Rơi SU-22 ở Nghệ An: Phi công dày dạn tránh nhà dân

Với kinh nghiệm của mình, hai phi công đã điều khiển chiếc máy bay SU-22 tránh xa nhà dân khi gặp sự cố.

Thông tin về vụ rơi máy bay SU-22 tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vào trựa ngày 26/7, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, cả 2 phi công gặp nạn đều là những thành viên kỳ cựu của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Danh tính 2 phi công được xác định là Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê xã Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.

Chiếc SU-22 số hiệu 8551 trước khi gặp nạn ở Nghệ An (Ảnh Infonet).

Chiếc máy bay gặp nạn là SU-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện, cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), mất liên lạc lúc 11h35, khi qua khu vực làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa đàn thì rơi xuống quả đồi gần khu vực dân cư.

Nhiều người dân chứng kiến sự việc kể lại, vào khoảng 11h họ thấy chiếc máy bay trong tình trạng lảo đảo, dường như phi công đã cố tình lái máy bay nhà dân để tìm cách hạ cánh, tránh thương vong khi có sự cố đáng tiếc xảy ra.

Chiều ngày 26/7/2018, một lãnh đạo xã Nghĩa Yên cho biết, hiện đơn vị đang tập trung toàn bộ lực lượng phối hợp cùng với cơ quan các cấp tiến hành cứu hộ cứu nạn vụ việc máy bay rơi.

Vào chiều ngày 26/7 trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có mưa lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, con đường dẫn vào hiện trường vụ việc lầy lội, nhiều người dân trong khu vực đến tìm hiểu.

Lực lượng chức năng băng rừng trong thời tiết mưa lớn để cứu hộ chiếc SU-22 bị gặp nạn tại Nghệ An.

Nhiều người dân trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ cơ quan chức năng tiếp cận hiện trường. Bên cạnh đó, các hộ dân ở xung quanh luôn giúp đỡ đơn vị chức năng đang ở khu vực chiếc máy bay gặp nạn.

"Có thể công tác cứu hộ, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc sẽ diễn ra trong thời gian dài, thời tiết cũng có chiều hướng xấu, trời sẩm tối nên công tác cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên người dân địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ cơ quan chức năng bất kể thời gian nào" - vị cán bộ xã Nghĩa Yên chia sẻ.

Hiện cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường xung quanh vụ tai nạn, đảm bảo quá trình cứu hộ cứu nạn diễn ra nhanh nhất.

Thành lập ngày 3/2/1964, trung đoàn 921 là đơn vị không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam. Từ một đơn vị huấn luyện và tác chiến với dòng máy bay Mig có trọng lượng nhỏ, khả năng mang treo vũ khí ít, bán kính tác chiến hẹp, đến nay trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su hiện đại, có khả năng mang theo vũ khí đa dạng và bán kính tác chiến rộng hơn.

Đội ngũ phi công của trung đoàn 921 rất hùng hậu so với trước đây, trong đó một nửa số phi công có thể bay đêm (phi công cấp 1) và 100% phi công có thể bay và tác chiến trên biển.

Giờ bay tích lũy của những phi công này từ vài trăm giờ bay (đối với phi công trẻ) lên đến hàng nghìn giờ bay (đối với phi công cấp 1).

Tiêm kích bom SU-22 là máy bay chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc từ năm 1988. Máy bay có tính năng đặc biệt với công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.

Dòng họ máy bay SU-22 được sản xuất tại Nga, tính năng chính của nó là tiêm kích bom, nhưng đơn vị đang dùng cho nhiệm vụ tiêm kích phòng không, có thể hoạt động trên không thời gian tương đối dài với gần 5 giờ, tốc độ 2M (2 lần tốc độ âm thanh), có thể mang 4 tấn bom, lượng nạp dầu khoảng 6 tấn, bán kính hoạt động khoảng 600km.

Vân Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/roi-su-22-o-nghe-an-phi-cong-day-dan-tranh-nha-dan-3362543/