Rơm Rạ Rác Rưởi

Ở làng Sưa quê tôi có anh em nhà Rơm Rạ, con ông Tro bà Trấu. Bây giờ anh Rơm đã làm tới chức trưởng thôn còn cô Rạ thì thành bà nội bà ngoại, chủ một tổ hợp sản xuất hàng thủ công xuất khẩu.

Họ lớn lên trong sự bần cố của đời người. Anh Rơm kể mẹ anh sinh ra anh dưới chân đống rơm nhà ông bà Cả Cải, khi mẹ đang rút rơm cho con trâu mộng nhà bà vào buổi tối cuối Đông mưa phùn gió Bấc rét căm căm, may mà được bà Cải phát hiện và thương tình dìu mẹ vào trong bếp cho hơ lửa rồi cho “ủ” thằng bé vào trong mớ áo quần cũ, hai mẹ con nằm trong ổ rơm ấm sực mùi khói tro trấu rơm rạ và mùi cám lợn. Bà Cải phúc đức còn đặt tên cho anh là thằng Rơm. Còn cô Rạ thì được mẹ sinh ra trên cánh đồng Dông, sau đó hai năm, khi mẹ đang cắt rạ thuê cho bà Uởi xóm Trại. Tên Rạ cũng do bà Cải đặt. Thật chẳng còn gì phải băn khoăn. Thằng Rơm cái Rạ lớn lên như cọng rơm cọng rạ cùng mẹ từ lúc đỏ hỏn trong căn bếp nhà bà Cải đến ngày cải cách thì được chia luôn phần bếp và phần đất sau nhà. Ông bà Cả Cải bỏ làng theo con vào Nam biệt tích. Bố Tro của Rơm Rạ mất trong ổ rơm vì bệnh ho ra máu sau đợt cày ruộng đổi công cho mấy nhà hàng xóm. Cuộc đời Rơm Rạ mồ côi cha từ bé, nhưng may mà mẹ Trấu không đi bước nữa. Bà bảo hai ông bà lấy nhau cũng là tội nợ, hai kẻ cày thuê cấy rẽ tay trắng, đến cái tên mình cũng không biết là tên gì, khi ông bà chủ hỏi mới ớ ra: “Thầy u chúng cháu chết rồi, đếch nói cho chúng cháu biết tên!”, mẹ anh nói. “Người ta vẫn gọi cháu là cái Đĩ’’, bà nói thêm. Còn cháu tên là Tro’’, bố anh khai. “Trước khi chết thầy cháu bảo mày tên Tro vì nhà cháu suốt đời ở bếp nhà người ta, chả kém gì tro trấu”. Ông Cải cả cười đặt lại tên cho mẹ là Trấu “cho nó thuận theo tên chồng là Tro!”, ông bảo thế. Hai người phải lòng nhau, được ông bà Cải dựng cho thành đôi lứa, đã hứa suốt đời làm kẻ hầu người hạ cho ông bà...

Tôi thật tình nhiều khi về làng cũng đôi lúc muốn đến nhà chuyện trò với ông Rơm trưởng thôn. Nhưng thật vô duyên. Mấy lần hẹn mà vẫn không gặp được. Khi ông bận chuyện này. Lúc bận chuyện kia. Một ông trưởng thôn mà sao lúc nào cũng tất bật, cũng bận rộn chả kém chủ tịch xã, chủ tịch huyện? Nhà ông Rơm đổ mái bằng có ti vi cát sét, xe máy Trung Quốc và bếp ga. Cô con gái lớn lấy chồng trên phố huyện. Còn anh con trai thứ cũng đã lập gia đình riêng. Anh em cùng cô Rạ tổ chức tổ hợp sản xuất thảm rơm xuất khẩu. Đời con người ta kể cũng lạ kỳ. Cả nhà có mấy cái tên Tro, Trấu, Rơm, Rạ tưởng thế là đã lãnh hết phần của cái quê mùa. Nào ngờ bà Rạ đặt tên hai đứa con trai là thằng Rác, thằng Rưởi. Bà bảo đặt thế cho “rễ” nuôi. Ở quê tôi "dễ" nuôi thì gọi là "rễ" nuôi. Sau này lớn lên Rác đổi thành Các. Còn Rưởi đổi thành Bưởi. Phạm Công Các và Phạm Công Bưởi. Hai chàng trai này đang học đại học trên Hà Nội. Một Bách Khoa, một Sân khấu điện ảnh. Bà Rạ nuôi con bằng nghề kết những cọng rơm nếp óng mượt thành ra thứ thảm rơm bán cho người Tây. Tổ hợp sản xuất thảm rơm rạ của cô cháu bà nay có trên mười người thợ lành nghề, mỗi năm làm ra hàng ngàn mét vuông thảm xuất khẩu mang thương hiệu Made inViet Nam.

