Rơi vào đầu

Việc vừa xảy ra, một người mẹ đơn thân 30 tuổi đang di chuyển trên đường Lê Văn Lương thì bị một thanh sắt của công trình xây dựng rơi vào đầu gây tử vong.

Chuyện này không phải mới xảy ra lần đầu. Năm 2014, công trình đường sắt trên cao cũng từng làm rơi thanh sắt xuống, cướp đi mạng sống của một thanh niên. Những vật thể lạ rơi xuống đầu của bất cứ ai, bất cứ khi nào. Hôm nay là họ, ngày mai sẽ đến lượt chúng ta.

Kịch bản xưa nay vẫn một bài. Công trình gây tai nạn sẽ bồi thường gia đình lo đám tang. Cũng có khi số tiền này còn được mang tên "hỗ trợ". Hào phóng quá hỡi ôi.

Hàng ngày chúng ta khó thoát được dòng chảy xe cộ sát công trình. Ngửa cổ lên thấy thật rùng rợn. Công trình thì không được lưới che chắn. Các cần cầu vẫn hoạt động hì hục trên đầu đám đông. Những vụ cần cẩu đổ trên phố đã từng xảy ra.

Ở các nước phát triển, tất cả công trình đều được phủ lưới 100%. Dưới vỉa hè phải làm vỉa hè có mái che vững chắc, không khác gì tạo mới một cái hầm.

Minh họa Tả Từ.

"Hầu hết tai nạn xảy ra đều do chính ta gây ra". Đó là một câu mở đầu của cuốn sách hướng dẫn các biện pháp an toàn từ một công trình xây dựng chân giàn khoan dầu. Đến một đơn vị nào thuộc dầu khí, dù là xưởng sản xuất hay giàn khoan trên biển thì việc đầu tiên là khách phải ngồi nghe khoảng 10 phút về cách đảm bảo an toàn. Đừng sốt ruột. 10 phút lặp đi lặp lại nhắc nhở mỗi chúng ta sinh mạng là cái đáng quý nhất.

Tại sao 10 phút quan trọng này hầu như không xuất hiện ở các ngành khác, môi trường khác? Cái làm cho chúng ta tồn tại chính là biết sợ. Nếu không biết sợ là gì thì tai nạn vẫn còn dài dài. Ngẫm lại thì thật sự ái ngại vì cộng đồng chúng ta phần đông là người thừa dũng cảm. Dũng cảm rồi thì cái 10 phút kia vô nghĩa.

Các nghiên cứu khoa học luôn cảnh báo có tiểu hành tinh nào đó có quỹ đạo đe dọa trái đất. Khoa học cho biết thiên thạch rơi xuống trái đất đã, sẽ tạo hậu quả như thế nào.

Thực ra chúng ta chẳng nên quá lo những nguy cơ xa. Ngay gần chúng ta luôn thường trực nguy cơ vật thể lạ từ công trường rơi vào đầu. Chuyện đó nhiều đến nỗi nhắc đến lại bị nghe câu "Biết rồi khổ lắm nói mãi".

Tóm lại thì phải biết sợ. Sợ cho mình và sợ cho người khác. Biết sợ rồi thì mọi tiêu chuẩn kỹ thuật không bao giờ vi phạm. Được thế thì chẳng có thanh sắt nào có thể rơi vào đầu ai.

Còn bạn. Bạn hay sợ hay liều lĩnh?

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/roi-vao-dau-513656/