Rộn ràng mùa moi chiêm

Mặc dù khai thác moi chưa phải là nghề chính nhưng đối với người dân miền biển, mỗi mùa moi lên là những ngày họ có thể tranh thủ để kiếm thêm thu nhập.

Tặng vật tuyệt vời từ biển cả

Tùy theo vùng miền sẽ có nhiều cách gọi khác nhau, người miền Bắc gọi loại nhuyễn thể màu gạch non, dài khoảng 10-40mm này là con moi hoặc con ruốc, ở miền Trung gọi là con “khuyết”; người miền Tây gọi là tép nhỏ. Loại nhuyễn thể này được xem là một tặng vật tuyệt vời từ biển cả, bởi số lượng lớn cùng chất lượng ngon đặc biệt. Ngày trước, giá moi “rẻ như bèo” nên các ngư dân thường không đánh bắt, nhưng giờ đây, cũng như tôm, cá, moi quí vô cùng, bởi các loại mắm làm từ moi có thể dùng làm hàng xuất khẩu và rất được ưa chuộng ở trong nước.

Moi được xem là một tặng vật tuyệt vời từ biển cả, bởi số lượng lớn cùng chất lượng ngon đặc biệt.

Moi đều đặn xuất hiện bắt đầu từ khoảng tháng 9-10 (âm lịch) và kéo dài đến tháng 2-3 năm sau, thập chí còn kéo dài cho đến hết tháng 5-6 (mùa moi chiêm). Điều đặc biệt là moi chỉ tụ tập 1 - 2 lần/ tháng, khi con nước êm rồi nhanh chóng tản đi, sau đó mới quay lại, nên để kéo được moi phải chớp thời cơ. Ông Tăng Văn Bích, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) - người có thâm niên hơn 50 năm đi biển, chia sẻ: “Moi xuất hiện hoàn toàn tự nhiên, không theo một quy luật nào, lúc nổi theo con sóng biển ven bờ, lúc lại nằm dày đặc ngay bờ biển. Vì thế, chẳng ai can thiệp gì được”.

Chính vì “chẳng ai can thiệp được” nên giữa biển cả mênh mông, chỉ có đôi mắt tinh nhanh đã quen với việc ngóng sóng, ngóng nước, cùng kinh nghiệm dạn dày của người ngư phủ mới giúp họ sớm phát hiện ra những luồng moi dồi dào. “Moi rất nhỏ nhưng lại đi theo đàn vô cùng lớn nên mỗi khi chúng di chuyển thường tạo thành quầng. Chúng bắn tanh tách trên mặt nước, nhìn qua thấy rào rào như cơm sôi. Vậy nên nhiều khi lội vào giữa bầy moi có cảm giác như hàng triệu triệu mũi kim chích nhè nhẹ lên bàn chân và bắp chân” - Ông Bích miêu tả.

Ngư dân thường chia thời gian trong ngày ra làm hai để ra khơi đánh bắt moi. Khoảng thời gian thứ nhất sẽ diễn ra từ 5h chiều ngày hôm nay đến 5h sáng ngày hôm sau. Khoảng thời gian thứ hai là từ 6h sáng đến 3h chiều trong ngày, cứ như vậy bình quân mỗi tàu sẽ cập bến 2 lần/ngày tùy vào lượng moi nhiều hay ít mà ngư dân bố trí thuyền cập bến cho hợp lý để moi luôn được tươi ngon.

Lần lượt những khay đầy ắp moi được đưa lên từ khoang thuyền.

Đoán rằng cách bắt moi chắc hẳn có nhiều điều thú vị mà có ngồi nghe những tay lão luyện kể cũng chẳng thể hình dung hết nên chúng tôi đi theo một người đàn ông đang xăm xăm tiến về phía biển, hỏi thăm chuyện đánh bắt moi. Bằng chất giọng địa phương nặng trịch, người đàn ông nói: “Muốn xem bắt moi thì nhanh xuống biển theo tôi. Ngoài kia đang có một luồng moi lớn lắm”. Chỉ chờ có thế, chúng tôi trèo lên chiếc thuyền nhỏ đang đậu gần bờ. Trên thuyền la liệt những dải lưới dày, mành dã, túi lưới được thiết kế chuyên biệt để kéo, đựng moi. Rồi còn có khay nhựa, rổ, vợt... và nhiều dụng cụ khác. Theo người đàn ông, moi bắt từ mành dã gọi là moi dã, moi đánh được từ việc kéo lưới đi bộ ven bờ gọi là moi kéo, từ việc lặn xuống đáy biển dùng lưới nhỏ vớt gọi là moi lặn, từ loại vó ở ngoài khơi gọi là moi te, và các loại khác. Với những luồng moi ở xa bờ, ngư dân thường dùng đèn dụ moi vào lưới giăng sẵn hay dùng lưới di chuyển cùng với đèn pha để thu hút moi rồi bắt moi bằng vợt lớn. Trong hai cách này, cách thứ hai thường hiệu quả hơn nhưng đòi hỏi người đánh bắt phải thường xuyên di chuyển thuyền đến những điểm có moi.

