Rời ISS, Nga tự chế Trạm không gian riêng trên vũ trụ

Cơ quan nhà nước Nga cho các hoạt động không gian là 'Roscosmos' mới đây đã tiết lộ về sáng chế modul mới dành cho Trạm không gian riêng của Nga.

Theo tin của giới truyền thông Nga, Cơ quan nhà nước Nga cho các hoạt động không gian là “Roscosmos” đang hoàn thiện modul Khoa học-Năng lượng (NEM) để sử dụng trên Trạm quỹ đạo của Nga, sau khi rời khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station-ISS).

Hiện đang có 15 thành viên tham gia dự án ISS, trong đó có 5 thành viên chính là: Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Trạm bắt đầu được xây dựng vào năm 1998, chuyến thám hiểm cố định đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2000.

Trước đó có thông báo rằng, trong cuộc họp với Tổng thống Putin vào Ngày Du hành vũ trụ (ngày 12 tháng 4), Nga quyết định rút khỏi dự án ISS từ năm 2025 và bắt đầu xây dựng Trạm quỹ đạo của riêng mình. Modul đầu tiên cho nó sẽ là SEM, vốn ban đầu đã được thiết kế dành cho ISS.

Roscosmos lưu ý rằng các modul ISS đã hết tuổi thọ sử dụng. Thông thường các kết cấu của IS thường chỉ sử dụng trong vòng 15 năm, nhưng hầu hết các modul của ISS chứ không riêng của Nga, đã sử dụng quá 2 thập kỷ.

Ong Vladimir Soloviev, lãnh đạo bộ phận chuyến bay đã nói về nhu cầu cần tạo ra trạm mới do các vấn đề kỹ thuật trên phân đoạn Nga trên ISS, cụ thể là phát hiện ra các vết nứt khiến không khí thoát ra ngoài. Mặc dù các vết nứt đã được niêm phong, nhưng vẫn còn vết rò rỉ nhỏ.

Nga quyết định rời ISS, xây dựng Trạm Không gian cho riêng mình

Nga quyết định rời ISS, xây dựng Trạm Không gian cho riêng mình

Ông Soloviev dự đoán, sau 2025 sẽ còn có những trục trặc kỹ thuật hàng loạt đối với các bộ phận của trạm. Việc tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng là vô cùng tốn kém và hết sức nguy hiểm.

Vào tháng 10, ông Soloviev đã tiết lộ diện mạo của một trạm dịch vụ quỹ đạo mới của Nga.

Theo kế hoạch, nó sẽ bao gồm ít nhất năm modul: Phần cơ bản, sản xuất mục tiêu, kho hậu cần, nền tảng (đường trượt) để lắp ráp, phóng, tiếp nhận và phục vụ tàu vũ trụ, cũng như một modul thương mại có thể chứa bốn khách du lịch.

Theo các tài liệu, với mục tiêu sử dụng trong thành phần Trạm quỹ đạo của Nga, modul này cần phải được điều chỉnh để thích ứng với việc phóng bằng tên lửa đẩy “Angara-A5M” từ sân bay vũ trụ Vostochny, thay vì tên lửa “Proton-M” từ sân bay Baikonur.

Ngoài ra, trên modul sẽ phải thay thế bộ lắp ghép từ chủ động sang thụ động, đặt hai khoang cabin dành cho các phi hành gia và chỉnh lý các hệ thống phụ trách chuyển động và điều hướng, đo xa, thông tin liên lạc và chế độ đảm bảo nhiệt.

Theo tài liệu được công bố, kế hoạch chế tạo Trạm quỹ đạo của Nga sẽ được chia làm hai giai đoạn.

Mô hình Modul Khoa học-Năng lượng (NEM) trên Trạm Vũ trụ của Nga

Ở giai đoạn đầu là từ năm 2025 đến năm 2030, dự kiến sẽ khởi động NEM, các modul nút, cơ sở và cổng vào. Ở giai đoạn thứ hai, từ năm 2030 đến 2035, Roscosmos sẽ cho sản xuất các modul mục tiêu cũng như nền tảng để phục vụ bảo dưỡng các bộ máy vũ trụ.

Trạm quỹ đạo của Nga sẽ bay theo quỹ đạo đồng bộ Mặt trời - nghiêng 97 độ so với đường xích đạo, trên đó các tấm pin Mặt trời của nó sẽ luôn nhận được ánh sáng.

Quỹ đạo như vậy cũng cho phép phi hành đoàn cứ sau một giờ rưỡi lại nhìn thấy Bắc Cực, còn hai ngày một lần họ nhìn thấy bất cứ điểm nào trên hành tinh của chúng ta.

Trong tương quan này, có kế hoạch trang bị cho phần của Trạm quay mặt về phía Trái đất nằm trong tầm theo dõi của hệ thống quan sát ở nhiều dải phổ khác nhau - từ quang học cho đến radar, còn phía đối diện là thiết bị dành để theo dõi bên ngoài không gian mở.

Để bay lên Trạm mới trong giai đoạn đầu tiên sẽ là tàu vận tải “Progress” và tàu “Soyuz” có người lái, còn ở giai đoạn thứ hai là tàu có người lái “Oriol”.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/roi-iss-nga-tu-che-tram-khong-gian-rieng-tren-vu-tru-3431189/