Rời phố về quê lập nghiệp

Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, thậm chí có được công việc ổn định, với mức lương cao, nhưng không ít bạn trẻ là cử nhân, kỹ sư vẫn sẵn sàng từ bỏ tất cả để về quê lập nghiệp. Bằng sự nỗ lực vươn lên, không ngại khó, ngại khổ để có được những thành công ban đầu, với mức thu nhập đáng mơ ước.

Anh Mai Xuân Lâm là người tiên phong trên địa bàn xã Đông Quang (Đông Sơn) thực hiện có hiệu quả nuôi chim bồ câu lai Pháp.

Anh Mai Xuân Lâm là người tiên phong trên địa bàn xã Đông Quang (Đông Sơn) thực hiện có hiệu quả nuôi chim bồ câu lai Pháp.

Cất bằng cử nhân... “làm bạn” với chim bồ câu

Mai Xuân Lâm (sinh năm 1989) ở thôn Minh Thành, xã Đông Quang (Đông Sơn), học xong THPT, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Lâm đã lựa chọn con đường học đại học với mong muốn “thoát khỏi lũy tre làng”. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chàng trai trẻ Mai Xuân Lâm đã lựa chọn với việc gắn bó tại một doanh nghiệp thi công công trình ở Hà Nội. Dân công trình cuộc sống nay đây, mai đó, thậm chí có những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, nhưng chính thời gian này Lâm nhận thấy, công việc không thích hợp với bản thân. Mong muốn có được công việc ổn định tại quê hương luôn đau đáu trong anh. Sau nhiều năm mưu sinh nơi phố phường, anh đã đi đến quyết định mà không ai ngờ, là trở về quê lập nghiệp.

“Gia đình, bạn bè và người thân khi biết tôi có ý định về quê lập nghiệp, đều khuyên tôi nên suy nghĩ lại, vì với công việc và mức lương như hiện tại thì đó là niềm mơ ước của bao người. Nhưng lòng tôi đã quyết, không thể lay chuyển được, nhiều người còn nghi ngờ và thậm chí gọi tôi với biệt danh Lâm “hâm dở”, anh Mai Xuân Lâm vừa bật cười, vừa kể lại.

Trở về quê hương, bắt đầu từ con số 0, anh Mai Xuân Lâm đã trải qua nhiều ngành nghề khác nhau và cuối cùng nghề nuôi chim bồ câu Pháp đến với anh như một cơ duyên. Ban đầu chỉ là một vài đôi chim bồ câu lai Pháp để chơi, sau đó anh tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu này ở nhiều tài liệu, rồi nhân rộng ra vài chục đôi. Tưởng rằng nuôi chim bồ câu “dễ ăn”, năm 2018 anh Lâm quyết định “chơi lớn” khi gom tất cả vốn liếng và vay mượn thêm để nhận thầu mảnh 3.000m2 đất của xã để san lấp nền, xây dựng chuồng trại, đưa điện nước vào để khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.

“Khởi nghiệp, tôi đã đầu tư 600 đôi chim bồ câu giống, nhưng không ngờ chỉ ít ngày sau chết mất 100 đôi. Cũng xót ruột lắm, do ban đầu thiếu kinh nghiệm mà, tìm hiểu mới biết chim bị chết là do dịch bệnh. Quyết định làm đến cùng với con đường mình đã chọn, không nản trí, tôi tiếp tục cập nhật, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi sách vở, ở nhiều mô hình khác. Trải qua nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng đến nay tôi thấy mô hình nuôi chim bồ câu này rất tốt”, anh Mai Xuân Lâm khiêm tốn nói thêm.

Sau 4 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, đến nay trang trại của anh Mai Xuân Lâm hiện có 1.400 đôi chim giống. Mỗi năm trang trại nuôi chim bồ câu của anh xuất ra thị trường khoảng 7.000 - 8.000 đôi chim bồ câu giống và thương phẩm, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng gần 400 triệu đồng/năm. Để nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao, anh Lâm chia sẻ khâu chọn giống rất quan trọng. Chim bồ câu Pháp được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu như chim phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn, không có bệnh tật và dị tật. Trong quá trình nuôi luôn chú trọng các đợt uống vắc-xin phòng bệnh, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho chim.

