Rộn ràng đón chào Xuân Mậu Tuất 2018

Thời tiết đầu Xuân mới 2018 trên hầu khắp vùng miền Tổ quốc đẹp hiếm có. Các tỉnh miền bắc không quá lạnh, nhiều khu vực miền trung và miền nam tiết trời mát mẻ, tạnh ráo khiến cho bầu trời xuân thêm trong sáng, thênh thang.

Đêm Giao thừa, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức bắn pháo hoa, thu hút đông đảo người dân đổ ra đường thưởng lãm. Các đường hoa, đường sách, đường ánh sáng… tại nhiều khu đô thị lớn; các tụ điểm vui chơi giải trí và di tích tâm linh trang hoàng rực rỡ càng khiến cho mặt đất tràn đầy sức Xuân. Có thể nói, trong những ngày Xuân Mậu Tuất này, hoa nở trên trời và nở trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Năm nay, Thủ đô Hà Nội thay đổi cách trang trí đường phố để đón Xuân. Những cụm đèn mầu được thiết kế nhỏ gọn, nhưng tinh tế hơn, tạo nên vẻ đẹp trang nhã. Những bồn hoa, hàng cây được cắt tỉa cẩn thận, điểm thêm ở giữa có những gốc bích đào khiến không khí ngày xuân thêm rộn ràng, tươi mới.

Đêm 30 Tết, không khí rất đông vui, nhộn nhịp. Người dân Thủ đô đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm thư thả dạo chơi, chờ đón màn bắn pháo hoa. Nơi tập trung đông người nhất là khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm Đinh Dậu và năm Mậu Tuất, không khí vỡ òa trong vui mừng khi những loạt pháo hoa nổ vang, rực rỡ một góc trời. Chị Nguyễn Minh Thu (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân) vui mừng cho biết: “Đón xuân mới, xem bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm luôn đem lại cho chúng tôi một cảm giác hết sức đặc biệt. Bởi đây là không gian linh thiêng của Hà Nội. Năm Đinh Dậu vừa qua, đất nước đã có bước phát triển vững vàng, nhờ đó mọi người, mọi nhà đều đón xuân mới vui tươi, đầm ấm. Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn nữa trong năm Mậu Tuất này”.

Ngay sau Giao thừa, người dân Thủ đô bắt đầu đi lễ tại các di tích, đình chùa trên địa bàn. Các di tích lớn như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ… đều đông đúc người dân. Không khí tấp nập ở các di tích kéo dài suốt những ngày đầu năm mới, nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi diễn ra Hội chữ Xuân Mậu Tuất. Chỉ riêng ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, hàng chục nghìn lượt người đã đến đây xin chữ. Người dân thường xin chữ Nhẫn, Trí, Đức… để răn dạy con cháu; chữ Phúc, Lộc, Tài… để cầu mong năm mới an bình, thịnh vượng.

Đường hoa Nguyễn Huệ và đường sách Tết Mậu Tuất trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) là địa điểm được người dân thành phố và du khách tham quan tìm đến. Đêm Giao thừa, người dân tập trung trên phố đi bộ vừa tham quan đường hoa vừa chọn cho mình vị trí đẹp để xem bắn pháo hoa tầm cao. Từ mồng 1 Tết, các sân khấu tiêu biểu trong thành phố như sân khấu Kịch Hồng Vân, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đều đỏ đèn phục vụ khán giả cho đến hết mồng 10. Bắt đầu từ mồng 1 Tết, người dân thành phố có thêm một điểm vui chơi giải trí hấp dẫn khác, đó là Gala xiếc quốc tế khai mạc tại Công viên Gia Định, quận Gò Vấp. Hơn 50 nghệ sĩ xiếc Việt Nam và các nước trên thế giới đã mang đến những tiết mục xiếc ấn tượng, thú vị.

Đường sách trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) luôn thu hút nhiều du khách. Ảnh: LÊ TẤN VŨ

Cách TP Hồ Chí Minh không xa, đêm 30 Tết, trên các tuyến đường của TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) rất nhộn nhịp đông vui; hàng chục nghìn người đổ về phường Hòa Phú để thưởng ngoạn Đường hoa Bình Dương 2018, xem chương trình nghệ thuật - tấu hài miễn phí phục vụ nhân dân do tỉnh tổ chức với các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP Hồ Chí Minh biểu diễn; xem bắn pháo hoa và đón Giao thừa chào năm mới. Ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, trên các tuyến đường như Đại lộ Bình Dương, Cách Mạng Tháng Tám, Yersin, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Ngọc Thạch…, người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương đổ về Chùa Bà, Chùa Hội Khánh, Công viên Trung tâm thành phố mới Bình Dương, Khu du lịch Đại Nam Văn hiến... vui chơi và đi lễ.

