Rộn ràng sắc xuân

Tết, TPHCM không chỉ đẹp mà còn tràn ngập niềm vui với các điểm đến hấp dẫn. Các tuyến đường tại trung tâm TPHCM đã được trang trí rực rỡ để đón xuân mới.

Mai vàng rực rỡ

Những ngày qua, dọc những con đường khu vực trung tâm như Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi… rợp hoa mai vàng, rộn ràng không khí tết. Về đêm, các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn hoặc nhiều khách sạn, trung tâm thương mại, đặc biệt là Trung tâm thương mại Diamond Plaza (góc đường Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch), càng nổi bật với giàn đèn led có họa tiết hoa đào, hoa mai rực rỡ. Tại khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên được trang trí những cành mai vải tạo nên không khí tết đầm ấm, thu hút nhiều gia đình, giới trẻ đến thưởng ngoạn. Nhiều nhóm bạn trẻ trong trang phục khăn đóng, áo dài rực rỡ đến đây vui chơi, chụp ảnh lưu niệm.

Chọn chữ thư pháp tại Phố ông đồ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Không khí tại Nhà Văn hóa Thanh niên càng thêm rộn ràng, nhộn nhịp với sự góp mặt của Phố ông đồ. Năm nay, ngoài việc “cho chữ”, Phố ông đồ còn có các hoạt động vẽ ký họa, trưng bày những sản phẩm trang trí tết và hàng lưu niệm, áo dài truyền thống… Do đó, tại đây từ sáng sớm đến tận tối khuya vẫn luôn rộn ràng, tấp nập khách du xuân đến xin chữ, mua hàng lưu niệm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (ngụ quận 7, cùng người thân đang chờ ông đồ viết chữ “Gia đình” cùng 3 chữ “Phước, Lộc, Thọ” để về treo trong nhà) cho biết, khu vực này là một điểm đến thường xuyên của gia đình chị, để chụp những bức hình lưu niệm và lựa chọn những con chữ thư pháp ý nghĩa.

Hào hứng trò chơi dân gian

Ở quận 5, tết mang đậm không gian văn hóa cộng đồng người Hoa. Hàng tối, nhiều đội lân sư rồng ra Công viên Văn Lang luyện tập, chuẩn bị phục vụ bà con trong 3 ngày tết. Chợ hoa đối diện Công viên Văn Lang tấp nập người mua kẻ bán. Dù quy mô không lớn như một số chợ ở quận 8, 7, Thủ Đức, nhưng cây cảnh, hoa tết ở đây bài trí rất bắt mắt. Buổi tối, người bán trang trí thêm đèn lồng, đèn nhấp nháy… để thu hút sự chú ý.

Không khí tết thể hiện rõ hơn qua lễ diễu hành đón Tết Nguyên tiêu, diễn ra vào ngày 11-2-2018 trên nhiều tuyến đường quanh khu vực Chợ Lớn. Đây là hoạt động truyền thống của đồng bào người Hoa tại TPHCM. Hàng ngàn người mặc trang phục truyền thống, hóa trang thành thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh hay binh sĩ, tướng quân trong những tác phẩm kinh kịch nổi tiếng… Các đội lân sư rồng, múa cá chép, múa quạt, đi cà kheo biểu diễn trên nhiều tuyến đường. Người dân chào đón nồng nhiệt, cổ vũ hết mình và tặng nghệ sĩ bao lì xì. Lễ hội năm nay có 25 đội, đoàn nghệ thuật ở TPHCM và tỉnh, thành lân cận tham gia. Sau lễ diễu hành, người dân hào hứng chơi trò chơi dân gian, xem biểu diễn ca nhạc cổ, kịch, tuồng tại Trung tâm Văn hóa quận 5.

Khu Phùng Hưng, Hải Thượng Lãn Ông khoác lên mình màu sắc đỏ rực, báo hiệu tết đã về. Không khí mua bán tất bật ở đây đã diễn ra gần một tháng nay. Các cửa hàng bày bán đèn lồng, tranh chữ, câu đối - hình ảnh trang trí đặc trưng trong gia đình người Hoa khi đón tết. Bà Giang Thúy, tiểu thương khu Phùng Hưng, cho biết: “Như mọi năm, móc treo trên cây cảnh, hình dán tường luôn cháy hàng. Những mặt hàng trang trí trên có giá dao động từ 35.000 - 100.000 đồng nên được khách hàng ưa chuộng”.

Trong khi đó, từ ngày 23 tháng Chạp, không khí đón tết đã rộn ràng khắp các ngõ xóm. Trên một số đoạn đường của quận 11, Tân Bình, Tân Phú như Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Tân Sơn Nhì, Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu..., nhiều nhà đã treo cờ trước cửa. Sửa sang lại cặp chậu cúc đại đóa vừa mua, bà Nguyễn Trần Như Ngọc (ngụ phường 5, quận 11) nói: “Ngày 28 Tết gia đình tôi về quê sum họp họ hàng, nhưng tôi vẫn mua cúc để chưng trước hiên nhà, với mong muốn màu vàng rực của loại hoa này sẽ tượng trưng cho một năm mới hanh thông, rực rỡ”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://sggp.org.vn/ron-rang-sac-xuan-499806.html