Rộn ràng mùa 'hoa nước' miền bazan

Trong tiết trời, tối lạnh sáng nắng thời tiết hanh hao, mùa khô chỉ nghe âm thanh máy nổ xình xịch, nước phun trắng xóa trên các triền đồi cà phê. Mùa này, hàng ngàn hộ dân trồng cà phê ở Cao nguyên đang vào mùa tưới nước.

Quảng cáo

Mùa kéo ống

“Xình xịch, xình xịch…” những tiếng máy nổ vang lên đều đặn và giòn giã khuấy động cả không gian. Bầu trời Cao nguyên trong văn vắt không một gợn mây, cái nắng phủ xuống khiến bazan càng rực đỏ. Cao nguyên mùa này đang là cao điểm vụ tưới cà phê nước hai. Trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng thì bà con nông dân đã kéo máy ra tưới đợt một.

Ở Cao nguyên đất đỏ này, sau những ngày vui xuân, từ mùng 4 Tết, nông dân các vùng chuyên canh cây cà phê đã nhộn nhịp lên rẫy để bắt đầu mùa tưới cà phê. Tưới nước có tác dụng duy trì sinh trưởng của cây, đồng thời là điều kiện đặc biệt để cây ra hoa trong mùa khô.

Đôi mắt thâm quần vì mất ngủ nhiều ngày, nhưng ông Nguyễn Bái (Tổ dân phố 7, Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn đang cố gượng cầm vòi để tưới cà phê và những cây tiêu cuối cùng. Sau gần 10 ngày tưới ròng rã cả ngày và đêm, hơn 1,2 ha cà phê của ông đã đủ nước để bung hoa. Xung quanh vườn cà phê của ông, hàng chục hộ gia đình khác cũng vẫn đang cấp tập tưới cà phê đúng vụ.

Những chiếc giếng đào sâu 30-40m để có nước tưới cà phê.

Những chiếc giếng đào sâu 30-40m để có nước tưới cà phê.

Hết nhà này tới nhà khác, hết vườn cà phê này tới vườn cà phê khác, người người gọi nhau kéo ống, nhà nhà gọi nhau hỏi mực nước. Trên những mép hồ, nườm nượp người mang ống nước ra đặt sẵn để chờ thời điểm tưới thích hợp. Để tránh sót gốc cà phê, khi tưới ban đêm cần có từ 2-3 người hỗ trợ nhau kéo ống. Những đoạn ống dài 50m được nối với nhau bằng những tổ hợp kim loại, mà người dân gọi là cút ống. Những đoạn ống khi tưới nước căng đầy rất nặng, cần huy động nhân lực để kéo theo đúng phương pháp, nếu không bị gãy ống, làm máy bị hư hỏng, thời gian sửa rất lâu và còn khiến việc tưới nước bị sót cây.

Len lỏi giữa những hàng cà phê mùa khô héo lá vì cần nước, ông Đặng Văn Giỡ (Ia Grai, Gia Lai) đang tranh thủ vừa bỏ phân, vừa tưới nước, đồng thời lên mạng để tìm hiểu thêm về kỹ thuật vừa bỏ phân vừa tưới nước đợt 2 này. “Với người trồng cà phê, mùa tưới rất quan trọng, quyết định lớn đến năng suất, sản lượng cà phê. Nhiều năm nay, mùa tưới trùng vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Mùng 2, mùng 3 bà con hối hả giục nhau đi tưới. Thường mỗi vụ cà phê người dân tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều thì phải tưới đợt 4”, ông Giỡ chia sẻ.

Gần 15 năm trồng và chăm sóc cà phê, ông Giỡ có nhiều kinh nghiệm với loài cây công nghiệp này. Theo ông Giỡ chia sẻ thì tưới ban đêm nước sẽ nhiều hơn, điện mạnh hơn lúc đó tưới sẽ nhanh hơn. “Tuy nhiên cũng hay bị sót cây lắm nếu tưới không quen, bên cạnh đó nếu tưới đêm là cả nhà phải ra canh ống, canh máy nữa, nhưng cũng phải canh mà tưới chứ không cà phê chết hết...", ông Giỡ bộc bạch.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mùa khô năm nay, nhiều địa phương ở Tây nguyên sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới do hạn hán gây ra. Do đó, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nông dân các vùng chuyên canh cây cà phê ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã chủ động trong việc chọn thời gian để tưới.

Nhiều khu vực đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, công việc bơm tưới nước nhẹ nhàng hơn, giúp nông dân tiết kiệm cả thời gian và nhân công tưới, nhưng giá thành khá cao và phải phụ thuộc vào nguồn nước nên không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Tùy theo nguồn nước mỗi khu vực người nông dân chọn cho mình cách tưới phù hợp. Nguồn nước càng sâu, chi phí tưới càng cao.

Nếu có mạng lưới điện 3 pha, chi phí rẻ bằng 1/3(tính bình quân tùy điều kiện nguồn nước và phương tiện sử dụng) so với sử động cơ diesel. Nhưng đầu tư mạng lưới điện ban đầu cao, nhiều người phải so đo vì máy móc thiết bị đã có sẵn. Thế nên, người trồng cà phê ở Cao nguyên vẫn đều đặn tưới cà theo phương thức truyền thống.

