Rộn ràng Tết Chôl Chnăm Thmây

Năm nay, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16-4. Đã từ lâu, Tết cổ truyền này trở thành ngày Tết đoàn kết các dân tộc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị với chính quyền và nhân dân nước bạn Campuchia.

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang thăm và chúc Tết các vị chức sắc người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tịnh Biên.

Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

Những ngày này, ở hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang, không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền của bà con dân tộc Khmer diễn ra hết sức vui vẻ. Đi đến đâu cũng nghe thấy âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm và bộ trống Sadăm. Chị Neang Mỹ Nít ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên cho biết: "Năm nay, không khí đón Tết của bà con ở đây rất nhộn nhịp. Mọi người đều sửa sang nhà cửa sạch sẽ, khang trang, các công việc ruộng rẫy đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm thân. Anh em, con cháu dù ở xa hay gần đều trở về sum họp cùng gia đình trong những ngày Tết".

Trung úy Chau Đa Rép, Đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm của Đồn BPCK Quốc tế Tịnh Biên - người con của dân tộc Khmer, vui vẻ cho biết: "Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch hằng năm, tức vào ngày đầu tháng "chet" (theo lịch Phật giáo Nam tông Khmer). Ngày Tết này có ý nghĩa tương đồng với Tết cổ truyền của người Kinh và các dân tộc khác của Việt Nam".

Được biết, Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong 3 ngày, có tên gọi, cách hành lễ và ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là "Ngày đón lịch mới", trong ngày này, đồng bào chọn ra giờ tốt, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới mang theo lễ vật đến chùa làm lễ rước lịch và đảnh lễ Phật, khuya về, mọi người tham gia các trò văn nghệ. Ngày thứ hai gọi là ngày "wonboat" (ngày vui chơi giải trí). Trong ngày này, đồng bào chuẩn bị cơm nước dâng lên các sư. Buổi chiều, đồng bào tổ chức làm lễ đắp núi, thông thường tổ chức đắp chín núi cát, lúa hoặc cũng có khi đắp bằng đất, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng địa phương. Các ngọn núi tượng trưng cho vũ trụ, ngọn núi ở giữa là trung tâm của thế giới, hay còn gọi là núi mẹ vì nó tượng trưng cho công ơn của đấng sinh thành. Tám ngọn núi còn lại quây quanh tám hướng để hỗ trợ núi mẹ. Đắp núi với ý nghĩa đền đáp công ơn ông bà, cha mẹ đã hóa vãng. Nghi thức đắp núi cát còn mang ý nghĩa triết lý rất sâu sắc, nó khẳng định cái thiện luôn thắng cái ác.

Ngày thứ ba là ngày lễ tắm Phật, thường là sau khi các nhà sư dùng cơm trưa xong. Người ta dùng nước mưa tinh khiết có ướp hoa thơm cùng nhang đèn cúng Phật, sau khi đảnh lễ, lấy nước rắc lên các tượng Phật (tắm Phật), sau đó là tắm các vị sư cao niên. Sau lễ tắm Phật, các nhà sư đến những ngôi tháp thờ hài cốt tập thể để làm nghi thức cầu siêu cho những vong linh đã hóa vãng tụ tập về chùa nghe kinh khấn Phật, cầu cho các vong linh mau siêu thoát tái sinh về nơi nhàn cảnh. Cuối cùng là lễ tắm Phật tại gia, các con cháu mời ông bà, cha mẹ ngồi trên một chiếc ghế đã trải thảm khang trang, lấy nước tắm Phật tắm cho ông bà, cha mẹ để đền đáp công ơn đấng sinh thành. Tết Chôl Chnăm Thmây hiện nay đã lược bớt những nghi thức rườm rà tốn kém, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam.

Chăm lo cho đồng bào đón Tết

Trong thời gian này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có kế hoạch gửi các tỉnh, thành trong vùng về việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây với tinh thần "đoàn kết, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn". Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức các đoàn đi thăm, chúc Tết cán bộ, sư sãi, đồng bào Khmer ở 9 tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Tại huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), đồng chí Dương Quốc Vinh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng đoàn đã đến chúc Tết các vị sư sãi, à cha, người đồng bào dân tộc Khmer. Thay mặt đoàn, đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực của đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang nói chung và huyện Tri Tôn nói riêng đã không ngừng nỗ lực trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng chí khẳng định, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng nhằm phát triển ngang bằng với các dân tộc anh em trong cả nước. Dịp này, đoàn đã trao tặng 13 phần quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo người dân tộc Khmer ở xã Lương Phi và Núi Tô.

Tại huyện Tịnh Biên, các hoạt động chăm lo cho đồng bào Khmer trên địa bàn đón Tết cũng diễn ra rất sôi nổi. Bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết: "Trong dịp này, UBND huyện đã thành lập các đoàn đi thăm, chúc Tết và tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn; thăm và chúc Tết các chùa, các vị chức sắc có uy tín, các cán bộ chủ chốt là người dân tộc Khmer. Với nguồn kinh phí từ UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kinh phí của UBND huyện và nguồn xã hội hóa, huyện Tri Tôn đã huy động được gần 300 triệu đồng để chăm lo cho đồng bào đón Tết. Bên cạnh đó, cũng sang chúc Tết, tặng quà cho chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Cam-pu-chia".

Cũng trong dịp này, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, chiến sĩ là con em đồng bào dân tộc Khmer được nghỉ tranh thủ về nhà đón Tết. Tùy điều kiện thực tế, các đơn vị hỗ trợ thêm tiền, quà để anh em cán bộ, chiến sĩ phấn khởi đón Tết cùng gia đình. Đơn vị cũng đã thành lập các đoàn đi chúc Tết, tặng quà cho các vị chức sắc, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, các đơn vị quân cảnh, công an và lực lượng bảo vệ biên giới thuộc hai tỉnh Cần Đan và Tà Keo của nước bạn Cam-pu-chia.

Nguyễn Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ron-rang-tet-chol-chnam-thmay/