3h chiều, đứng trên triền đê xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), tôi thích thú chứng kiến hàng chục chiếc thuyền hối hả cập bến. Bước chân của ai nghe chừng cũng gấp gáp, mau mắn. Lần lượt những khay đầy ắp tôm, cua, cá, mực và moi được đưa lên từ khoang thuyền, lẫn trong tiếng cười, nói và những tờ giấy bạc trao tay.

Moi tươi phơi dưới nắng 1-2 ngày sẽ săn mình lại, dùng để chế biến thành các món ngon, như: moi rim mặn ngọt, moi khô rang lá chanh...

Phấn khởi khi cầm trên tay số tiền gần 5 triệu đồng từ việc bán moi, ngư dân Nguyễn Văn Hoa, cho biết: “Giá của 1 kg moi tươi hiện nay dao động từ 12.000 - 20.000 đồng. Thuyền của tôi có 3 lao động đi từ sáng tới giờ, trừ chi phí mỗi người 1 triệu đồng và 1 thùng dầu, tôi thu về 2 triệu đồng”.

Theo quan sát của chúng tôi, cùng thời điểm 3h chiều, tại triền đê xã Ngư Lộc có đến 4 nhóm thu mua moi. Mỗi nhóm này có từ 3 đến 5 thương lái luôn túc trực, mua moi từ các thuyền và thúng ngoài khơi đưa vào để về phơi khô, làm mắm bán cho các thương lái ngoài tỉnh. Được biết, hiện nay giá moi khô từ 80.000 – 120.000 đồng/kg. Còn mắm có giá từ 45- 60.000đồng/lít.

Thống kê từ xã Ngư Lộc, hiện trên địa bàn có hàng chục thuyền, thúng chuyên khai thác moi và mỗi ngày đem lại nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng cho ngư dân. Nhiều lão ngư cho biết, moi vào bờ sẽ kéo theo rất nhiều cá nục, cá trích, cá cơm… và đặc biệt là ghẹ vì chúng chính là nguồn thức ăn ưa thích của các loại này.

Món ăn bình dị, dễ gây nghiện

Tuy mang thân hình nhỏ bé nhưng moi rất có “võ”. Moi tươi mà nấu canh với các loại rau, quả, như: mướp, rau đay, mồng tơi, bầu, bí… hay nấu canh chua với cà chua, dứa, khế… thì không chỉ ngon mà còn rất bổ, mát. Thỉnh thoảng đổi vị, món moi tươi xào hành lá ăn kèm khế chua và bánh đa là một lựa chọn không tồi. Túc tắc bẻ từng miếng bánh đa giòn tan, xúc vào đĩa moi, kẹp thêm miếng khế chua cho vào miệng nhai, tất cả mọi giác quan sẽ được đáng thức bởi vị ngọt dịu của moi, vị chua rôn rốt của khế và cảm giác cay, chát của các loại rau thơm. Món moi trộn gỏi cầu kì hơn nên thường được làm trong các dịp đặc biệt. Để làm món này, moi phải tươi và già mới ngọt. Quy trình được chế biến như sau: Moi rửa sạch, vắt ráo nước, cho vào một bát to rồi vắt chanh, ướp khoảng 10 phút là moi chín, không cần nấu moi cũng tự mất mùi tanh. Sau đó cho thêm chút muối, đường, lạc rang giã rối, ớt xắt mỏng và các loại rau thơm. Món này giữ nguyên vị tự nhiên của moi nên rất ngọt, hòa quyện giữa vị bùi của lạc, chua của chanh, cay nồng của ớt, gừng, rau thơm ăn cùng bánh đa, sung, khế…

Tuy mang thân hình nhỏ bé nhưng moi rất có “võ”.

