nghệ thuật có vị trí nhất định trong tầng lớp các loại hình nghệ thuật sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Thái.

Trịnh Đình Nghi

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/ron-rang-tum-loong.html