Đêm Giao thừa, TP Hải Phòng trang hoàng rực rỡ sắc mầu trên các tuyến phố. Thời khắc chuyển giao năm mới, tiếng còi tàu cất lên âm vang trên bến cảng cùng màn pháo hoa lung linh rực sáng trên hồ Tam Bạc, hồ An Biên, khu công nghiệp Vsip ven sông Cấm... Các địa điểm khác như Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Tiệp, Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, sân khấu nhà Kèn - vườn hoa Nguyễn Du… cùng các chương trình nghệ thuật thu hút đông đảo người dân vui chơi. Thời tiết đẹp trong các ngày mồng 1 và mồng 2, nên người dân thành phố Cảng tưng bừng đi thăm hỏi, chúc Tết và lễ chùa đông vui, tấp nập. Tại một thành phố cảng khác là Đà Nẵng, thời tiết cũng rất đẹp. Ngày mồng 1, hàng nghìn người dân Đà Nẵng đã xuất hành, du xuân tại các điểm tâm linh và điểm vui chơi giải trí như Đường hoa Xuân, Công viên 29-3, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Chùa Quan Âm… Theo đại diện Ban quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, những ngày qua, lượng khách đến đây tăng mạnh, chỉ riêng ngày mồng 1, đã đón hơn 5.330 lượt khách, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, có hơn 2.900 lượt khách nước ngoài.

Tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế), hàng nghìn người dân và các bạn trẻ đổ ra đường đêm Giao thừa, tập trung về khu vực di tích Nghinh Lương Đình - Phu Văn Lâu và Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ đài (Đại nội Huế) và các công viên lân cận để thưởng thức chương trình nghệ thuật tổng hợp “Mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018” và xem các màn pháo hoa nghệ thuật rực sáng trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời. Cũng trong đêm Giao thừa, tại huyện miền núi Nam Đông, đông đảo đồng bào các dân tộc đã tập trung về khu vực trung tâm huyện để thưởng thức chương trình văn nghệ và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa. Tiếng reo vui hoan ca khi 500 quả pháo hoa lần lượt bung trên bầu trời.

Tỉnh Phú Yên có một mỹ tục rất đẹp, đó là vào sáng mồng 1 Tết, tất cả các thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ chào cờ đầu năm. Trung tâm TP Tuy Hòa diễn ra các hoạt động lớn: Quảng trường 1-4 bên bờ biển có chương trình ca múa nhạc đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân; trên đỉnh núi Nhạn Tháp pháo hoa sáng rợp trời; Đường hoa Xuân Mậu Tuất tại Tiểu công viên Thanh thiếu niên, được trang trí hơn 2.000 chậu với hơn 50 loài hoa đặc sắc của các nhà vườn Phú Yên và các tỉnh bạn. Ngay trong những ngày Tết, một bộ phận ngư dân TP Tuy Hòa và các huyện ven biển Phú Yên vẫn có mặt trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa để đánh bắt cá ngừ đại dương. Theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Phú Yên, năm nay có 55 tàu đánh cá công suất lớn với 360 ngư dân đón Tết trên biển. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã tổ chức chúc Tết ngư dân qua hệ thống vô tuyến, nhằm động viên tinh thần bà con vững vàng nơi biển đảo quê hương.

Lần đầu tiên, TP Vũng Tàu đưa đường sách vào hoạt động đúng dịp xuân này. Đây là sự kiện nằm trong Lễ hội hoa Xuân được tổ chức hằng năm tại thành phố biển Vũng Tàu. Với 17 gian hàng, đường sách Vũng Tàu kéo dài từ giao lộ Lê Lợi - Bacu đến giao lộ Quang Trung - Bacu đã trở thành điểm nhấn và thu hút rất đông du khách, trở thành điểm hẹn văn hóa, du lịch, nơi gặp gỡ, thưởng ngoạn, vui Xuân trong những ngày đầu năm mới.

