Rộn rã làng hài

Tết đến Xuân về, ai nấy đều muốn nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả vì thế tiếng cười luôn là thứ 'đắt khách'. Táo quân, phim hài Tết, đĩa hài Tết từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mâm cỗ xuân. Chỉ có điều, tùy theo độ đua tranh và 'thời giá' mỗi năm mà gia vị này 'mặn' hay 'nhạt'.

Khi Táo quân cũng “mê” U23 Việt Nam

Đặc trưng của chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên VTV (khán giả quen gọi là Táo quân) không chương trình nào “đụng hàng”, đấy là việc bám sát thời sự diễn ra trong năm để tổng kết, đả kích, giễu nhại.

Điều này đánh trúng tâm lí của đông đảo quần chúng nhân dân nên rất được trông đợi, hào hứng.

Chính vì vậy khâu kịch bản chương trình luôn được ê-kíp chú trọng thực hiện từ rất sớm và đó là sản phẩm của cả tập thể chứ không chỉ được viết bởi duy nhất một người.

Táo quân 2018 đề cập đến nhiều vấn đề nóng của xã hội trong đó có nạn chạy quyền từ những “mầm non Táo”, nạn bạo lực ở các cơ sở mầm non tư nhân, cuộc cải cách tiếng Việt gây ồn ào.

Những vấn đề nhức nhối nhất năm 2017 - “cuộc chiến” tại các trạm BOT, các đại dự án lỗ hàng nghìn tỉ đồng, chuyện bán đảo Sơn Trà, thuốc ung thư giả, ô nhiễm môi trường... cũng lọt vào tầm... châm biếm của Táo quân với nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Đặc biệt, kịch bản Táo quân xuân Mậu Tuất còn bị thay đổi bởi các “chiến binh” U23 Việt Nam.

Sự xuất sắc của các câu thủ như Duy Mạnh, Quang Hải, Công Phượng, huấn luyện viên Park Hang-seo cùng cách đón các “người hùng” trở về khiến các Táo cứ “chết mê chết mệt”…

Có thể nói, mỗi năm chương trình đều có những điểm nhấn, tạo sự khác biệt, mới lạ, hấp dẫn để thu hút và giữ vững thương hiệu.

Điểm đặc biệt của năm nay là Táo quân 2018 đánh dấu kỷ niệm 15 năm từ khi bắt đầu ra đời “Gặp nhau cuối năm” nên quy tụ đông đảo diễn viên nhất từ trước đến nay.

Đầu tiên phải kể đến những gương mặt nghệ sĩ gắn bó suốt nhiều năm qua như: NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Công Lý, NSƯT Xuân Bắc (bộ 3 Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu); NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung (luân phiên làm nhiều các chức danh Táo khác nhau).

Chương trình cũng chào đón trở lại những nghệ sĩ đã từng tạo được ít nhiều dấu ấn trong Táo quân như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Minh Vượng.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm không có nghệ sĩ trẻ kế nhiệm, năm nay dàn nghệ sĩ hài trẻ như Minh “Tít”, Trung “Ruồi”… xuất hiện như một mới cùng “tung hứng” với các Táo quen thuộc.

Các vai diễn của họ dù nhỏ nhưng cũng gây được ấn tượng với khán giả truyền hình.

Đã thành thông lệ, rất nhiều câu nói trong Táo quân được đời thường hóa, người dân sử dụng hàng ngày với đầy sự thích thú vì thế, trên sân khấu Táo quân năm nay, sẽ không chỉ có các bài hát nhạc “chế” khiến khán giả cười nghiêng ngả mà các nhân vật còn có những câu nói đơn thuần đủ khiến người xem truyền hình “điên đảo” vì độ thâm sâu.

Những câu nói này dần trở thành hiện tượng, khiến ai ai cũng phải nhắc đi nhắc lại mà ai nghe thấy cũng phải bật cười.

Theo đó, ngôn ngữ mạng xã hội cũng là điểm nổi bật được các Táo sử dụng, tương tác trong kịch bản chương trình khiến màn tung hứng thêm phần kịch tính, xôm trò.

Một điểm đặc biệt nữa của Táo quân 2018 là việc bỏ báo cáo trong buổi chầu như thông lệ hàng năm.

Thay vào đó là một “cuộc đua” giành ghế của các Táo.

Độ “hoành tráng” của chương trình càng tăng lên khi “Tập đoàn Thiên Lôi” lên tới 5 người.

Lần đầu tiên cả 2 con trai Xuân Bắc đều tham gia chương trình Táo quân. Bằng quan hệ to của bố Nam Tào nên Bi béo vượt mặt tất cả học trò khác, trở thành quan chức thiên đình khi đang “vắt mũi chưa sạch”. Hình ảnh quan nhí nghênh ngang, ép người quá đáng khiến người xem không thể nhịn cười…

Hài Tết “tấn công” vào… mạng xã hội

Phim hài Tết cũng đã định hình từ vài năm nay với hai mảng rõ rệt. Một là đĩa hài Tết chủ yếu ở phía Bắc và còn lại là phim hài Tết chiếu rạp chủ yếu ở phía Nam.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng, ông trùm hài dân gian năm nay giới thiệu hai dự án là: Chôn nhời 5 và Họ Lý tên Thông. Hai phim này đều lấy bối cảnh làng xưa tích cũ để kể chuyện ngày nay.

Một gương mặt sản xuất hài Tết quen thuộc khác là đạo diễn Trần Bình Trọng cũng cho ra mắt dòng phim nối tiếp từ các năm ngoái là: Đại gia chân đất 8 và Làng ế vợ 4.