Đặc biệt, moi tươi phơi dưới nắng 1-2 ngày sẽ săn mình lại, dùng để chế biến thành các món ngon, như: moi rim mặn ngọt, moi khô rang lá chanh, moi rim lạc hoặc sẽ là chất xúc tác tuyệt vời cho những nồi canh tập tàng, canh vặt của các bà nội trợ. Cũng như moi tươi, moi khô thường được xào với đậu rồng, cải xanh, giá, cần tây … Món nào cũng rất thơm ngon. Nhưng đơn giản nhất là món moi khô rang sả, ớt. Chỉ cần đun nóng dầu ăn, đổ moi, sả xắt nhỏ vào xào rồi thêm mắm, đường… Khi moi khô lại và chuyển sang màu nâu đỏ thì tắt bếp, thêm ít tiêu là xong. Món này tuy đơn giản nhưng rất ngon cơm, nhất là vào những ngày mưa gió hay tiết trời se lạnh. Ngoài ra còn món moi chiên trứng mang mùi thơm đặc biệt, vị ngọt thanh tao, không cao sang quí phái nhưng vẫn để lại trong lòng người thưởng thức dư vị ngọt lành đặc biệt, không thể nào quên.

Món moi rang được ăn với khế chua sẽ đánh thức tất cả mọi giác quan bởi vị ngọt dịu từ moi, vị chua rôn rốt từ khế ...

Tuy nhiên, món ăn ngon nhất từ moi của người dân miền biển chính là các loại mắm, bởi đây là loại thức ăn đã trở thành một nét văn hóa, một thứ đặc sản nức tiếng dường như chỉ có ở Việt Nam. Mắm chế biến từ moi có 2 loại là mắm tôm và mắm thính. Mắm thính được dùng ăn cùng bún, cơm hay dùng để chấm cà muối. Mắm tôm lại là một thứ gia vị không thể thiếu trong những món ăn, như: thịt lợn, thịt chó, thịt động vật giả cầy. Đặc biệt, mắm tôm Hậu Lộc đã có danh tiếng từ lâu trên thị trường trong nước, thậm chí còn xuất khẩu sang Nga và các nước Đông Âu.

"Lộc biển" vụ chiêm làm cho ngư dân thêm phần phấn chấn, vui tươi hơn.

Ở Việt Nam có nhiều nơi làm mắm tôm, nhưng với những người sành ẩm thực thì mắm tôm Hậu Lộc ngon và quyến rũ nhất. Người Hậu Lộc cho rằng, danh tiếng, tính chất và chất lượng đặc thù của mắm tôm Hậu Lộc có được là do moi nguyên liệu có chất lượng tốt và kỹ thuật chế biến truyền thống của ngư dân các xã vùng ven biển huyện Hậu Lộc. Bà Trần Thị Huân, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, tiết lộ: “Tùy theo khẩu vị từng vùng miền mà cách làm mắm mỗi nơi lại khác nhau. Ở đây, moi sau khi thu mua về phải sàng sảy làm sạch, sau đó rửa lại bằng nước, để ráo. Moi sẽ được cho vào chum sành hoặc các bể xi măng cùng muối theo tỉ lệ 25-27% muối đối với moi thịt và 15-20% muối đối với moi rạ. Hỗn hợp moi, muối sẽ được đánh tơi rồi phơi ngoài nắng. Sau 10 ngày, mắm nổi lên thì liên tục khuấy đến khi mắm dẻo không nổi lên nữa mới thôi. Để moi chín và chuyển sang vị ngọt, màu tím, mắm phải ủ trong 3-6 tháng mới dùng được. Cách làm mắm thính cũng tương tự, chỉ là thêm thính khi khuấy để mắm đỡ nặng mùi và có màu đỏ bắt mắt hơn”.

Nắng nhạt dần, nhưng nhiều người ở xã biển Ngư Lộc vẫn đang tất bật với moi, mắm. Có lẽ "lộc biển" vụ chiêm làm cho ngư dân thêm phần phấn chấn, vui tươi hơn.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ron-rang-mua-moi-chiem/104181.htm