Dịp Thu năm ngoái tôi có anh bạn là người Mỹ, nhân được nghỉ lễ chi đó, liền làm một chuyến “ba lô” một tuần qua Việt Nam thăm chơi với tôi. Trong chương trình thăm thú ấy, tôi lên cho anh một chương trình với các điểm du lịch nổi tiếng nào Vịnh Hạ Long, SaPa. Nào Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bãi Cháy, rồi về vùng quan họ Bắc Ninh hoặc về làng quê tôi, làng Sưa, một làng quê ở đồng bằng Bắc bộ, tuy chưa có tên trong bản đồ du lịch, nhưng cũng khá đậm đặc chất quê mùa rơm rạ. Về đây có thể được nghe những bài hát chèo cổ, xem làng nghề dệt thảm từ rơm rạ, với những người nông dân vẫn còn nguyên xi chất phác, ăn cơm gạo quê, cá kho ủ bếp trấu cả đêm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mới được dỡ ra ăn. Ăn rau muống luộc hái từ ruộng nhà về chấm với tương hay với mắm cáy, mắm rươi thì ngon hết bàn. Nói chung là tuyền món truyền thống với tôi thì quá quen thuộc, nhưng với anh toàn lạ hoắc. Và thêm nữa, nếu mà “về quê tôi” thì sẽ được những người rặt quê như ông Rơm bà Rạ phục vụ miễn phí. Nghe nói thế không ngờ anh bạn tôi mê liền. Anh bảo “đây là thời cơ có một không hai, bạn đưa tôi về quê bạn chơi đi”. Tôi điện thoại về cho ông anh tôi. Anh vốn là giáo viên cấp hai trường làng đã nghỉ hưu. Anh tôi rất sốt sắng sẵn sàng làm “hướng dẫn viên du lịch” . Anh bảo đích thân anh sẽ đưa đi thăm ngôi chùa cổ làng Sưa. Thăm làng nghề Bảo Hà chuyên đẽo tượng cho các ngôi chùa cổ Việt Nam. Và nơi đây có nghề tạc tượng con giống cho các phường rối nước khắp cả trong Nam ngoài Bắc. “Tuyệt!”. Anh bạn người Mỹ của tôi háo hức nghe “nhạc hiệu đoán chương trình”, chờ tôi thu xếp về quề cùng.

Một tuần “vèo một cái” đã hết. Anh bạn Mỹ của tôi bỏ hết các chương trình đi thăm các danh lam thắng cảnh mà đã “chớp thời cơ” để được về ở hẳn trong ngôi nhà ngói năm gian của ông anh tôi. Đi thăm thú đâu tiên là nhà ông Rơm bà Rạ. Sau nữa là phường múa rối. Rồi tổ hợp sản xuất thảm. Tối tối nghe hát chèo cổ và ăn ngô rang, thóc nếp rang, uống nước chè xanh bằng bát chiết yêu, ăn khoai lang nướng, bưởi vườn nhà các cháu hái về cho, vứt đầy gầm giường.

Câu chuyện đưa anh bạn Mỹ về quê thăm chơi, tưởng thế là xong. Cả năm vừa qua anh liên tục email cho tôi, kể những chuyện lạ mắt thấy tai nghe của anh khi “chớp" được thời cơ vàng, ấy là chuyến về quê tôi. Rồi anh nảy ra sáng kiến bàn với tôi cùng viết một loạt phóng sự về những ông Rơm bà Rạ với các chương trình làm thảm rơm rạ xuất khẩu đưa chào hàng qua các công ty môi giới của Mỹ. Anh bảo tôi, khi thời cơ đã đến, mình phải “chớp” liền. Thị trường thảm rơm ở Mỹ gần như chưa ai biết đến. Đây là thời cơ “vàng” để anh em mình đưa rơm rạ qua Mỹ tính chuyện làm ăn. Tôi “ok” liền. Và chúng tôi đã bắt tay giao dịch được với ba điểm nhận hàng với mẫu mã và các tiêu chuẩn mới do các công ty kiểm định của Mỹ đề ra. Rơm Rạ Rác Rưởi bây giờ là tên của công ty “4R’’ Made in Vietnam của chúng tôi đấy các bạn thân mến ạ.

Trung Trung Đỉnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/rom-ra-rac-ruoi--tintuc419324