Hoa nước miền bazan

Sáng sớm mai khi bầu trời còn đang dày đặc sương mù, các loại xe cày kéo moóc chất đầy nhóc dầu tưới, phân bón, ống tưới…vội vã khởi hành. Nhiều xe phải kéo theo cả hệ thống giàn máy tưới dài ngoằng. Mùa này, ở khắp các vùng trồng cà phê ở Cao nguyên, tiếng rào rào của nước tuôn xuống gốc cà phê, nảy lên những hạt nước nhỏ li ti ánh lên sắc cầu vồng trong nắng. Người nông dân quen nhìn vẻ đẹp của những bông hoa nước ấy như thế. Có những hoa nước ấy, thì hoa cà phê mới nở được. Những bông hoa nước và hoa cà phê trộn hòa cùng nhau, tạo nên một bức tranh miền cao nguyên bình dị mang đậm sắc của núi rừng.

Phụ nữ cũng vất vả trong mùa tưới cà phê

Ở Đăk Hà (Kon Tum) cũng đang vào mùa tưới cà phê. Hàng chục hộ dân tấp nập ghé chợ để mua thêm phân bón, dầu diesel, thực phẩm... dự trữ, chuẩn bị cho mùa tưới cà phê đầu mùa khô năm nay. Vì rẫy cách xa nhà nên nhiều người tưới cà phê phải ở lại chòi rẫy cả chục ngày cho một đợt tưới. Có những gia đình có diện tích cà phê lớn, xa nguồn nước phải ở luôn trong rẫy từ một tuần đến nửa tháng mỗi đợt tưới cà phê.

Để lắp đặt máy bơm xuống giếng hay ở lòng xuống, hoặc mép hồ lấy nước, chủ nhà cùng những hàng xóm phải hì hục, một người thì lấy tấm ván cản dòng nước xiết để nước dâng lên cho bơm đủ hút. Một người loay hoay cột dây cho tấm vản khỏi bị trôi. Xong rồi một người thả cái vòi hút to xuống nước. Người khác quay khởi động máy bơm. Máy bơm thường được sử dụng nhất là loại máy nổ chạy dầu hay chạy xăng, thi thoảng có nhà dùng bơm điện nhưng khá ít ỏi. Loại máy nổ này công suất lớn hơn, hút được nhiều nước hơn và có thể đẩy dòng nước đi cả km khi nguồn nước ở xa vườn cà phê cần tưới.

Trong rẫy cà cách xa nguồn nước, khi người cầm đầu vòi cảm nhận có cái gì đang làm rung rung hệ thống ống. Là nước đấy! Khi tiếng máy xình xịch ở đằng xa bắt đầu nổ, thì ở đầu vòi tiếng nước phun trào trắng xóa. Trong rẫy cà phê của mình, ông Đinh Văn Thế kéo ống tay áo lên, nhìn đồng hồ. Nó đã điểm bảy giờ kém mười phút sáng. Năm tiếng sau sẽ hết một ca. Mỗi ngày phải bốn ca như thế để tưới, và phải mất khoảng 12 ngày mới tưới xong hết rẫy cà phê rộng chứng 1ha.

Ông Thế thủ thỉ: “Mùa tưới mà, gió lạnh. Hơn nữa hay bị tắc nước nên máy, sửa ống suốt. Không sửa thì thôi chứ đã sửa là ướt như chuột lột. Nước ngấm vào người. Lạnh thấu xương, nhất là tưới ban đêm mà hỏng máy thì là một cực hình!”.

Hết đợt tưới, đứng bên máy công nông. Ông Thế hãm ga. Rồi tắt máy hẳn. Người hàng xóm cùng với hai vợ chồng ông đi tháo tất cả các cùm ống để chuyển ống sang một hàng cà phê khác. Hai người đàn ông mang vác, kéo ống lại rồi tra cùm vào đầu ống kia. Tưởng như rất đơn giản nhưng cũng có lúc cùm quá cứng phải 2-3 người giúp khóa cùm. Hôm qua chuẩn bị ống. Ông lười bôi mỡ vào chốt cùm nên cùm nó hơi cứng. Trời lạnh tái tê, lại ướt sũng vì nước trong ống nên môi ai cũng bặm lại. Thay ca xong. Nước phun lên vòi. Hoa nước lại bung lên trên nắng cao nguyên mùa gió chướng khô lạnh.

“Thương con nhưng trót mang cái nghiệp làm cà phê nên tự an ủi mình cố làm ăn cho con được đổi đời. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Hai vợ chồng vẫn nghĩ như vậy. Mỗi ngày ngủ được mấy tiếng đồng hồ rồi lại dậy đi thay ca, lại kéo ống và tra cùm nối ống… cứ như thế cho hết từng đợt, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống thì mới hết mùa tưới cà!”, ông Thế chia sẻ chuyện làm cà khá vất vả như thé.

Những năm qua cà phê không tăng giá, nhưng người trồng không vì vậy mà buông xuôi, bởi đây là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính của các hộ gia đình ở Tây nguyên. Thời gian này, họ dành rất nhiều công sức, tâm huyết tưới tắm cho các vườn cà phê với hy vọng về một vụ mới bội thu, tăng giá.

Trong đêm, nghe đâu đó mùi hoa cà phê bay từ trong vườn khác. Đó là những vườn đã tưới mấy ngày trước, và hoa cà phê đã bung nở trắng xóa, tỏa hương ngào ngạt khắp cả không gian. Trong lòng người trồng cà phê như ông Thế, ông Giỡ hay những người nông dân khác, họ đều cầu mong cho cà phê năm nay sai trái, bán được giá để bù lại công chăm sóc cả năm vô cùng vất vả như thế này.

Tiêu Dao

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ron-rang-mua-hoa-nuoc-mien-bazan-post55309.html