Hòa cùng không khí mùa xuân của cả nước, người dân TP Đà Lạt, Lâm Đồng đón Tết trong niềm hân hoan của sự đổi mới đang hiện hữu trên những nếp nhà. Đây là nơi hội tụ của nhiều miền quê, thế nên, Tết Đà Lạt có hương cốm thoang thoảng trong gió xuân ngọt lành, có nồi canh thơm nức mùi cá rô đồng, mùi cay nồng khi bưng bát cơm hến vọng cố đô, có hương chè xanh ngọt hậu trong mùa nắng lạnh đặc hữu xứ cao nguyên. Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới, người dân và du khách nô nức đổ về các tuyến đường quanh hồ Xuân Hương, trái tim phố núi và Quảng trường Lâm Viên, xem biểu diễn nghệ thuật, và ngắm màn pháo hoa lung linh mặt hồ. Năm nay, chương trình pháo hoa chào đón năm mới được tổ chức ở nhiều nơi tại Lâm Đồng cùng các chương trình nghệ thuật, hội chợ xuân, phục vụ người dân và du khách.

Người dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vui đón Tết cổ truyền. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Tại các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Lạng Sơn…, thời tiết rất đẹp, ánh nắng chan hòa trong mầu xanh của núi và cỏ cây. Thời khắc Giao thừa, nhiều địa điểm thuộc hai tỉnh đều tổ chức bắn pháo hoa phục vụ người dân. Các cơ quan, tổ chức và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Lào Cai đã trao hơn 61 nghìn suất quà Tết (trị giá hơn 30 tỷ đồng) và nhiều vật dụng sinh hoạt, quần áo ấm tặng đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Tỉnh Lào Cai đã chuyển 193 tấn gạo của Chính phủ đến tận tay hơn ba nghìn khẩu có hoàn cảnh khó khăn để đón Tết, ổn định cuộc sống và sản xuất. Trong hai ngày mồng 1 và mồng 2, đã có hơn bảy nghìn lượt du khách đến Sa Pa, trong đó có hơn ba nghìn khách nước ngoài.

Còn tại Lạng Sơn, nhiều điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Chùa Thành, chùa Tam Thanh (TP Lạng Sơn); chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng); Đền Mẫu (huyện Đồng Đăng)… người dân và khách thập phương nô nức đi lễ chùa, thắp hương thành kính tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đã có công gìn giữ biên cương Tổ quốc và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm Mậu Tuất 2018. Để đón Tết bình yên, không để xảy ra tình trạng đốt pháo, Công an tỉnh đã tăng cường 200 cán bộ chiến sĩ đến các khu vực đông dân cư. Vì vậy, trong những ngày Tết, tình trạng đốt pháo nổ giảm hẳn; không có hiện tượng đua xe trên các tuyến phố…

Cũng trong sáng mồng 1 Tết, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đã thực hiện thủ tục thông quan nhanh gọn, an toàn cho các đoàn khách du lịch vào “xông đất”. Lực lượng biên phòng vẫn tổ chức trực 70% quân số, cho nên mọi hoạt động ở cửa khẩu diễn ra bình thường, tạo điều kiện cho bà con cư dân hai bên biên giới thăm thân, giao lưu văn hóa, văn nghệ trong những ngày Tết.

Quay về với miền Tây Nam Bộ, TP Cần Thơ rực rỡ cờ, hoa khắp các tuyến đường trung tâm, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng năm mới Mậu Tuất. Điểm thu hút đông người dân Cần Thơ và du khách là đường hoa nghệ thuật tổ chức trên tuyến đường đôi Võ Văn Tần và Nguyễn Thái Học. Với chủ đề “Cần Thơ mừng Xuân mới”, đường hoa nghệ thuật trải dài hơn 300 m với hơn 30 tiểu cảnh, mô hình được làm từ hơn 80 nghìn vỏ hoa cảnh, cây trái khác nhau tái hiện những danh thắng nổi tiếng của đất nước, các cảnh đẹp ở TP Cần Thơ. Đáng chú ý, tiểu cảnh những chú chó (linh vật) chuyển động trong tiếng nhạc đờn ca tài tử, thu hút đông người dân tham quan chụp ảnh lưu niệm.

Đêm Giao thừa, hàng nghìn người dân đổ về khu vực trung tâm thành phố thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ. Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Cần Thơ - 50 năm hào khí mùa xuân” với sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ ở Sân khấu công viên Lưu Hữu Phước tái hiện lại khí thế hào hùng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân dân Cần Thơ 50 năm trước.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35592302-ron-rang-don-chao-xuan-mau-tuat-2018.html