Rối nước Rồng Vàng tạo nội lực mới

Từ năm 2007 đến nay, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, đã nhận được sự giúp đỡ của Cung Văn hóa Lao động TP HCM nhằm xây dựng mô hình sân khấu rối nước phục vụ con em công nhân lao động và du khách đến tham quan TP HCM.

"Trước mùa dịch Covid-19, chúng tôi đã triển khai thêm điểm diễn tại các quận, huyện: 8, Gò Vấp, Nhà Bè, Củ Chi... Trong thời gian tạm ngưng hoạt động cho đến hết tháng 4, chúng tôi xây dựng chiến lược đào tạo để có được nội lực mới trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực cho múa rối nước. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực để phối hợp với nhà thiếu nhi các tỉnh, thành như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Bình Thuận... đưa giáo trình giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực cho diễn viên rối nước. Để sau mùa dịch Covid-19, diễn viên các khóa học đã tốt nghiệp sẽ trở về địa phương gầy dựng sân khấu rối nước mang sắc thái của từng vùng miền" - ông Tuấn thông tin.

Ông Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP HCM, cho rằng ưu điểm lớn nhất của thương hiệu rối nước Rồng Vàng là đã nhân rộng mô hình múa rối nước theo cách của mình ở các tỉnh, thành phía Nam, để qua mùa dịch Covid-19, lực lượng diễn viên được đào tạo sẽ áp dụng gầy dựng mô hình rối nước đưa vào phục vụ nhân dân, du khách ở địa phương mình.

Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, ngoài việc phục vụ nhu cầu của khán giả trong nước, du khách nước ngoài đến tham quan TP HCM hậu Covid-19, ngay từ bây giờ, kế hoạch đào tạo sẽ nhắm đến mục tiêu thực hành và sáng tạo, để mỗi chương trình của vùng miền mang nét đặc trưng riêng theo không gian sông nước Nam Bộ nhưng không lệch hướng.

Từ mô hình hoạt động hiệu quả của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, Cung Văn hóa Lao động TP HCM đã mở rộng đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa

Từ mô hình hoạt động hiệu quả của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, Cung Văn hóa Lao động TP HCM đã mở rộng đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa

Đạo diễn Châu Hùng Lâm, người đã hơn 20 năm gắn bó với rối nước, nói: "Nội lực mới cho rối nước miền Nam từ các lớp đào tạo của rối nước Rồng Vàng phải hướng đến việc tạo điều kiện cho khán giả thưởng thức vẻ đẹp nghệ thuật dân gian của rối nước, một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam trong không gian rất Nam Bộ. Với du khách nước ngoài, cần dịch song ngữ các bài ca để tặng, hướng dẫn họ hát theo sau khi kết thúc chương trình, giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa Nam Bộ. Đích đến của việc đào tạo là xây dựng nhiều chương trình rối nước dân gian Nam Bộ kết hợp với tính hiện đại để mỗi tỉnh, thành có thương hiệu và không lệch hướng".

Trong khi chờ đợi sự đầu tư lớn cho mô hình này, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn đã bàn giao công nghệ xây dựng sân khấu rối nước di động cho các địa phương. Theo đó, chi phí hơn 400 triệu đồng/sân khấu, sẽ đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân địa phương sau dịch Covid-19. Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Điểm thú vị là chất thử nghiệm giữa con rối nước với các diễn viên trẻ. Chính thế hệ trẻ sẽ có những sáng tạo nói lên tiếng nói thời đại. Tôi tin mô hình đào tạo diễn viên trẻ cho các tỉnh, thành của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng sẽ đạt hiệu quả khi tạo được sự sáng tạo mới mẻ trong việc thử nghiệm, giúp bộ môn nghệ thuật độc đáo này có thêm nhiều tài năng trẻ".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/roi-nuoc-rong-vang-tao-noi-luc-moi-20200319202508398.htm