Rối loạn sắc tố da

Rối loạn sắc tố da (RLSTD) thường gây nên những đốm nâu, nám, bạch biến... trên mặt và tay của người phụ nữ. Nguyên nhân và cách điều trị bệnh không đơn giản. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM về vấn đề này.

* Thưa bác sĩ, xin hãy cho biết những biểu hiện cụ thể của RLSTD?

- RLSTD thường được biểu hiện dưới hai hình thức: Đầu tiên là việc tăng sắc tố da hơn bình thường mà biểu hiện của nó là sự xuất hiện của những đốm nâu với mức độ từ nhạt tới đậm, nhỏ tới to, rời rạc hay liên tục. Nếu xuất hiện trên mặt gọi là nám, còn ở những nơi khác trên cơ thể gọi chung là sạm da. Biểu hiện thứ hai là việc giảm sắc tố da hơn bình thường (bệnh bạch biến) được thể hiện bằng những đám nhạt màu hoặc mất màu so với làn da bình thường có thể gặp ở da hoặc niêm mạc.

* Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng RLSTD?

- Đối với tăng sắc tố da (ở mặt, tay), nguyên nhân là do ánh sáng mặt trời, tiếp đến là do nội tiết trong cơ thể, và có thể do rối loạn chuyển hóa: chẳng hạn những bệnh nhân bị bệnh Addison do rối loạn chuyển hóa một số ion trong cơ thể, gây tổn thương tuyến thượng thận làm sạm da ở những vùng như nách, bẹn. Và một nguyên nhân nữa là do yếu tố chủng tộc, nòi giống (di truyền).

Đối với giảm sắc tố da: Với bệnh bạch biến thì chưa được biết rõ lắm, ngoài ra còn có một số trường hợp giảm sắc tố trên da do một số bệnh khác như lang ben, hay bị sẹo phỏng hoặc do bôi một số hóa chất như Corticoid, thủy ngân (có trong kem làm trắng da, một số thuốc trị bệnh).

BS Võ Thị Bạch Sương

- Việc điều trị RLSTD rất khó khăn. Đối với tăng sắc tố da thì phải tìm hiểu nguyên nhân để điều trị nhưng đây là việc không dễ dàng, cần phải có thời gian. Chẳng hạn như với nám thì vai trò của việc bảo vệ da đứng hàng đầu, sau đó sẽ sử dụng những biện pháp hóa học hoặc vật lý để làm nhạt vết nám. Tuy nhiên, việc chọn lựa biện pháp nào còn tùy thuộc vào đặc điểm của vết nám và một số yếu tố khác do bác sĩ quyết định (không phải vết nám nào cũng thành công với việc điều trị bằng tia laser).

Đối với giảm sắc tố da thì sử dụng những chất tăng nhạy cảm quang học như uống Paraminan, Psoralene hoặc thoa Meladinine. Tuy nhiên, các thuốc này phải được dùng trong một thời gian dài theo sự chỉ dẫn cụ thể của thầy thuốc và cũng có không ít tác dụng phụ như có thể làm tổn hại đến mắt, gan...

* Chế độ dinh dưỡng và việc sử dụng các loại vitamin có tác dụng như thế nào trong việc ngăn ngừa RLSTD?

- Chế độ dinh dưỡng thường không gây ra bệnh này, nhưng việc sử dụng chế độ ăn giàu sinh tố sẽ đem lại một làn da tươi trẻ. Còn việc sử dụng vitamin như vitamin C có tác dụng ức chế Melanin giúp làm nhạt màu tình trạng nám, sạm da.

* Bác sĩ có lời khuyên nào với những trường hợp RLSTD?

- Những lời khuyên này chỉ giúp tránh những tác hại từ việc điều trị không đúng cách và giới hạn những tác hại cho cơ thể và làn da, chứ không có tác dụng phòng tránh: Bạn cần cẩn thận với những kem tẩy trắng nhanh vì trong đó có thể có một số chất độc cho hiệu quả nhanh nhưng dùng lâu gây teo da, nổi mụn, kích ứng ví dụ như Corticoid; không nên tự điều trị, phải nhẫn nại hợp tác với thầy thuốc vì bệnh thường đáp ứng sau vài tháng điều trị. Việc tránh nắng chiếm vai trò quan trọng hàng đầu để hạn chế tăng các vết nám, sạm ở da. Cuối cùng là tránh căng thẳng (stress), mất ngủ vì sẽ làm cho tình trạng nám trên mặt đậm hơn.

Thu Thủy
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/roi-loan-sac-to-da-332613.html