Rơi nước mắt trước cuộc sống khốn khổ của người dân sau lũ

Mặc dù nước đã rút, nhưng để khắc phục hậu quả là một việc còn rất dài và chông gai. Vì vậy, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có mặt để chung tay giúp người dân.

Nước lũ vượt mốc “đại hồng thủy” năm 1979

Nước đã rút nhưng khi đi vào xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những dấu vết còn in hằn trên tường nhà của trận lũ lịch sử này. Thậm chí, tại UBND xã Lộc Thủy cũng có thể thấy rõ mực nước cao gần 2m.

Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương nước ngập sâu nhất tại tỉnh Quảng Bình.

Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương nước ngập sâu nhất tại tỉnh Quảng Bình.

Bà Phan Thị Thuyên (SN 1953), trú xóm 1 Tuy Lộc, xã Lộc Thủy nhớ lại, từ ngày 17/10, trên địa bàn bắt đầu có mưa to và rất to, kéo dài trong nhiều ngày ròng rã. Do đã có kinh nghiệm phòng chống lũ nên mọi người bắt đầu kê đồ đạc lên cao. Nhưng không ngờ rằng, chỉ qua một buổi thì mực nước đã dâng lên ngập quá đầu gối.

“Tôi còn nhớ nước lũ dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là cũng chỉ hơn 1m, gây ngập hàng chục nghìn nhà dân. Lần này, nước còn lên cao gấp đôi như vậy, cho dù di chuyển đồ đạc như thế nào cũng bị ướt. Thậm chí nhiều gia đình còn ngập cao quá đầu. Chúng tôi phải sống 3 – 4 ngày không có cơm ăn, may mà cơ quan chức năng tiếp tế mỳ tôm ăn qua bữa”, bà Thuyên kể.

Nhiều nơi tại huyện Lệ Thủy bị hư hỏng.

Nước trên sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy đạt đỉnh 4,30 m trên mức báo động III là 1,60 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 là 0,39m. Trước việc này, nhiều ngôi nhà trên địa bàn đã không chịu được áp lực của nước, của gió và thời gian ngâm quá dài nên đã bị sập đổ.

“Nhà tôi mới sửa vào tháng 6/2020 với số tiền lên đến 700 triệu. Thế mà trận lụt này đã cuốn trôi toàn bộ đồ đạc, khiến 2 bức tường bị sập đổ hoàn toàn. Chúng tôi bị mất hết rồi, giờ không biết khắc phục sao nữa”, bà Thuyên rơm rớm nước mắt kể.

Đi từng bước cà nhắc, bà Trần Thị Đức (SN 1948), trú xóm 1 Tuy Lộc mệt mỏi dùng tay xoa bóp đôi chân bị nhức mỏi nhiều ngày nay. Bà là phụ nữ sống đơn thân một mình, do tuổi già sức yếu nên có nhiều bệnh tật. Vậy nên trong đợt lũ vừa qua bà không thể làm gì được, đành phải đứng nhìn nước lũ dâng lên cuốn hết đồ đạc trong nhà, khiến ngôi nhà nhỏ bị sập đổ.

“Cho dù muốn di dời đồ thì tôi cũng không làm được, sức yếu lại một mình nên tôi chỉ có thể bỏ chạy giữ lấy người. Khi nước rút, một lớp bùn đất bám vào nhà khiến tôi buồn phát khóc, không biết mình sống tiếp như thế nào đây. May mà sau đó chính quyền và bộ đội đến giúp đỡ dọn dẹp tạm để tôi có nơi chui ra chui vào”, bà Đức thở dài.

Bà Khuyên cho biết ngôi nhà mới sửa hết 700 triệu đã bị hư hỏng.

Ông Đoàn Công Lĩnh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lộc Thủy cho biết, trận lũ vừa qua đã khiến cho 100% ngôi nhà trên địa bàn xã đều bị ngập nặng, có nhà ngập tận nóc. Ngoài ra, các cơ quan đoàn thể, nhà văn hóa và các trường học tại Lộc Thủy chịu cảnh ngập và hư hại nặng, có nơi bị bão lũ phá hủy toàn bộ tường rào, chỉ còn trơ lại cổng.

“Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thống kê đầy đủ nhưng ước tính ban đầu địa phương bị thiệt hại lên đến 100 tỉ đồng. Đặc biệt, bão số 13 đang áp sát và chắc chắn chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, cuộc sống người dân đang vô cùng khó khăn”, ông Lĩnh nói.

Nhiều người dân đang vô cùng khốn khổ sau lũ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa và lũ lớn từ thượng lưu chảy về kết hợp với thời điểm thủy triều dâng cao làm ngập lụt hàng ngàn ngôi nhà và gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Trong đó là xã Quảng Sơn và xã Quảng Minh.

Ông Hoàng Văn Tâm – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Quảng Minh cho biết: “Trận lũ vừa qua được đánh giá là lớn nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2010 hơn 0,5m. 10/10 thôn đều bị ngập. Điều đau đớn, trong 3 người tử vong tại thị xã Ba Đồn thì có tới 2 trường hợp tại xã Quảng Minh”.

Hỗ trợ tái thiết cho người dân

Trước thiệt hại của người dân tỉnh Quảng Bình, ngày 14/11, ông Trần Đức Long - Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch chuyên trách hội Luật gia Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Ủy viên ban chấp hành Trung ương hội, Trưởng ban Đối ngoại hợp tác quốc tế đã dẫn đoàn công tác cùng với đại diện công ty TNHH Phát triển công nghệ CFTD có mặt để trao quà hỗ trợ, giúp người dân tái thiết cuộc sống.

Đoàn công tác trao quà tại xã Lộc Thủy.

Tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, đoàn đã trao 11 suất quà cho các gia đình bị sập nhà do mưa lũ vừa qua, mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng. Trao đổi với bà con, ông Trần Đức Long cho hay: “Mỗi phần quà không lớn nhưng chứa đựng cả tấm lòng của chúng tôi. Hi vọng, số tiền nhỏ này sẽ giúp mọi người thêm động lực để khắc phục khó khăn, trở lại cuộc sống trước đây”.

Ông Long hi vọng số tiền này sẽ góp phần nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả.

Có mặt tại UBND xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, đoàn cũng đã trao 10 phần quà tương tự cho các hộ dân đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng do lũ lụt. Ngoài ra, đoàn cũng đã trao 10 phần quà cho người dân xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn và 10 trường hợp tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng trong tình trạng tương tự.

Chị Hoàng Thị Thủy (SN 1972), trú xóm 6, xã Quảng Minh cho biết: “Đợt lũ vừa rồi nhà tôi bị ngập tới 1m87, thiệt hại tới 150 triệu đồng. Cả nhà đang lo lắng sắp tới phải sống tiếp như thế nào. Trước món quà của Hội Luật gia, tôi vô cùng biết ơn, trong lúc hoạn nạn mới thấy được tình người quý giá nhường nào”.

Đại diện công ty TNHH Phát triển công nghệ CFTD có mặt để trao quà hỗ trợ.

Ông Phan Xuân Thiết - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Quảng Sơn cho hay: “Với tinh thần tương thân tương ái, đoàn công tác của Hội Luật gia đã vượt hàng trăm cây số để có mặt quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước hành động cao đẹp này, chúng tôi vô cùng biết ơn, trân trọng và xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất”.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/roi-nuoc-mat-truoc-cuoc-song-khon-kho-cua-nguoi-dan-sau-lu-a496592.html