Công ty CP Quốc tế CMB Việt Nam cũng tung ra “Ván cờ vồ 5”, trong khi đó đạo diễn Dương Ngọc Bảo cùng ê-kíp cũng rầm rộ ra mắt phim hài “Tỷ phú đè đại gia”, đạo diễn Phạm Nguyên Bắc cũng làm phim “Ngoan lại không có quà”...

Trong cuộc đua tranh để giành thị phần trong thời buổi trăm hoa đua nở, mỗi người làm phim đều phải mang đến những cái mới, chưa từng có để phục vụ khán giả. “Làng ế vợ 4” lấy bối cảnh chưa từng có: Thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Nhân vật sẽ trải qua nhiều chuyện bi thương, éo le chứ không chỉ có hài.

Bối cảnh được chuyển vào miền Nam với các diễn viên miền Nam như: Hoàng Sơn, Cát Phương, Nina Trang thay vì những Chiến Thắng, Quang Tèo như năm ngoái.

Các đơn vị khác cũng mạnh dạn triển khai những đề tài thời thượng. Phim “Ván cờ vồ” tận dụng bối cảnh xã hội đen, mời nghệ sĩ Trung Anh, Danh Thái, Thanh Hương tham dự để tận dụng hiệu ứng phim truyền hình “Người phán xử”.

“Tỷ phú đè đại gia” khai thác nhiều góc khuất của giới thượng lưu.

Bối cảnh phim thậm chí còn vượt biên sang tận Dubai (Ấn Độ) để tạo không khí mới cho khán giả.

Xu thế phát hành năm nay của các đơn vị vẫn là bỏ qua băng đĩa truyền thống, nhờ cậy vào truyền hình và mạng xã hội.

Hai đạo diễn Phạm Đông Hồng, Trần Bình Trọng đều cho biết, phim hài năm nay vẫn sẽ được các đài địa phương mua bản quyền và phát sóng. Ngoài ra, hai đơn vị này đều có kênh Youtube riêng để đăng tải sản phẩm của mình phục vụ cộng đồng mạng.

Những phim khác như: “Tỷ phú đè đại gia”, “Ván cờ vồ” cũng xác định mạng xã hội là kênh phát hành chiến lược.

Danh hài Vượng “Râu” thậm chí còn bỏ hẳn thị trường đĩa để tập trung làm tiểu phẩm trên Youtube.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thị trường phim Việt chiếu rạp có vẻ thưa vắng hơn mọi năm. Số lượng phim ra rạp ít hơn so với 2 năm trước. Thể loại phim cũng kém đa dạng hơn, tập trung chủ yếu vào phim hài và gia đình.

“798 Mười” - phim thứ tư do Dustin Nguyễn đạo diễn, dự kiến ra rạp đúng mùng 1 Tết là tác phẩm thuộc thể loại hài, hành động và pha chút tình cảm gia đình. Các cảnh võ thuật trong phim được dàn dựng mang dáng dấp của môn phái Vịnh Xuân đình đám.

Tuy nhiên, những màn tỉ thí trong phim đa phần là giễu nhại, gây cười và khiến người xem liên tưởng tới phong cách của “vua hài” Châu Tinh Trì, chẳng hạn trong bộ phim nổi tiếng Kung Fu Hustle.

Các phim còn lại “Đích tôn độc đắc” với điểm nhấn là Hoài Linh, “Siêu sao, siêu ngố” do diễn viên hài Trường Giang cầm trịch và “Về quê ăn Tết” do Ngô Thanh Vân sản xuất cũng hứa hẹn mang đến cho bàn tiệc thêm vui nhộn.

Tuy vậy, nhìn vào danh sách các phim dễ dàng nhận thấy đây đều là những sản phẩm có tính chất thời vụ và vì thế, mâm cỗ xuân tuy có lắm món nhiều vị nhưng ít đặc sản, càng khó trông chờ có những đặc sản xuất sắc.

Một phim hài Tết hứa hẹn sẽ đem tới điều mới lá đó là “Họ Lý tên Thông” của đạo diễn Phạm Đông Hồng. Ông đã ấp ủ làm phim này suốt 2 năm nay và được xây dựng kịch bản khá kỹ càng.

Với đề tài dân gian, ai cũng sẽ nghĩ là chuyện Lý Thông - Thạch Sanh, nhưng không phải vậy.

Phim khác lạ ở chỗ khi Lý Thông gặp và cứu Thạch Sanh thoát nạn, hai người kết nghĩa anh em, Thạch Sanh về sống với Lý Thông và thề rằng: “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”, hai anh em thương yêu nhau và đều làm những việc tốt.

Tiếc thay khi Lý Thông mỗi lần làm việc tốt thì đều gặp tai họa, ngay cả khi nấu cháo phát chẩn cho dân nghèo cũng bị người đời nghi kỵ, ghen ghét. Lý Thông từ đó thề không làm việc tốt nữa, và hắn trở thành con người hoàn toàn khác: Mưu mô, xảo trá…

Phim có sự tham gia của NSND Trung Hiếu, MC Thành Trung, NSND Tiến Đạt, NSUT Thanh Tú… Đặc biệt với sự xuất hiện của NSND Quốc Chiêm sau mấy chục năm vắng bóng và một gương mặt trẻ Quỳnh Kool.

Nhật Nam

Cao Minh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/ron-ra-lang-hai-tintuc394858