Rộn ràng mùa khô cá hố

Tại miền Tây Nam bộ, nghề làm khô cá phổ biến ở hầu hết các làng ven biển, trải dài từ Vàm Láng, Đèn Đỏ của xứ Gò Công cho tới các vùng Năm Căn, Ngọc Hiển của xứ Cà Mau. Trong đó, những tháng đầu năm, khô cá hố là một trong những sản phẩm được sản xuất nhiều nhất bởi đây là một đặc sản, khác với nhiều loại khô khác.

Phơi khô cá hố

Phơi khô cá hố

Mỹ Long vào mùa làm khô

Làng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) là một trong những làng biển lâu đời nhất ở miền Tây, có từ hàng trăm năm qua. Hiện nay, khu vực nằm nơi sông Cổ Chiên đổ ra biển này chia thành thị trấn Mỹ Long cùng các xã Mỹ Long Nam và Mỹ Long Bắc. Mặc dù địa giới hành chính có một số thay đổi nhưng nghề đi biển và làm khô từ các sản phẩm đi biển ở Mỹ Long bao đời vẫn thế. Những người đeo đuổi nghề làm khô hiện đều ở thị trấn Mỹ Long với chừng hai chục hộ dân vì nơi đây gần cảng cá, lại gần chợ, thu hút đông đảo người dân, ghe thuyền.

Trong các sản phẩm mà nghề làm khô cá ở Mỹ Long khẳng định được thương hiệu thì khô cá hố là loại khô độc đáo, thơm ngon và được nhiều người ưa chuộng nhất. Đi dọc tuyến đường bê-tông quanh thị trấn nhỏ bé này, từ chợ Mỹ Long ra phía bờ sông Cổ Chiên hay xuôi về cửa biển, dễ dàng nhìn thấy những giàn phơi cá hố mặn mòi trong ánh nắng chói chang phương Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung, ở khu phố 1, thị trấn Mỹ Long thì nghề làm khô ở Mỹ Long phụ thuộc vào nguồn hàng mà các ghe thuyền trong vùng đánh bắt được. Như mấy tháng đầu năm, nhiều vựa khô ở đây đều làm khô cá hố vì thời điểm này, các ghe thuyền ngoài khơi thường đánh bắt được nhiều cá hố. “Thời điểm này, cá hố chưa lớn, chỉ khoảng một ký đổ lại. Phải đợi tới tháng 5, tháng 6, cá hố mới phát triển, thường là 2 - 3 ký lô, dài cả mét. Lúc đó, để làm khô thì mình có thể cắt cá ra thành từng khúc ngắn, tùy theo nhu cầu của các chủ đặt hàng”, bà Nhung cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm làm khô cá hố, người phụ nữ làng biển gần 60 tuổi này nói, trong các loại hải sản, khô hố là khó làm nhất và cần có nhiều kinh nghiệm. “Để có sản phẩm khô cá hố ngon thì việc đầu tiên là chọn nguyên liệu, tức cá hố tươi. Đặc biệt, cá phải còn nguyên lớp da mỏng màu trắng bạc. Nếu cá bị ướp lạnh quá lâu hay bị trầy xước mất đi lớp vỏ này, làm khô sẽ không ngon, không đẹp. Sau khi có nguyên liệu, cá hố được rửa sạch sẽ và lấy ruột cẩn thận trước khi đem phơi. Hiện nay, nhu cầu của khách hàng rất đa dạng nên cùng là nguyên liệu cá hố, chúng tôi có thể làm khô cá hố nguyên con, khô hố hấp, khô hố xẻ lát hay khô một nắng… Trung bình, khoảng 3 ký cá tươi sẽ cho ra một ký khô thành phẩm”, bà Nhung dẫn giải.

Tại khu vực thị trấn Mỹ Long cũng như xã Mỹ Long Nam có hàng chục vựa làm khô cá hố. Hầu hết nguồn nguyên liệu đều được đặt trước từ các ghe, thuyền đi biển. Khi có hàng, chủ ghe sẽ liên hệ trước với các vựa để thỏa thuận.

Cũng là người làm khô lâu năm, ông Nguyễn Văn Đỏ, một hộ dân khác ở thị trấn Mỹ Long cho biết, điều khó khăn nhất với các vựa khô hố hiện nay là nguồn nguyên liệu. “Hiện nay, mỗi ngày sản xuất được 20 đến 25 ký khô hố. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cá tươi hiện khá khan hiếm, nhiều khi không đủ. Tuần vừa rồi, khách trên Sài Gòn đặt hơn 60 ký khô nhưng vẫn chưa đủ hàng để giao. Giờ khô hố loại 1 có giá tới 300.000 đồng một ký. Khô loại 2 cũng 250 ngàn mà có bao nhiêu, khách lấy hết bấy nhiêu”. Cũng theo ông Đỏ, nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay thì chỉ cần khoảng 4 ngày nắng là hoàn thành một mẻ khô cá hố.

Khô cá hố Mỹ Long

Đặc sản vùng biển Tây

Được biết, tại khu vực ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ có những hộ dân ở khu vực Mỹ Long duy trì nghề làm khô cá hố mà tại nhiều khu vực khác như ngư dân Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hay ngư dân Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau)… công việc làm khô cá hố cũng thu hút nhiều lao động. Theo những ngư dân nơi đây, dù sản lượng cá hố mà ngư dân vùng biển phía Tây đánh bắt được không nhiều như khu vực các tỉnh miền Trung nhưng cá hố vẫn là một trong những hải sản quan trọng của ngư dân nơi đây. Ngoài ra, thói quen làm mắm và làm khô những sản phẩm nghề biển để tích trữ từ xa xưa đã giúp những gia đình làm khô cá hố vùng hạ nguồn sông Cửu Long có nhiều kinh nghiệm.

Nhiều ngư dân chia sẻ, nếu như các loại khô khác đều có chung một cách sản xuất là sơ chế, phơi khô và cất giữ để vận chuyển, tiêu thụ thì khô hố có cách bảo quản cầu kỳ hơn. Người dân phải sử dụng những dây nhỏ, thường là sợi ni-lông mỏng, bền để buộc túm phần đuôi cá hố lại, rồi treo chúng lên.

“Khô cá hố chỉ có một cách bảo quản, là buộc và treo lên chứ không thể đóng gói, cho vào bao bố hay thùng đựng như những loại khô đù, khô mực, khô sặc… Bởi cá hố dài mà lại mảnh. Tới cuối mùa đánh bắt, nhiều khi cá hố to mấy ký, dài tới cả mét khiến cho việc bảo quản khó khăn. Nếu khách hàng không yêu cầu thì chúng tôi cũng để cả con cá hố như vậy. Còn bình thường, cá hố cũng dài tầm nửa mét”, một hộ làm khô cá hố ở xã Mỹ Long Nam chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ron-rang-mua-kho-ca-ho-3992577-b.html