Rơi máy bay ở Indonesia: Quá khó nhận dạng nạn nhân

Ngày 30/10, Đội Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia tiếp tục guồng quay không ngừng nghỉ, chạy đua với thời gian để trục vớt...

Mảnh vỡ máy bay nát vụn, tư trang và đồ đạc của hành khách từ máy bay Lion Air nổi trên mặt biển

Mảnh vỡ máy bay nát vụn, tư trang và đồ đạc của hành khách từ máy bay Lion Air nổi trên mặt biển

Ngày 30/10, Đội Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia tiếp tục guồng quay không ngừng nghỉ, chạy đua với thời gian để trục vớt thi thể các nạn nhân, tìm kiếm người sống sót và tìm kiếm hộp đen máy bay - mấu chốt để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.

Sau hàng chục giờ tìm kiếm, những gì đội cứu hộ tìm thấy chỉ là các mảnh thi thể và phải đặt hết trong các túi đựng chuyên dụng, chờ giám định.

Theo Phó cảnh sát trưởng Quốc gia Indonesia - Ari Dono Sukmanto, Indonesia đã huy động 651 cảnh sát, 30 thợ lặn có kinh nghiệm tham gia hoạt động trục vớt; 15 nhân viên giám định pháp y phụ trách xác định danh tính thi thể.

Giới chức địa phương cũng đưa người nhà các nạn nhân tới Jakarta, lấy mẫu DNA để hỗ trợ xác định thân nhân.

Ông Sukmanto cho biết, quá trình giám định rất khó khăn vì có rất ít thi thể nạn nhân còn nguyên vẹn. Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas) Bambang Suryo Aji lo ngại “rất có khả năng không còn ai trong số 189 người trên máy bay sống sót”.

Để hỗ trợ Indonesia, Singapore cử một đội gồm 3 chuyên gia và thiết bị tìm kiếm hộp đen tiên tiến tới giúp đỡ.

Tuy lúc này còn là quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc của Lion Air nhưng theo trưởng đại diện của ABC News tại châu Âu Samantha Hawley, vụ tai nạn này không quá gây sốc, một phần do ngành Hàng không Indonesia vốn có tiếng xấu về an toàn.

“Trong trường hợp tất cả 189 người trên máy bay Boeing 737 Max 8 thiệt mạng, vụ việc lần này sẽ trở thành vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử Indonesia nhưng vẫn khó có thể thay đổi ngành Hàng không nước này”, ông Hawley nhận định.

Theo vị trưởng đại diện của ABC News tại châu Âu, cách thể hiện của Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Indonesia cho thấy họ rất nhiều lần không thể và không biết cách cải thiện các tiêu chuẩn về an toàn.

Từ năm 2002 - 2013, đã xảy ra ít nhất 19 sự cố hàng không liên quan đến Lion Air tại Indonesia. Trong vụ năm 2013, một phi công đã điều khiển máy bay vượt khỏi đường băng tại Bali và lao xuống biển nhưng rất may mọi người còn sống sót.

Đến tận tháng 6/2016 vừa rồi, Lion Air mới được đưa ra khỏi danh sách đen về an toàn hàng không của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, vụ việc nghiêm trọng gần đây nhất vừa xảy ra là vào tháng 12/2014 khi một máy bay Airbus A320 của Air Asia, chở 162 hành khách, gặp nạn trên đường từ Surabaya đến Singapore.

Năm 2006, Liên minh châu Âu từng cấm Lion Air bay vào không phận của các nước thành viên do lo ngại về vấn đề an toàn.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/roi-may-bay-o-indonesia-qua-kho-nhan-dang-nan-nhan-d277265.html