Rồi đây Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phát triển đến mức nào?

'Rồi đây Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà phát triển thì phát triển đến mức nào, kinh tế - xã hội như thế nào? Mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của ba đặc khu đó với sự ổn định an ninh, quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước...'

Đây là câu hỏi được ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) gửi tới Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn chiều 6/6.

Đặc khu không ảnh hưởng đến 2 đầu tàu kinh tế

Nêu ra vai trò và trách nhiệm với tầm nhìn của một giáo sư về kinh tế, của một Phó Thủ tướng Chính phủ và với Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã “xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì kinh tế - xã hội của các địa phương đó sẽ phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam?”.

ĐB Nguyễn Anh Trí

ĐB Nguyễn Anh Trí

Đồng thời, vị ĐB nguyên là giám đốc Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương cũng đề nghị “Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế ở 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh, quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa”.

Đáp lại câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên thế giới thì việc ra đời và thành lập các đặc khu để tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế và tạo ra cực tăng trưởng. Đấy là nguyên tắc chung. Dự luật này thì hiện Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể lợi ích cả về kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh v.v... Quốc hội đang có thảo luận liên quan đến dự án luật này.

“Đại biểu có hỏi rằng khi có các đặc khu này thì các vùng khác sẽ như thế nào? Chúng tôi xin báo cáo là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn là 2 đầu tàu và động lực của cả nước. Dù có hay không có đặc khu này thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 2 đầu tàu động lực, 7 vùng kinh tế trọng điểm của chúng ta, chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này để làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác.

Tôi nghĩ việc ra đời các đặc khu này không ảnh hưởng, tác động gì đến quan điểm cũng như phát triển của chúng ta, các nguồn lực của trung ương cũng như địa phương để tập trung cho 2 đầu tàu và 7 khu kinh tế trọng điểm này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí tiếp tục tranh luận lại khi ông cho rằng phần “hỏi của tôi khác, tôi không đề cập đến 7 vùng kinh tế hoặc các đầu tàu gì cả”.

“Ý tôi hỏi rồi đây Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà phát triển thì phát triển đến mức nào, kinh tế - xã hội như thế nào? Xin Phó Thủ tướng cho một vài nét gọi là khái quát để cho mọi người yên tâm về việc này.

Ý thứ hai, xin Phó Thủ tướng cũng thông tin luôn, mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của ba đặc khu đó với sự ổn định an ninh, quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian”, ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Anh Trí vừa dứt lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói ngay: “Hiện nay chúng ta chưa thông qua Luật Đặc khu, còn đang bàn, do đó bây giờ để có những câu trả lời cho thật đầy đủ chắc phải có sự nghiên cứu cặn kẽ hơn. Xin đại biểu cho Phó Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản”.

3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương

Một vấn đề sát sườn khác cũng được ĐB Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đó là cải cách tiền lương.

ĐB Bùi Sĩ Lợi cho rằng: Cho đến nay, Chính phủ đã ba lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Hiện nay, Trung ương đã có Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương.

“Cá nhân tôi, tôi thấy dư luận xã hội, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động rất phấn khởi. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, vì ba lần lỡ hẹn của chúng ta đều vì không có nguồn lực. Với tư cách là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ 3 vấn đề.

Một là khả năng ngân sách nhà nước cân đối để chúng ta cải cách chính sách tiền lương. Thứ hai, như vậy có làm tăng thêm trần nợ công không khi chúng ta cải cách tiền lương? Thứ ba, xin đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp để chúng ta kiềm chế chỉ số giá sinh hoạt khi chúng ta tăng tiền lương”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là một vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Dư luận cũng rất phấn khởi khi Trung ương đã ban hành nghị quyết về cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 vừa rồi. Nhưng dư luận có đặt vấn đề bây giờ tăng lương như thế nào, lấy đâu ra mà tăng lương? Việc tăng lương như vậy có ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không?

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện cải cách tiền lương và nhất là việc tăng lương, mặc dù tăng lương không phải toàn bộ nội dung cải cách tiền lương nhưng là vấn đề cốt lõi và nhiều người quan tâm nên chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có 1 giải pháp tiền đề và 2 giải pháp mang tính đột phá. Giải pháp tiền đề tức là chúng ta phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương của chúng ta trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Thứ hai là biện pháp có tính chất đột phá là phải quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19 của Chính phủ để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba là giải pháp tài chính để tiến hành cải cách về tiền lưong, trong đó căn cơ nhất vẫn là phát triển sản xuất để chúng ta tăng thu, thứ hai là quyết liệt triệt để chống thất thu về ngân sách và thứ ba là triệt để tiết kiệm chi tiêu. Trong phương án vẫn phải tiết kiệm 10% các kinh phí thường xuyên cho đến khi chúng ta ổn định bộ máy tổ chức, chúng ta dùng nguồn này để làm cải cách tiền lương.

Một nguồn nữa là tăng thu của ngân sách địa phương, trước đây là 50% được để lại đầu tư 50% dùng cải cách tiền lương. Bây giờ với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư phát triển thì Trung ương quyết định dành 70% tăng thu của ngân sách địa phương làm cải cách tiền lương này. Trước đây không có chuyện dành vượt thu của ngân sách Trung ương để làm cải cách tiền lương nhưng nghị quyết lần này đã quyết định vượt thu của ngân sách Trung ương dành tối thiếu 40% để cải cách tiền lương này. Do đó, các nguồn có thể tính toán cụ thể được nhưng cụ thể thế nào Chính phủ và Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan liên quan sẽ có tính toán cụ thể.

“Trong quá trình cân đối, Chính phủ đã dựa vào Nghị quyết 7 của Bộ Chính trị để tính toán các phương án trả lương nhưng vẫn đảm bảo trần nợ công là 65%. Tính đến bội chi ngân sách và chi phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông về đầu tư xây dựng cơ bản vẫn phải đảm bảo tỷ lệ là 26%, đồng thời vẫn kiểm soát chỉ số lạm phát. Nếu chúng ta tăng lương nhưng gắn với tăng năng suất lao động và hiệu suất của bộ máy nhà nước thì tác động đến GDP là không lớn. Chúng ta thực hiện các biện pháp đồng bộ như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/roi-day-van-don-bac-van-phong-va-phu-quoc-phat-trien-den-muc-nao-post264667.info