Chị Dương Thị Mận, Bí thư Đoàn xã Đông Quang (Đông Sơn) cho biết: Không chỉ là người tiên phong trên địa bàn xã thực hiện có hiệu quả nuôi chim bồ câu lai Pháp mà hiện nay anh Lâm còn là chuyên gia về nuôi chim được nhiều người dân trong và ngoài xã tin tưởng đến học tập kinh nghiệm. Với vai trò là ủy viên ban chấp hành đoàn xã trong nhiệm kỳ 2022-2027, anh Lâm luôn tích cực tham gia các phong trào của đoàn và địa phương, được mọi người tin yêu và làm theo.

Từ bỏ chức trưởng phòng... về quê lập nghiệp

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội rồi vào làm việc tại Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia với chức vụ Trưởng phòng Quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, với mức lương cao nhưng anh Đoàn Đình Phúc (sinh năm 1986), thôn Thượng Đình 2, xã Quảng Định (Quảng Xương) vẫn quyết tâm bỏ việc để về quê biến vùng đất trũng thành khu chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô lớn.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trang trại nuôi gà tập trung của gia đình, anh Phúc kể rằng, nơi mà anh đang nuôi gà tập trung hiện nay, trước kia là vùng đất trũng, Nhân dân cấy lúa không được, năng suất thấp, thậm chí có những năm mất mùa. Vì vậy người dân không mặn mà với việc làm ruộng. Năm 2016, được UBND xã tạo điều kiện cho thuê thầu 1,4 ha diện tích đất vùng trũng, gia đình anh cũng mạnh dạn mua lại 0,6 ha đất của các hộ xung quanh để làm nền, xây dựng chuồng trại nuôi gà. Ban đầu gia đình anh nuôi gần 8.000 con gà giống Lạc Thủy có nguồn gốc từ Hòa Bình. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, sau gần 4 tháng chăm sóc, đàn gà đủ trọng lượng cho xuất chuồng. Ngay lứa nuôi đầu tiên, anh Phúc xuất bán gần 15 tấn gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

“Quãng thời gian 11 năm gắn bó với công ty, là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, học hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi rất yêu thích công việc của mình, thế nhưng quãng thời gian vừa làm việc tại công ty, vừa làm thêm trang trại cùng gia đình, tôi thấy hiệu quả công việc đôi bên chưa như mình mong muốn. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, tôi đã quyết định xin nghỉ công việc ở công ty để toàn tâm với mô hình trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của mình. Đây cũng là quyết định gây nhiều bất ngờ cho gia đình, người thân nhưng được sự động viên, tin tưởng của mọi người, vì vậy tôi có thêm niềm tin về con đường mình đã chọn”, anh Phúc nói.

Từ thành công ban đầu, anh tiếp tục huy động vốn xây thêm 1 dãy chuồng nuôi để tăng quy mô tổng đàn. Ngoài giống gà Lạc Thủy, năm 2020 anh Phúc đã mạnh dạn đưa thêm giống gà Minh Dư có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định vào nuôi. Bởi theo anh đây là giống gà rất dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, đầu ra, giá cả ổn định, cho thu lợi nhuận cao.

Theo anh Phúc thì cũng như việc nuôi các loại con giống khác, gà là loại vật dễ nuôi nếu nắm vững kỹ thuật. Để đàn gà lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt, điều kiện đầu tiên là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng, nhất là thời điểm xuất bán và nhập nuôi lứa mới...

Đến nay sau nhiều năm vất vả, nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vào chăm sóc, nên đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch. Với 3 khu chuồng chăn nuôi được anh thực hiện theo mô hình khép kín; ứng dụng công nghệ cao với các thiết bị đảm bảo độ chuẩn về các thông số, có giàn mát, quạt thông gió để kiểm soát nhiệt độ ổn định vào mùa hè và lò hơi cấp nhiệt giữ ấm vào mùa đông; máng ăn, nước uống được lắp đặt tự động, giảm được nhiều nhân công lao động. Hiện nay một năm, anh Phúc đưa vào nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 24.000 con; trung bình một tháng gia đình anh Phúc cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 45 tấn gà thương phẩm, với giá 75.000/1 kg, mô hình nuôi gà của gia đình anh cho thu lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. Đồng thời, gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi người chọn cho mình một con đường và lối đi riêng. Câu chuyện của Mai Xuân Lâm, Đoàn Đình Phúc là hai trong số rất nhiều thanh niên rời phố về quê lập nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh, nhiệt huyết và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ sách vở cũng như trong cuộc sống để việc họ đã và đang góp phần vào sự phát triển của quê hương mình.

Bài và ảnh: Thu Thủy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/roi-pho-ve-que-lap-nghiep/24770.htm